Tăng cường đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra theo hình thức điện tử

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 11/2021, cả nước đã có trên 15,9 triệu người tham gia BHXH (đạt 31,96% lực lượng lao động), trong đó: Số tham gia BHXH bắt buộc là hơn 14,6 triệu người, tham gia BHXH tự nguyện hơn 1,2 triệu người, số tham gia BH thất nghiệp là hơn 12,9 triệu người (đạt 25,98% lực lượng lao động), và gần 84 triệu người tham gia BHYT (đạt tỷ lệ bao phủ 85,77% dân số).

Tăng cường đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra theo hình thức điện tử
Cán bộ Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội tăng cường kiểm tra, kiểm soát theo hình thức điện tử.

Tổng số thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cũng đạt 84,58% kế hoạch Chính phủ giao, đạt 81,10% kế hoạch ngành BHXH Việt Nam đã đặt ra. Tuy nhiên, theo BHXH Việt Nam, vấn đề đáng lưu tâm là tổng số nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp năm nay gia tăng, với 27.3143 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 6,79% so với số phải thu (so với cùng kỳ năm 2020, số tiền nợ giảm 7.137 tỷ đồng, tỷ lệ nợ so với số phải thu tăng 2,1%).

Về nhiệm vụ từ nay đến hết năm 2021, theo lãnh đạo BHXH Việt Nam, hiện nay, các địa phương tập trung rà soát dữ liệu từ cơ quan Thuế; đôn đốc thu nợ và thanh tra đột xuất các đơn vị nợ, nên nhiều đơn vị đã khắc phục được nợ BHXH, BHYT. Từ nay đến cuối năm, BHXH Việt Nam tiếp tục đôn đốc các địa phương tăng cường vận động đảm bảo chỉ tiêu bao phủ BHXH, BHYT, đồng thời rà soát, vận động những người lao động đã nghỉ việc tham gia tiếp BHXH.

Chỉ đạo nhiệm vụ của ngành trong tháng cuối cùng của năm, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh khẳng định: Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang gây ra rất nhiều khó khăn, thiệt hại đối với kinh tế – xã hội đất nước, trong đó có ngành BHXH Việt Nam, đòi hỏi các đơn vị, BHXH các địa phương cần quyết liệt, tập trung hơn nữa, thực hiện đồng bộ các giải pháp để hoàn thành các nhiệm vụ đã đề ra; tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra liên ngành năm 2022; tổ chức hoạt động thanh tra chuyên ngành năm 2021 phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh Covid-19; tăng cường đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra theo hình thức điện tử (khai thác các cơ sở dữ liệu của ngành, phân tích, đánh giá, đưa ra cảnh báo, đôn đốc; tập trung thanh tra chuyên ngành, kiểm tra đột xuất đối với các đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng kéo dài, có dấu hiệu lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp).

B.D

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích