Tận dụng thương mại điện tử đưa hàng hàng Việt đến tận tay người tiêu dùng

1
Một nhà bán hàng đang livestream bán hàng trên sàn TMĐT.

Ngày 11/4, TikTok Shop Summit 2024 đã diễn ra với chủ đề “Giải pháp toàn diện thúc đẩy tăng trưởng bền vững” (One-stop Solution for Sustainable Growth), quy tụ hàng trăm thương hiệu, nhà bán hàng, nhà sáng tạo nội dung, các đối tác và chuyên gia trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Thương mại điện tử hướng đến mục tiêu phát triển bền vững

Theo nghiên cứu từ công ty phân tích dữ liệu YouNet ECI, doanh thu quý 1/2024 của các sàn TMĐT tại Việt Nam, bao gồm Shopee, Lazada, Tiki, Tiktok Shop đạt hơn 79,12 nghìn tỷ đồng, tương đương 768,44 triệu đơn vị sản phẩm của hơn 510.000 nhà bán hàng online được bán ra.

Theo YouNet ECI, con số trên là doanh thu thực từ 4 sàn TMĐT, không tính trường hợp số ảo, sản phẩm quà tặng, nhà bán hàng quốc tế. Do đó, so với quý trước, doanh thu của quý 1/2024 có giảm hơn 16%. Riêng trong tháng 3, doanh thu tăng đến 39% so với tháng 2 và đạt 30,938 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Shopee chiếm 67,9% thị phần giao dịch TMĐT, tiếp đến là Tiktok Shop với 23,2%, Lazada 7,6% và cuối cùng là Tiki với 1,3%. Tuy nhiên, xét về giá trị giao dịch, mặc dù Tiki chiếm thị phần thấp nhất nhưng doanh số bán hàng lại cao nhất với 997,06 tỷ đồng, tiếp đến Shopee là 53,74 nghìn tỷ đồng, Tiktok Shop là 18,36 nghìn tỷ đồng và cuối cùng là Lazada với 6,03 nghìn tỷ đồng.

Bà Lê Hoàng Oanh – cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công Thương – cho biết cũng như nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế, TMĐT Việt Nam đang hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Chỉ tính riêng năm 2023, quy mô tăng trưởng TMĐT tại Việt Nam đã đạt 20,5 tỷ đô la Mỹ, tức là chiếm tỷ lệ tăng trưởng đến 25% so với năm 2022 và đưa Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng lớn nhất thế giới. Điều đấy cho thấy, TMĐT và kinh tế số đã đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế của đất nước.

Tuy nhiên, theo bà Lê Hoàng Oanh, mặc dù TMĐT phát triển tích cực nhưng chưa bền vững, chưa “xanh hóa”. Ví dụ, việc đóng gói bao bì (hộp carton, bao bì nilon, màng xốp hơi, hộp xốp, đồ nhựa dùng một lần), giao hàng (liên quan đến xe cộ chạy trên đường thải lượng lớn khí carbon) và khâu đóng gói đã tác động đến môi trường rất lớn.

Để TMĐT phát triển thân thiện hơn với môi trường, bà Lê Hoàng Oanh cho rằng, các bên liên quan bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, các cơ sở nghiên cứu và đào tạo, các tổ chức xã hội nghề nghiệp cần phối hợp chặt chẽ và triển khai các hoạt động phù hợp. Đặc biệt, nên chuyển đổi xanh từ khâu vận chuyển.

Tận dụng sàn thương mại điện tử để đẩy mạnh bán hàng Việt

2
Bà Lê Hoàng Oanh – Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương chia sẻ tại tọa đàm.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, với xu hướng chuyển đổi số trong kinh doanh ngày càng phát triển mạnh mẽ thì việc tận dụng TMĐT để đưa hàng hàng Việt, trọng tâm là hàng nông sản, hàng OCOP đến tận tay người tiêu dùng cũng được thúc đẩy trong thời gian tới. Bởi thông qua sàn TMĐT, bà con nông dân sẽ giảm đi chi phí thương lái trung gian và khâu vận chuyển, theo đó giá thành sản phẩm sẽ giảm đi nhiều, đồng thời hàng Việt cũng được quảng bá mạnh mẽ hơn.

“Tuy nhiên, để có thể lan tỏa hàng Việt, hàng nông sản, hàng OCOP trên sàn TMĐT một cách lâu dài và bền vững, vẫn cần có chiến dịch quảng bá. Trong năm 2024, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp cùng Báo Nhân Dân, Truyền hình Quốc hội và TikTok Shop triển khai sáng kiến “Tự hào hàng Việt”, chiến dịch Chợ Phiên OCOP… Đặc biệt, các nhà sáng tạo nội dung trong mảng video ngắn, LIVE và TikTok Shop được tạo điều kiện đến tận nơi trải nghiệm, tham quan nhà xưởng sản xuất, từ đó thực hiện các video hỗ trợ truyền thông, quảng bá sản phẩm và trực tiếp tham gia livestream bán hàng”, ông Nguyễn Minh Tiến chia sẻ.

Cũng theo ông Nguyễn Minh Tiến, năm 2023, Bộ NN&PTNN cũng đã cùng phối hợp với TikTok Shop thực hiện chương trình Chợ Phiên OCOP, Online Friday. Ngoài ra, sàn TMĐT cũng chủ động phối hợp với UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức bán hàng livestream tại chợ di sản Bến Thành, chợ Thủ Đức… nhằm tích cực thúc đẩy kinh tế, du lịch, xã hội phát triển. Nhờ các buổi livestream, các nhà bán hàng có thể kể đến câu chuyện về sản phẩm, cách tạo ra sản phẩm, đem lại sự kết nối với người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng hiểu hơn về hàng nông sản chất lượng cao, góp phần “xanh hóa” cho TMĐT.

Ông Nguyễn Lâm Thanh – đại diện TikTok VN – cho biết hỗ trợ các nhà bán hàng VN đưa ra thế giới luôn là mối quan tâm của nền tảng và đang có những nghiên cứu xây dựng cách thức đưa sản phẩm Việt ra các thị trường mà nền tảng này hiện diện.

Trước mắt, từ năm 2024, cùng với chuỗi các phiên livestream định kỳ vào thứ bảy hằng tuần, TikTok Shop cũng đã mở tab “Hàng Việt”, tập hợp các sản phẩm được gắn nhãn “Hàng Việt” từ các thương hiệu và các nhà bán hàng địa phương, giúp người dùng dễ dàng tìm kiếm các sản phẩm hàng nội địa uy tín, độc đáo thuộc đa dạng danh mục ngành hàng.

Theo ông Thanh, các nỗ lực nhằm mở ra cơ hội thương mại trên nền tảng số, tăng trưởng doanh thu cho các sản phẩm và nhà bán trong nước, đồng thời gia tăng lựa chọn, trải nghiệm mua sắm chất lượng cho người tiêu dùng, nêu cao tinh thần người VN dùng hàng VN.

“Chúng tôi xem đây là bàn đạp quan trọng để không ngừng cải tiến và hoàn thiện nhằm trở thành một giải pháp toàn diện, phục vụ đa nhu cầu của doanh nghiệp lẫn người dùng trên con đường phát triển bền vững. Mục tiêu này chắc chắn cũng sẽ cần sự hợp lực của tất cả các bên, trong đó có các cơ quan chính phủ và tổ chức xã hội”, ông Thanh nhìn nhận.

 Theo Thương Hiệu Và Sản Phẩm

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích