Tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao

Trước tình hình trên, Công an thành phố Hà Nội đã chủ động tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Chỉ thị số 163 ngày 21/6/2024 về “Tăng cường công tác phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao để hoạt động phạm tội trên địa bàn Thành phố” để chỉ đạo các cấp, các ngành; đồng thời chủ động phối hợp với đơn vị có liên quan tập trung, quyết liệt thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, giải pháp để phòng ngừa, ngăn chặn đối với loại tội phạm này.

Tuy nhiên, công tác phòng, chống loại tội phạm này còn nhiều khó khăn, đòi hỏi phải nỗ lực thực hiện các biện pháp, giải pháp quyết liệt hơn, hiệu quả hơn và Kế hoạch phối hợp giữa 4 đơn vị ký kết ngày hôm nay là một trong những giải pháp đó. Việc ký kết Kế hoạch phối hợp là một dấu mốc quan trọng hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa Công an Thành phố với 3 Cục nghiệp vụ của Bộ Thông tin và Truyền thông trong phòng ngừa, đấu tranh đối với tội phạm sử dụng công nghệ cao, thể hiện một quyết tâm chính trị cao của các ngành chức năng trong phòng, chống loại tội phạm này trên địa bàn Thành phố trong thời gian tới…

Để nỗ lực ngăn chặn tội phậm sử dụng công nghệ cao, mới đây, Công an thành phố Hà Nội đã tổ chức lễ ký kết kế hoạch phối hợp thực hiện các giải pháp phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao giữa Công an Thành phố và 3 Cục thuộc Bộ Thông tin và truyền thông.

Tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao
Công an Thành phố tăng cường công tác tuyên truyền về thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao cho người dân.

Mục đích của lễ ký kết nhằm tăng cường sự hiểu biết, gắn kết giữa các đơn vị, tạo cơ chế phối hợp chặt chẽ, góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện các biện pháp, giải pháp phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trên địa bàn Thành phố…

Theo đồng chí Trần Quang Hưng – Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, việc phối hợp bảo đảm sự chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất, kịp thời của lãnh đạo Công an thành phố Hà Nội, Cục An toàn thông tin, Cục Phát thanh – truyền hình và thông tin điện tử, Cục Viễn thông đối với công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trực thuộc; hoạt động phối hợp được thực hiện thường xuyên, liên tục, phù hợp với từng nội dung, yêu cầu cụ thể, tránh hình thức, chồng chéo, bỏ sót nhiệm vụ; quá trình thực hiện có sự theo dõi, trao đổi, để kịp thời đề ra các phương hướng, nhiệm vụ phù hợp với yêu cầu thực tiễn…

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, điều kiện thực tế, các đơn vị tăng cường phối hợp tuyên truyền với các hình thức, nội dung phong phú, phù hợp các đối tượng, địa bàn về tình hình, kết quả công tác phòng ngừa, đấu tranh tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhất là tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao đề người dân biết, nâng cao cảnh giác, phòng ngừa tội phạm;

Đồng thời, công khai các trang web, đường link, các ứng dụng, số điện thoại, các tài khoản mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber, Telegram…; số tài khoản ngân hàng mà các đối tượng sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội để yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ, doanh nghiệp… triển khai các biện pháp, giải pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, điều tra vụ án hình sự, thường xuyên tổng hợp, đánh giá những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực công nghệ thông tin mà tội phạm có thể lợi dụng hoạt động phạm tội… để trao đổi, đề xuất, kiến nghị các biện pháp, giải pháp phòng, chống tội phạm…

Sau 1 năm thực hiện, các đơn vị tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phối hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Thông tin và truyền thông xem xét, chỉ đạo công tác phối hợp giữa các đơn vị trong thời gian tiếp theo. Hằng quý, 6 tháng, năm, Tổ công tác tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện các hạn chế, khó khăn, vướng mắc, tham mưu, đề xuất cơ quan, đơn vị đầu mối chỉ đạo các nhiệm vụ phối hợp trong thời gian tiếp theo; Đề xuất khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.

Để tránh sập bẫy chiêu lừa đảo giả mạo cán bộ công an yêu cầu hỗ trợ cài đặt dịch vụ công giả mạo, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân tiếp tục nâng cao cảnh giác trước các cuộc gọi lạ, tin nhắn có liên quan tới cán bộ của các cơ quan chức năng; không làm việc, không cung cấp thông tin cá nhân và cũng không làm theo các yêu cầu thông qua điện thoại; đồng thời, liên hệ với các cơ quan chức năng, có thẩm quyền để xác minh về người gọi điện; chủ động tìm hiểu thông tin về việc làm căn cước tại địa phương qua tổ dân phố, cảnh sát khu vực phụ trách.

Cơ quan chức năng cũng khuyến cáo cảnh giác với những yêu cầu cài đặt phần mềm; tuyệt đối không bấm vào các đường link nhận được qua tin nhắn, không cài đặt ứng dụng không rõ nguồn gốc qua link hoặc file Apk; không lưu thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng trên các phần mềm ứng dụng của điện thoại. Thường xuyên cập nhật các phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của tội phạm công nghệ cao trên các phương tiện thông tin đại chúng và tuyên truyền cho người thân, mọi người xung quanh.

H.D

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích