Tăng cường công tác truyền thông trong thi hành án dân sự, hành chính
Kết quả THADS trong năm qua (tính từ tháng 9/2020 đến tháng 9/2021), tổng số phải thi hành là 843.917 việc, trong đó số việc có điều kiện thi hành là 652.177, đã thi hành xong là 494.505 việc, đạt 75,82%. Tổng số tiền phải thi hành là trên 289.190 tỷ đồng, số có điều kiện thi hành trên 148.456 tỷ đồng, đã thi hành xong trên 46.328 tỷ đồng, đạt 31,21%. Trong đó, về án kinh tế – tham nhũng đã thi hành xong 2.697 việc, thu được trên 4.094 tỷ đồng. Về công tác bồi thường Nhà nước, đã giải quyết xong 6 vụ việc, đang xem xét giải quyết 10 vụ việc…
Về thi hành án hành chính, trong cả nước đã tiếp nhận 944 bản án, quyết định về hành chính; đã thi hành xong 455/944 bản án, quyết định; có văn bản kiến nghị người có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với 67 vụ việc; đăng tải công khai và theo dõi đối với 322 quyết định buộc thi hành án hành chính.
Ảnh minh họa (Ảnh: Tổng cục THADS cung cấp, chụp trước khi dịch Covid-19 bùng phát) |
Theo Bộ Tư pháp, trong bối cảnh toàn xã hội bị tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, Chính phủ, Bộ Tư pháp đã tích cực, chủ động triển khai nhiều giải pháp phù hợp để chỉ đạo Hệ thống THADS cố gắng thực hiện tốt nhất có thể nhiệm vụ được giao. Trong đó, chú trọng việc thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; chủ động xác minh, áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi tài sản cho ngân sách nhà nước, thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng, các vụ việc phức tạp, kéo dài, có giá trị lớn được tập trung chỉ đạo giải quyết.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã đạt được, kết quả thi hành về việc, về tiền giảm so với năm 2020; kết quả thu hồi các khoản nợ của các tổ chức tín dụng, kết quả thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế còn thấp so với yêu cầu.
Nguyên do, kể từ khi dịch bùng phát phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện cách ly, phong tỏa, đặc biệt là các địa phương có lượng việc, tiền lớn làm cho các hoạt động THADS (chủ yếu tác nghiệp tại cơ sở, thực địa như xác minh điều kiện thi hành án, làm việc trực tiếp với các đương sự để xác minh, kê biên, xử lý tài sản…) bị gián đoạn; có nhiều việc thi hành án tài sản có giá trị lớn đang trong quá trình xử lý hoặc chuẩn bị giao tài sản thì phải tạm dừng đã ảnh hưởng rất lớn đến kết quả thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ của Hệ thống THADS.
Bên cạnh đó, một số vấn đề phát sinh từ thực tiễn thi hành án chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, dẫn đến vướng mắc, chậm tiến độ. Đáng nói, số tiền phải thi hành theo các bản án, quyết định trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế rất lớn, trong khi đó, nhiều vụ việc người phải thi hành án không có tài sản hoặc có tài sản nhưng giá trị nhỏ hơn nhiều so với nghĩa vụ thi hành án…
Đồng thời, ý thức chấp hành pháp luật của người phải thi hành án còn nhiều hạn chế, trong khi đó, việc xử lý hành chính, kể cả xử lý về hình sự chưa đủ mạnh để răn đe đối với các trường hợp cố tình không chấp hành việc thi hành án…
Vì vậy, trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục hoàn thiện pháp luật về THADS và các quy định của pháp luật có liên quan để giải quyết các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, thanh tra, trọng tâm là kiểm tra, giám sát đối với công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng; công tác xác minh, phân loại án; thẩm định giá, bán đấu giá tài sản thi hành án.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác truyền thông, thông tin đầy đủ, khách quan về hoạt động THADS, thi hành án hành chính để tạo sự ủng hộ đối với các công tác này; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin…
Nguồn: Báo lao động thủ đô