Tăng cường công tác PCCC & CNCH tại xã Tiền Phong, Thường Tín, Hà Nội
Tăng cường công tác PCCC & CNCH tại xã Tiền Phong, Thường Tín, Hà Nội
Công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) được xã Tiền Phong xem là một trong những công tác quan trọng, để bảo vệ tài sản và tính mạng của con người, xã hội, góp phần bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn địa phương.
Xã Tiền Phong, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội là xã nằm ở phía Tây Nam huyện Thường Tín, có diện tích tự nhiên 482.23 ha, tổng dân số: 3.083 hộ bằng 10.370 nhân khẩu.
Xã có 01 cụm công nghiệp làng nghề Tiền Phong tại thôn Trát Cầu; 01 trường THCS; 01 trường tiểu học; 01 trường mầm non và 01 trạm y tế. Kinh tế chủ đạo là thương mại và dịch vụ sản xuất theo quy mô làng nghề như: làng nghề sản xuất chăn ga, gối đệm Trát Cầu, Ngọc Động; làng nghề điêu khắc mộc Thượng Cung, Định Quán.Việc sản xuất, kinh doanh các mặt hàng là những nguyên liệu dễ cháy như bông, vải, gỗ, …nên tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.
Để ngăn chặn những nguy cơ có thể xảy ra, UBND xã Tiền Phong luôn xác định phòng cháy và chữa cháy (PCCC) là một trong những công tác quan trọng nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, bảo vệ tài sản nhà nước và của nhân dân, góp phần bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Trong đó, việc huy động sức mạnh của toàn dân trong công tác PCCC là yêu cầu nhiệm vụ cấp thiết đặt ra trong tình hình hiện nay.
Thực hiện Luật PCCC năm 2001, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC năm 2013 và Nghị Định 136/2020, Công an xã là lực lượng nòng cốt đã chủ động tham mưu Đảng ủy, HĐND, UBND xã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các ban, ngành và các cụm dân cư tổ chức thực hiện tốt công tác PCCC.
Đã tham mưu Đảng ủy xã triển khai nghiêm túc việc thực hiện Chỉ thị 47-CT/TW ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của đảng về công tác PCCC; Đồng thời, tham mưu UBND xã thành lập 08 đội dân phòng với 80 đội viên, 01 đội PCCC tại trụ sở UBND xã; thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND, ngày 08/12/2021 của Hội đồng nhân dân TP Hà Nội về chi hỗ trợ thường xuyên cho Đội trưởng, Đội phó Đội dân phòng.
Thực hiện Kế hoạch số 53/KH – UBND ngày 16/02/2023 của UBND TP Hà Nội, Kế hoạch số 63/ KH –UBND huyện Thường Tín về tăng cường đảm bảo an toàn PCCC trên địa bàn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật và xây dựng mô hình phong trào toàn dân tham gia PCCC& CNCH, UBND xã đã xây dựng kế hoạch triển khai tại địa bàn.
Xác định phòng cháy là quan trọng hàng đầu, thực hiện phương châm 4 tại chỗ “Mọi hoạt động phòng cháy và chữa cháy trước hết phải được giải quyết và thực hiện bằng lực lượng và phương tiện tại chỗ”. Do đó, công tác tuyên truyền, vận động xây dựng lực lượng quần chúng tham gia vào công tác PCCC từ cơ sở có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả công tác PCCC tại xã Tiền Phong.
Theo đó, lực lượng Công an xã đã tích cực chủ động trong công tác tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các ngành, các cấp tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền về PCCC. Từ tuyên truyền miệng trực tiếp, nói chuyện chuyên đề, tuyên truyền qua Đài truyền thanh thôn, xã, bằng tờ rơi, khẩu hiệu, băng zôn … đã từng bước mang lại hiệu quả thiết thực tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức đến hành động của người dân nâng cao kiến thức về PCCC.
Kết quả, xã Tiền Phong đã thành lập được 08 “ điểm chữa cháy công cộng” tại các thôn, cụm dân cư; vận động nhân dân đặc biệt là các hộ nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh tham gia mô hình “Tổ liên gia an toàn về PCCC” được nhân dân đồng tình, tích cực hưởng ứng. Qua đó đã thành lập “08 Tổ liên gia an toàn PCCC” với 120 hộ gia đình tham gia.
Hiện, UBND xã Tiền Phong đang tiếp tục triển khai các mô hình PCCC. Dự kiến trong thời gian tới, sẽ nhân rộng toàn xã, đảm bảo phù hợp với các tiêu chí và thực tiễn địa bàn.
Từ những kết quả bước đầu đạt được trong phong trào toàn dân PCCC trên địa bàn xã, UBND xã đã rút ra một số kinh nghiệm như:
Công tác PCCC&CNCH và phong trào toàn dân tham gia PCCC phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy, chính quyền các cấp. Công an xã là lực lượng nòng cốt, lực lượng dân phòng, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học phải tích cực quan tâm thực hiện công tác đảm bảo an toàn PCCC tại cơ sở mình phụ trách.
Phải làm tốt công tác tuyên truyền, nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến, có cơ chế chính sách khen thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PCCC và phong trào toàn dân PCCC, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia.
Quan tâm xây dựng củng cố lực lượng dân phòng, PCCC cơ sở, các mô hình an toàn PCCC làm nòng cốt cho phong trào toàn dân tham gia PCCC.
Để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng phong trào “Toàn dân tham gia PCCC” trên địa bàn xã trong thời gian tới, UBND xã Tiền Phong xác định 07 giải pháp trọng tâm sau:
Một là, Cấp ủy, chính quyền các cấp, người đứng đầu các tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh… phải xem nhiệm vụ PCCC là nhiệm vụ quan trọng, nhất là tăng cường công tác kiểm tra thực hiện các quy định về PCCC.
Hai là, tiếp tục làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, củng cố, nâng chất phong trào toàn dân tham gia PCCC, triển khai phù hợp các mô hình như “ Tổ liên gia an toàn PCCC”, “điểm chữa cháy công cộng” đưa phong trào toàn dân tham gia công tác PCCC trở thành phong trào thế trận toàn dân, góp phần bảo vệ tốt tài sản nhà nước, tính mạng, tài sản của nhân dân, qua đó đảm bảo tình hình TTATXH, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.
Ba là, Thường xuyên tuyên truyền phổ biến sâu rộng việc thực hiện các quy định bảo đảm an toàn PCCC; Tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC, chú trọng các đối tượng là công nhân lao động, học sinh, sinh viên, các hộ gia đình … để công tác PCCC đi vào từng công việc, sinh hoạt hàng ngày của người dân, tạo chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động, góp phần làm giảm số vụ cháy xảy ra và thiệt hại do cháy gây ra.
Bốn là, Thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, phát huy thế mạnh Đội dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở; tổ chức huấn luyện, tập huấn, hội thao, hội thi về nghiệp vụ, chiến thuật PCCC cho lực lượng này; Tiếp tục nhân rộng mô hình xây dựng cơ quan, đơn vị điển hình tiên tiến về PCCC, Cụm dân cư an toàn PCCC gắn với mô hình xây dựng cơ quan, Cụm dân cư và xã an toàn về ANTT. Có các hình thức động viên, khen thưởng phù hợp đối với các tổ chức, cá nhân có thành tích trong phong trào toàn dân tham công tác PCCC nhằm phát động, khuyến khích và thúc đẩy phong trào toàn dân tham gia PCCC trên địa bàn xã.
Năm là, Từng cơ sở sản xuất, cơ quan, đơn vị, từng hộ dân cư phải chủ động công tác PCCC, xác định rõ nguy cơ cháy, nổ có thể xảy ra và có phương án PCCC cụ thể. Trên cơ sở phương án PCCC đã xây dựng, định kỳ tập luyện, diễn tập rút kinh nghiệm bổ sung kịp thời những hạn chế trong phương án, kế hoạch đã xác định.
Sáu là, Đầu tư cơ sở vật chất phát động nhân dân tự trang bị các phương tiện PCCC phục vụ cho công tác PCCC phù hợp với từng địa bàn, nhất là những nơi lực lượng Cảnh sát PCCC khó tiếp cận…kết hợp chặt chẽ giữa công tác tuyên truyền, giáo dục với tăng cường và xử lý nghiêm các vi phạm về PCCC theo Luật PCCC đã ban hành.
Bảy là, Chú trọng việc sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả việc thực hiện nhiệm vụ PCCC theo từng thời kỳ, giai đoạn, rút kinh nghiệm và có chỉ đạo, định hướng trong những giai đoạn tiếp theo.
Có thể khẳng định rằng, với nhiều nỗ lực, công tác PCCC&CNCH trên địa bàn xã Tiền Phong đã, đang từng bước được nâng cao về hiệu quả. Công tác này cũng nhận được sự quan tâm của các tầng lớp trong xã hội và được xã hội hóa, vì phần lớn cơ sở kinh doanh, cùng người dân đã xác định được quyền lợi và nghĩa vụ trong việc thực hiện công tác PCCC&CNCH.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị