Tân Trào: Hạ tầng tạo cú hích cho du lịch và bất động sản bứt tốc

Nằm ở phía Đông Nam tỉnh Tuyên Quang, Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào trải dài trên địa phận 12 xã thuộc hai huyện Sơn Dương và Yên Sơn. Nơi đây đã chứng kiến những mốc son chói lọi trong cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ nhưng cũng rất anh dũng của dân tộc ta. Ngày nay, khu vực là “địa chỉ đỏ” trong công tác giáo dục truyền thống và trở thành địa điểm tham quan hấp dẫn của du khách thập phương.

Từ “Thủ đô Khu giải phóng”

Trong thời kỳ Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945, Tân Trào được Trung ương Đảng và Bác Hồ chọn là “Thủ đô Khu giải phóng” – nơi diễn ra những sự kiện có ý nghĩa quyết định với vận mệnh của dân tộc. Sau Cách mạng Tháng Tám không lâu, khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa vào 1947, Tân Trào lại trở thành “Thủ đô kháng chiến”, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ cùng các bộ, ban, ngành đặt trụ sở làm việc và lãnh đạo toàn dân kháng chiến, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Lán Nà Nưa, nơi đáp ứng yêu cầu “gần nước, gần dân, xa đường quốc lộ, thuận đường tiến, tiện đường thoái” của Bác. Nguồn ảnh: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang

Đây là một vùng đất rộng lớn, có địa hình đồi núi đa dạng, trùng điệp và hiểm trở thuận lợi cho chiến tranh du kích (xây dựng phát triển lực lượng, cất giấu vũ khí, lương thực, thực phẩm), nhằm bảo toàn lực lượng, đảm bảo cơ sở vật chất cho cuộc kháng chiến. Bao bọc cho Bác và Chính phủ còn có đồng bào dân tộc thiểu số thân thiện, giàu tình nghĩa, giác ngộ cao. 

“Địa lợi, nhân hoà”, Tân Trào để lại nhiều di tích lịch sử cho đến nay như: Lán Nà Nưa, đình Tân Trào, cây đa Tân Trào, Di tích Bộ Ngoại giao, Nha Công an, Cụm di tích Kim Quan (di tích lán ở, làm việc và hầm an toàn của Chủ tịch, Chính phủ, Trung ương Đảng)… khiến du khách không thể bỏ qua khi đến Tuyên Quang.

Cho đến Khu du lịch Quốc gia Tân Trào

Vùng đất hiểm trở năm xưa nay đã được thay áo mới và đầu tư cơ sở hạ tầng thuận tiện cho những chuyến du lịch về nguồn của người dân cả nước và bạn bè quốc tế. Từ Hà Nội, du khách có thể thông qua cao tốc Hà Nội – Lào Cai và các tuyến quốc lộ để đến Tân Trào chỉ với thời gian khoảng 2 giờ đồng hồ di chuyển.

Không còn là một vùng đất hiểm trở, khó tiếp cận, Tân Trào ngày nay được đẩy mạnh quy hoạch hạ tầng để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách ghé thăm. Nguồn ảnh: sonduong.gov.vn

Xã Tân Trào, lõi trung tâm của Khu di tích, nơi nhiều bậc tiền bối cách mạng từng sống và làm việc để chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám thành công nay đã trở thành điển hình cho việc cải tạo nông thôn mới với 100% đường trục chính của xã được nhựa hóa; 100% đường nội thôn, liên thôn được bê tông hóa. Không chỉ bằng những di tích hào hùng ẩn sau những khu rừng xanh mát, Tân Trào còn chào đón du khách bằng những con đường sạch đẹp len lỏi giữa cảnh vật nên thơ trù phú cùng tấm lòng thân thiện và văn hoá giàu bản sắc của người dân địa phương. Theo Ban Quản lý khu di tích, chỉ tính riêng trong tháng 8 vừa qua, nơi này đã đón trên 70.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, nâng tổng số khách tham quan Khu di tích từ đầu năm đến nay lên gần 500.000 lượt người.

Trong tương lai, Tân Trào hứa hẹn còn thu hút nhiều du khách hơn nữa nhờ quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Tân Trào đến năm 2030 của Chính phủ. Theo đó, Trung ương và địa phương sẽ nỗ lực huy động mọi nguồn lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật du lịch, các sản phẩm du lịch, các tuyến du lịch nội vùng, liên huyện, liên tỉnh và quốc tế… Những hoạt động trải nghiệm văn hoá địa phương, lễ hội cũng sẽ được đẩy mạnh tổ chức tạo nên một bức tranh mới cho du lịch Tân Trào.

Dự án Flamingo Tân Trào nằm dọc theo sông Phó Đáy, thuộc địa phận xã Tân Trào. Nguồn ảnh: Flamingo Holding Group

Song hành cùng hành trình phát triển du lịch của nơi đây, nhiều doanh nghiệp du lịch và nhà phát triển bất động sản đã vào cuộc. Gần đây nhất, tập đoàn Flamingo đã khởi công một dự án quy mô ngay tại quốc lộ 2C, thuộc lõi trung tâm Khu di tích Tân Trào. Chia sẻ về dự án, ông Trần Trọng Bình, Chủ tịch HĐQT Flamingo Holding Group khẳng định: “Song song với nỗ lực chung tay cùng chính quyền tỉnh đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Tuyên Quang, Flamingo đặt mục tiêu phát triển bền vững cùng địa phương, góp phần đưa Tân Trào nói riêng, Tuyên Quang nói chung tiệm cận với những khu vực nổi tiếng về dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng trên cả nước”.

Nhiều chuyên gia dự báo, với lợi thế về di tích lịch sử – văn hoá đặc sắc của Tân Trào và nỗ lực đổi mới của địa phương, bức tranh du lịch nơi đây sẽ còn rực rỡ hơn nữa, tạo nên dư địa phát triển tiềm năng cho các nhà phát triển như Flamingo cùng nhà đầu tư cá nhân trong tương lai.

Nguồn: Realtimes.vn
Bạn cũng có thể thích