Tận dụng sức mạnh của những bong bóng bọt nước để loại bỏ ô nhiễm nhựa

Tận dụng sức mạnh của những bong bóng bọt nước để loại bỏ ô nhiễm nhựa

PV –  Thứ hai, 25/10/2021 15:49 (GMT+7)

Hệ thống hàng rào bọt nước được tạo ra từ một ống đục lỗ đặt chéo các con sông, từ đó tạo ra lực để đẩy rác lên trên mặt nước và dẫn chúng vào một hệ thống hứng rác thải.

tm-img-alt
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Với ý tưởng xử lý ô nhiễm sông, hồ, một nhóm những người bạn gồm Eveleens, Zoet và Studer đã hợp tác với vận động viên lướt sóng người Đức Philip Ehrhorn để sáng lập startup The Great Bubble Barrier. Công ty khởi nghiệp Hà Lan này đã phát triển một giải pháp khéo léo để thu gom rác bằng các bức màn bọt nước.

Hệ thống hàng rào bọt nước được tạo ra từ một ống đục lỗ đặt chéo các con sông, từ đó tạo ra lực để đẩy rác lên trên mặt nước và dẫn chúng vào một hệ thống hứng rác thải. Lực phun bọt nước được thiết kế đủ mạnh để thu được rác thải nhựa có kích thước từ 1 mm trở lên, nhưng vẫn không ảnh hưởng tới đường bơi của cá, đồng thời tiếp thêm lượng oxy, làm giàu các hệ sinh thái sông, hồ.

Trong lần thử nghiệm được thực hiện trên sông Ijssel (Hà Lan) trước khi chính thức đưa vào ứng dụng, hàng rào bọt nước được tính toán có thể gom được tới 86% vật chất trên sông, hồ. Sau đó, năm 2019, công ty lần đầu lắp đặt hàng rào trên kênh Westerdok của Amsterdam. Philip Ehrhorn, Giám đốc kỹ thuật và đồng sáng lập của The Great Bubble Barrier cho biết: “Cần có những biện pháp cấp bách để ngăn chặn nhựa trôi ra ngoài đại dương. Bằng việc lắp đặt hệ thống hàng rào bong bóng bọt nước, chúng ta sẽ có thể xử lý tận gốc vấn đề”.

Giờ đây, nhóm nghiên cứu đang lần đầu đưa công nghệ của họ ra ngoài Hà Lan, với một hàng rào bọt nước mới sẽ ra mắt ở Bồ Đào Nha vào mùa hè năm 2022. Theo một nghiên cứu gần đây trên tạp chí Nature của Anh, khu vực Porto là nơi có hai trong số những con sông có mức ô nhiễm nhựa cao nhất ở Bồ Đào Nha. Đây cũng là khu vực tiếp theo mà The Great Bubble Barrier đang nhắm đến cùng với châu Á, cũng là nơi có tới nhiều dòng sông ô nhiễm nhất thế giới.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích