Tận dụng năng lượng sinh học cho phát điện và sản xuất nhiệt

Tận dụng năng lượng sinh học cho phát điện và sản xuất nhiệt

MTĐT –  Thứ ba, 31/08/2021 15:22 (GMT+7)

“Nghiên cứu ngành hẹp để tận dụng năng lượng sinh học cho phát điện và sản xuất nhiệt” là nghiên cứu nằm trong khuôn khổ của Dự án “Bảo vệ khí hậu thông qua Phát triển thị trường năng lượng sinh học bền vững ở Việt Nam”.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Nghiên cứu do Tổ chức Hợp tác quốc tế CHLB Đức (GIZ) phối hợp với Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thực hiện.

Đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, dựa trên kết quả phân tích sơ bộ của 23 ngành, 3 ngành có tiềm năng nhất được lựa chọn là: Chăn nuôi và chế biến thịt lợn; Giấy và bột giấy; Chế biến tinh bột sắn;

 Cụ thể, kết quả nghiên cứu cho thấy:

+ Ngành chăn nuôi và chế biến thịt lợn đang trải qua những thay đổi lớn và đang chuyển từ những kênh sản xuất thiếu tính liên kết sang các kênh mới do một số công ty lớn quản lý. Trong khi phần lớn các trang trại chăn nuôi lợn đều có hệ thống xử lý chất thải giúp thu hồi khí sinh học nhưng mức độ sử dụng khí sinh học phát điện vẫn còn thấp do các rào cản kỹ thuật và tài chính.

+ Ngành giấy và bột giấy cũng được xác định có tiềm năng về năng lượng sinh khối rất cao. Hiện nay, ngành này đã thu hút một lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn và đang chuyển dần sang những nhà máy quy mô lớn. Nghiên cứu chỉ ra rằng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể ứng dụng sinh khối cho lò hơi để sản xuất ra hơi nước. Còn các doanh nghiệp lớn với nhu cầu hơi nước trên 50 tấn hơi/giờ có thể sử dụng hệ thống đồng phát điện và nhiệt thông qua lò hơi và tua bin hơi nước.

+ Ngành chế biến tinh bột sắn, hầu hết các công ty đều có hệ thống hầm biogas để thu hồi khí sinh học từ nước thải và sau đó khí sinh học được đốt để sấy khô sắn và bã sắn. Cơ hội phát triển năng lượng sinh học bằng cách sử dụng công nghệ đồng phát nhiệt điện dành cho các nhà máy lớn hoặc ở các nhà máy khí sinh học sử dụng công nghệ tân tiến hơn.

Ông Nathan Moore (Giám đốc dự án) nhấn mạnh: Việt Nam có nguồn sinh khối dồi dào để sản xuất năng lượng, đặc biệt là điện. Theo ông, từ kinh nghiệm của các nước, để có thể phát triển mạnh mẽ, bền vững nguồn năng lượng này, cần tập trung vào các nội dung chính như: Chính sách, hạ tầng truyền tải và điều độ vận hành hệ thống điện.

Trước đó, Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Bộ Chính trị ban hành ngày 11/2/2020 đã xác định việc cần thiết tăng cường phát triển nguồn điện sinh khối; khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy điện sinh khối; khai thác tối đa nguồn điện sinh khối đồng phát./.

P.T (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích