Tân Yên, Bắc Giang: Doanh nghiệp tạo việc làm, góp phần bảo đảm an sinh xã hội

Tân Yên, Bắc Giang: Doanh nghiệp tạo việc làm, góp phần bảo đảm an sinh xã hội

MTĐT –  Thứ bảy, 25/02/2023 09:54 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Cộng đồng doanh nghiệp (DN) trên địa bàn huyện Tân Yên (Bắc Giang) không chỉ tích cực thi đua sản xuất, phát triển kinh tế mà còn đóng góp cho hoạt động an sinh xã hội, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền xây dựng Tân Yên trở thành miền quê đáng sống.

Giải quyết việc làm, ổn định đời sống người dân

So với chục năm về trước, Tân Yên đã có những đổi thay đột phá. Những con đường liên huyện, liên xã, trục thôn được cứng hóa; nhà cửa khang trang; kinh tế khởi sắc. Trong sự phát triển chung đó có đóng góp không nhỏ của cộng đồng DN. Bình quân mỗi năm trên địa bàn có 35 DN thành lập mới. Nếu năm 2005, toàn huyện chỉ có 15 DN, tới năm 2010 có 120 DN; năm 2022 có 579 DN. Các DN hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực: May mặc, điện tử, cơ khí, vật liệu xây dựng, xây dựng, chế biến nông – lâm sản…

Số lượng DN tăng nhanh đã góp phần giải quyết được nhiều việc làm và thu nhập cao hơn cho người lao động. Hiện nay, các DN đã tạo việc làm thường xuyên cho hơn 12 nghìn lao động với mức lương bình quân từ 6,2 triệu đồng/người/tháng trở lên. Hoạt động của DN trên địa bàn đã góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nâng cao năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng, dịch vụ và giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế.

Đến năm 2022, cơ cấu giá trị sản xuất có sự thay đổi, phát triển vượt bậc so với năm 2015, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn 19.754 tỷ đồng, tăng 11.715 tỷ đồng. Trong đó tỷ trọng đóng góp của khu vực DN vào giá trị sản xuất chung toàn huyện năm 2022 đạt khoảng 39%, tăng 12,5% so với năm 2015.

Tân Yên, doanh nghiệp, tạo việc làm, góp phần, bảo đảm, an sinh xã hội
Công ty TNHH Daeyang Hà Nội, Cụm công nghiệp Đồng Đình (Tân Yên) giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Ảnh: Hoài Thu.

Đơn cử như Công ty cổ phần Đầu tư Sơn Hà, thị trấn Cao Thượng chuyên gia công hàng may mặc. Ngoài trụ sở chính tại thị trấn Cao Thượng, năm vừa qua, DN mở rộng xưởng sản xuất tại xã Lam Cốt. Hiện DN tạo việc làm thường xuyên cho 1,5 nghìn công nhân, mức lương bình quân từ 8-8,5 triệu đồng/người/tháng. Cộng đồng DN trên địa bàn huyện có đóng góp quan trọng vào việc tăng thu ngân sách. Năm 2022 có 496 DN nộp thuế tại Chi cục Thuế của huyện với tổng số tiền gần 30,5 tỷ đồng, chiếm 2,3% tổng thu ngân sách huyện, chủ yếu là thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế tài nguyên.

Đồng hành hỗ trợ DN

Theo ông Đào Trọng Lưu, Chủ tịch Hiệp hội DN huyện, cùng với nhiệm vụ phát triển sản xuất, kinh doanh, Hiệp hội DN huyện và các DN trên địa bàn luôn tích cực tham gia hoạt động an sinh xã hội. Hằng năm, các DN, doanh nhân trên địa bàn ủng hộ hàng tỷ đồng cho các quỹ phúc lợi như “Tết vì người nghèo”, “Đền ơn đáp nghĩa”, phòng, chống dịch Covid-19… Giai đoạn 2015-2022, có hơn 600 lượt DN tham gia các hoạt động an sinh xã hội với tổng kinh phí đóng góp gần 20 tỷ đồng.

Số lượng DN tăng nhanh đã góp phần giải quyết nhiều việc làm và thu nhập cao hơn cho người lao động. Hiện nay, các DN trong huyện đã tạo việc làm thường xuyên cho hơn 12 nghìn lao động với mức lương bình quân từ 6,2 triệu đồng/người/tháng trở lên.

Những việc như hỗ trợ xóa nhà tạm, xây dựng nhà tình nghĩa, tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, ủng hộ Quỹ vắc-xin tỉnh… đã nâng cao hình ảnh của DN, thể hiện trách nhiệm của DN với cộng đồng. Tiêu biểu như Công ty TNHH Thương mại Thanh Hoàn, Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Ngọc Vân, Công ty TNHH Daeyang Hà Nội.

Bà Tô Thị Huyên, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Daeyang Hà Nội (CCN Đồng Đình) cho biết: DN có gần 800 công nhân, chuyên sản xuất linh kiện điện tử. Hằng năm, Công ty thường xuyên tổ chức các hoạt động chia sẻ, hỗ trợ công nhân hoàn cảnh khó khăn và tặng quà một số hộ nghèo trên địa bàn huyện. Hiện DN phối hợp với Công đoàn công ty giúp 8 người lao động xây nhà ở với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 75 triệu đồng. Trung bình mỗi năm dành 1 tỷ đồng tặng quà Tết và hỗ trợ công nhân có hoàn cảnh khó khăn dịp Tết Nguyên đán.

Đồng hành cùng DN, thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung nguồn lực từ ngân sách nhà nước, huy động nhà đầu tư thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm có tính kết nối, lan tỏa cao để phục vụ DN và người dân. Tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, duy trì đối thoại với DN nhằm tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Đồng thời, huyện cũng chấp thuận các dự án đầu tư có chọn lọc, quy hoạch gắn với bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững, trong đó ưu tiên thu hút những dự án có vốn đầu tư lớn, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên và nguồn nhân lực. Hạn chế thấp nhất các dự án có công nghệ, thiết bị lạc hậu, ô nhiễm môi trường, đóng góp ngân sách ít và sử dụng mặt bằng lớn.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích