Tản mạn nghề báo

Nghề báo là nghề vinh quang nhưng cũng đầy thách thức, trách nhiệm. Ảnh minh họa. 

Thực tế mà nói, tính đến thời điểm hiện tại tôi đã làm nghề báo cũng gần 10 năm. Là tôi chọn nghề và cũng là nghề chọn tôi. Ban đầu, tôi có ước mơ làm sư phạm, hồi cấp III ao ước của tôi là thi đỗ Đại học Sư phạm Hà Nội. Bởi khi đó, tôi thần tượng thầy giáo chủ nhiệm. Muốn sau này cũng được đứng trên bục giảng và giảng bài say sưa cho đám học trò.

Thế rồi, ngày tôi đăng kí thi Đại học, bố mẹ tư vấn cho tôi chuyển hướng thi Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn với ngành Đông phương học chuyên ngành nghiên cứu văn hóa Nhật Bản. Bởi lúc đó, bố mẹ mong tôi sẽ trở thành thành viên của công ty du học mà bác tôi làm Giám đốc khi ra trường. Và tất nhiên, đứa trẻ 18 tuổi khi ấy buộc phải nghe theo định hướng đó.

Thế rồi, học một năm chuyên ngành mà tôi không yêu thích khiến thành tích học tập của tôi rơi vào hạng thê thảm. Kết thúc năm thứ nhất đại học, tôi đã nợ tới 3 môn trong đó có 2 môn đại cương và 1 môn chuyên ngành. Lúc đó, tôi âm thầm làm hồ sơ thi sang một chuyên ngành khác, chuyên ngành thiên về thế mạnh của mình Viết văn – Báo chí của Đại học Văn hóa. Bởi tôi đã tìm hiểu, nếu thời điểm đó, tôi thi sư phạm để thỏa niềm mong ước thì rất khó bởi qua một năm kiến thức của tôi không còn vững như trước nữa. Chưa kể, học Viết văn – Báo chí sau này tôi vẫn có thể học thêm nghiệp vụ và chuyển hướng sang sư phạm. Thế rồi tôi thi đỗ và chuyển trường trong sự ngỡ ngàng và có phần không hài lòng từ phụ huynh.

Học ở môi trường Viết văn – Báo chí, tôi được tiếp cận với một không gian hoàn toàn khác so với chuyên ngành Nhật bản học. Tôi sống trong kí túc xá cùng các anh chị khóa trên. Hàng ngày, tôi bị choáng ngợp bởi tài năng của các anh chị. Mỗi ngày, khu kí túc xá của sinh viên Viết văn – Báo chí chúng tôi đều có thông báo mời các anh chị lên phòng văn thư nhận báo biếu, rồi các anh chị thường xuyên ra bưu điện lấy nhuận bút các báo gửi về. Tôi ngưỡng mộ và cũng mong ước mình cũng sẽ nhận được nhuận bút và tôi hì hục viết.

Mãi đến kì thứ hai của năm 2 đại học, tôi mới có một bài viết tâm đắc. Khi đó, tôi được các anh trong kí túc xá dìu dắt, hướng dẫn và bài viết đó trải qua đến hơn 10 lần được các anh góp ý sửa, tôi mới mạnh dạn “send” qua mail cho một tờ tạp chí. Ngay lập tức tờ tạp chí ấy có thư phản hồi là đã nhận được bài viết của tôi. Tôi vui mừng, hồi hộp, cảm giác ấy chắc chắn mỗi nhà báo khi gửi bài viết đầu tiên đều hiểu rõ, tuy đó chỉ là một dòng mail phản hồi tự động.

Sau đó, tôi liền đăng tải bài viết trên trang Blog yahoo cá nhân để khoe với bạn bè. Sau đó chừng 5 ngày, tôi nhận được email của tòa soạn nói rằng, bài viết của tôi đã được biên tập lại và chuẩn bị sử dụng cho số tuần san ra vào Chủ nhật. Thế nhưng, vì bài viết đã được đăng tải công khai trên một trang Blog cá nhân nên đã bị loại bỏ. Dòng email này khiến tôi buồn suốt một tuần.

Sau lần đó, chừng một tuần sau, tôi lại gửi đi một bài viết và tất nhiên cũng phải nhờ các anh chị góp ý, sửa chữa đến 7 – 8 lần. Và bài viết được đăng ngay sau đó. Một tháng sau tòa soạn trả nhuận bút 90.000 đồng, tôi dành số tiền đó để mua trái cây cảm ơn các anh chị đã giúp đỡ tôi.

Và từ đó, tôi chăm chỉ cộng tác với các báo, tạp chí đến khi tôi tốt nghiệp và ra trường. Có những tháng nhuận bút viết bài cộng tác của tôi lên đến hơn 3 triệu đồng. Đó là tháng mà tôi không phải xin tiền gia đình trợ cấp. Và cũng nhờ nhuận bút cộng tác với các báo, tôi mua được một chiếc máy ảnh xịn. Từ đó, tôi quên lãng quên luôn ước mơ trở thành một thầy giáo.

Ra trường, cũng như bao người khác tôi kiếm tìm việc làm. Tôi đã trải qua không biết bao nhiêu tòa soạn. Mỗi tòa soạn tôi đều học thêm cho mình những kinh nghiệm và phong cách truyền tải nội dung. Và thậm chí, trong 8 năm qua, tôi đã trải qua khá nhiều mảng nội dung khác nhau trong lĩnh vực báo chí.

Ban đầu tôi làm phóng viên giải trí; sau đó tôi làm phóng viên thời sự – xã hội; phóng viên điều tra bạn đọc…, và giờ tôi làm phóng viên ban kinh tế. Khi tiếp cận mỗi mảng chuyên môn, tất nhiên tôi đều phải học và tìm hiểu kiến thức về mảng thông tin đó. Như vậy mới làm được nghề và có những bài viết sâu.

Đúng như các bạn tôi nói, nghề báo là một nghề thú vị và được đi nhiều nơi. Thế nhưng đó cũng là một nghề nguy hiểm và vất vả, nhất là mảng phóng sự – điều tra. Và để có những bài viết điều tra hay đòi hỏi sự tinh tế, dũng cảm. Tôi cho rằng, để trở thành một nhà báo thì trong mỗi người cần một thái độ, trách nhiệm cao và niềm mê say nghề.

Lãnh đạo Tổng cục TCĐLCL chúc mừng Ngày Báo chí Cách mạng Việt NamNhân kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6), Lãnh đạo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) đã đến thăm và chúc mừng Trung tâm Thông tin – Truyền thông TCĐLCL (Trung tâm) và Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn).

Nam Dương

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích