Tản mạn về loài mèo
Đối với người Việt, mèo là một trong những con vật thông minh, gần gũi và rất được yêu quý. Trước đây, mèo thường được nuôi trong nhà để bắt chuột. Kinh nghiệm dân gian truyền lại rằng, muốn chọn được con mèo giỏi bắt chuột phải xem “khấc” của mèo. Khấc là những cái gờ nằm ngang ở vòm trong xương hàm trên của mèo. Khi chọn mèo, người ta sẽ bóp nhẹ miệng chúng để mèo há miệng và nhìn xem chú mèo đó có bao nhiêu cái khấc. Những chú mèo bình thường thông thường sẽ có bảy cái khấc. Con mèo nào có tám cái khấc thì được gọi là “vua mèo”.
Theo quan niệm dân gian, những con mèo có tám khấc bắt chuột không những rất giỏi mà còn có “uy”. Đặc biệt hơn nữa, con mèo nào có chín cái khấc thì được gọi là “chúa mèo”. Người chủ nào may mắn sở hữu được “chúa mèo” thì trong nhà không bao giờ có chuột. Bởi vì, những con mèo này không cần phải cất lên tiếng kêu mà chỉ cần nhìn thấy bóng dáng nó là chuột đã khiếp vía chạy trốn hết. Đấy người ta gọi là cái “uy” của loài mèo. Một điều thú vị nữa khoa học đã chứng mình, nếu mèo mà không bắt chuột, mắt nó sẽ chóng bị lão hoá và mờ đi.
Trên thế giới có rất nhiều loài mèo khác nhau, riêng mèo nuôi có khoảng trên 30 dòng và cách phân biệt dễ nhất là chia chúng làm hai nhóm: lông ngắn và lông dài. Nhóm mèo lông ngắn có mèo Xiêm, mèo Ai Cập. Mèo lông dài nổi tiếng là mèo Ba Tư và mèo Angora.
Còn hiểu theo cách nôm na của người Việt thì tuỳ theo màu sắc của bộ lông mà người ta gọi mèo trắng (lông màu trắng), mèo mướp (lông màu xám có vằn đen nhạt), mèo nhị thể (lông hai màu thường là đen trắng hoặc vàng xám hay vàng trắng), mèo tam thể (lông ba màu thường là vàng, trắng, xám…), mèo mun (lông đen tuyền)… Mèo mun có nơi gọi là linh miêu. Theo dân gian thì linh miêu là loài mèo huyền bí, có những đặc tính kỳ lạ. Những gia đình có đám hiếu sẽ rất kỵ loài mèo này. Thông thường, họ sẽ cử người đứng canh gần người mất để tránh không cho linh miêu đến gần.
Ở Việt Nam, mèo xếp vị trí thứ 4 trong 12 con giáp. Giờ Mão từ 5 giờ đến 7 giờ sáng, giờ rạng đông và bình minh của một ngày mới. Tháng Mão là tháng giữa mùa xuân, thời tiết dễ chịu, cây cối đâm chồi nẩy lộc xanh mát, tốt tươi, bắt đầu cho một mùa sinh trưởng. Năm Mão thường là năm mưa thuận gió hòa, giúp nhà nông được mùa. |
Có lẽ do đặc tính dễ thuần hóa, gần gũi với con người lâu năm nên con người cũng rất hiểu đặc tính của loài động vật nhỏ bé, đáng yêu này. Chính vì vậy mà dân gian có rất nhiều câu thành ngữ, ca dao, tục ngữ ví von truyền miệng thú vị về loài mèo. Những người ăn ít, nhỏ nhẻ, chậm rãi thường được so sánh với mèo: “Ăn như mèo”, “Nam thực như hổ, nữ thực như miêu”. Để gìn giữ đồ ăn thức uống, vì mèo hay sục sạo, cha ông ta đúc kết kinh nghiệm: “Chó treo, mèo đậy”, “Cơm treo mèo nhịn đói”. “Mèo khen mèo dài đuôi” ví với kẻ tự kiêu, tự đề cao bản thân, tự khen mình với hàm ý châm biếm, mỉa mai. “Mèo mù vớ cá rán” chỉ trường hợp ai đó gặp may, bất ngờ đạt được điều gì đó hoàn toàn ngoài khả năng của mình. “Buộc cổ mèo, treo cổ chó” (nói kẻ hà tiện, có tính bủn xỉn); “Có ăn nhạt mới thương tới mèo” (có lâm cảnh khổ thì mới biết thương người không may mắn bằng mình); “Chó chê mèo lắm lông” (không thấy lỗi mình mà chỉ thấy lỗi người).
Từ một con vật nuôi, mèo được chuyển nghĩa, nhân cách hóa chỉ con người. Với câu: “Mèo lại hoàn mèo” với ngụ ý khuyên răn người đời đừng đứng núi này trông núi nọ, mà phải biết lượng sức mình, dù có thay hình diện mạo như thế nào thì bản chất cũng không thay đổi.
Ngày nay, khi cuộc sống ngày càng hiện đại, con người ít có thời gian chia sẻ, quan tâm đến nhau hơn thì những chú mèo lại trở thành những người bạn tâm giao, gần gũi bên cạnh con người. Mèo không chỉ nuôi để bắt chuột mà mèo còn được nuôi để làm cảnh, là thú cưng được chăm chút cẩn thận. Và dĩ nhiên, không phụ lòng người, những chú mèo cũng rất ngoan ngoãn và biết nghe lời.
Nguồn: Báo lao động thủ đô