Tăng cường công tác quản lý, sử dụng tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân

(Xây dựng) – Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân, thay thế Nghị định số 29/2018/NĐ-CP.

Tăng cường công tác quản lý, sử dụng tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân
Nghị định số 29/2018/NĐ-CP được ban hành là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc thực hiện xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân (ảnh minh họa).

Bộ Tài chính cho biết, Nghị định số 29/2018/NĐ-CP được ban hành là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc thực hiện xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân. Sau hơn 05 năm thực hiện, đã thu được những kết quả ban đầu, song vẫn còn tồn tại, vướng mắc trong tổ chức thực hiện Nghị định như:

Thứ nhất, việc xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với một số loại tài sản là không cần thiết hoặc không phù hợp với bản chất, mô hình tổ chức của đối tượng tiếp nhận tài sản, như:

(i) Tài sản là tiền Việt Nam, ngoại tệ do tổ chức, cá nhân trong nước hiến, biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ cho cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội.

(ii) Tài sản do tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hiến, biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ hoặc chuyển giao theo các hình thức khác cho doanh nghiệp, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội.

(iii) Tài sản do bên nước ngoài chuyển giao cho Bên Việt Nam trong công ty liên doanh khi hết thời hạn hoạt động của dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Thứ hai, tài sản xác lập quyền sở hữu toàn dân bao gồm rất nhiều loại tài sản khác nhau, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực và pháp luật chuyên ngành như: xử lý vi phạm hành chính, xử lý tài sản trong tố tụng hình sự, quản lý thị trường, hải quan, kiểm lâm, công an, biên phòng, tiền tệ, đầu tư, doanh nghiệp… với các chủ thể thực hiện khác nhau. Do đó, việc tại Nghị định số 29/2018/NĐ-CP quy định chung một trình tự, thủ tục lập, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý tài sản dẫn đến phát sinh vướng mắc, không phù hợp đối với một số loại tài sản.

Thứ ba, trình tự, thủ tục lập, trình cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý tài sản tại Nghị định số 29/2018/NĐ-CP chưa phù hợp với thực tiễn của một số lĩnh vực có khối lượng phát sinh rất lớn như: quản lý thị trường, hải quan, công an, cảnh sát biển, bộ đội biên phòng… Đồng thời, cũng tại Nghị định số 29/2018/NĐ-CP chưa quy định cụ thể về thủ tục hành chính, hồ sơ khi lập, trình cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý tài sản.

Thứ tư, Nghị định số 29/2018/NĐ-CP quy định về thẩm quyền quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân và phê duyệt phương án xử lý trên cơ sở mức giá trị tài sản (mức 500 triệu đồng/01 đơn vị tài sản) là không phù hợp, dẫn đến phát sinh vướng mắc trong thực hiện. Vì việc xác định thế nào là “đơn vị tài sản” để xác định thẩm quyền quyết định là không phù hợp, khả thi đối với một số loại hàng hóa như: xăng dầu, thực phẩm, khẩu trang, hàng tiêu dùng…

Thứ năm, Nghị định số 29/2018/NĐ-CP chưa quy định cụ thể việc xác định giá trị tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân tương ứng đối với từng loại tài sản để xác định giá khởi điểm/giá bán chỉ định/giá bán niêm yết khi thực hiện xử lý tài sản theo hình thức bán đấu giá/bán chỉ định/bán niêm yết hoặc giao, điều chuyển cho các đối tượng quản lý, sử dụng. Việc tại Nghị định số 29/2018/NĐ-CP dẫn chiếu sang thực hiện theo quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ là không phù hợp, phát sinh vướng mắc trong thực hiện.

Từ thực tế trên, việc sửa đổi Nghị định số 29/2018/NĐ-CP ngày 05/3/2018 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân là cần thiết.

Việc xây dựng Nghị định nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, bổ sung các quy định về các vấn đề chưa có quy định điều chỉnh, giải quyết các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn để tăng cường công tác quản lý, sử dụng tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích