Tân Á Đại Thành: Tái cấu trúc toàn diện thực hiện mục tiêu doanh thu tỷ đô vào năm 2025
Lấn sân sang lĩnh vực bất động sản với hàng loạt các dự án quy mô lớn từ Bắc tới Nam; mở rộng ngành nghề kinh doanh sau khi M&A thành công HUD Kiên Giang, Tập đoàn Tân Á Đại Thành đã quyết định tái cấu trúc toàn diện, nhằm hướng tới hệ thống quản trị hiện đại và minh bạch, đạt mục tiêu doanh thu tỷ đô vào năm 2025.
Từ nhà sản xuất bộ sản phẩm giải pháp tổng thể về nguồn nước đến thương vụ M&A đình đám
Năm 1993, Công ty TNHH Tân Á (tiền thân của Tập đoàn Tân Á Đại Thành) được thành lập bởi nữ doanh nhân Nguyễn Thị Mai Phương, hiện là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Á Đại Thành. Sự ra đời của bồn nước Tân Á đã thay đổi cách thức tích trữ nước của người dân Việt Nam theo hướng an toàn đảm bảo cho sức khỏe và văn minh hơn.
Thành công của sản phẩm bồn nước chính là nền tảng vững chắc để Tân Á Đại Thành cho ra đời các dòng sản phẩm tiếp theo như bình nước nóng, máy nước nóng năng lượng mặt trời, máy lọc nước, ống nhựa, sơn và hóa chất để hoàn thiện bộ giải pháp tổng thể về nguồn nước cho các gia đình Việt Nam.
Với hệ thống hơn 19 công ty thành viên; 17 nhà máy công nghệ cao tại Việt Nam và Lào; hơn 30.000 điểm bán hàng trên toàn quốc, sản phẩm mang thương hiệu Tân Á Đại Thành đã trở nên quen thuộc với hầu hết người tiêu dùng Việt Nam. Tân Á Đại Thành được biết đến là doanh nghiệp cung cấp giải pháp tổng thể về nguồn nước hàng đầu Việt Nam với nhiều sản phẩm chiếm thị phần số 1 tại Việt Nam và trở thành Thương hiệu Quốc gia.
Với định hướng và chiến lược phát triển hệ sinh thái sản phẩm là giải pháp tổng thể cho một công trình xây dựng, tháng 12/2020, Tập đoàn Tân Á Đại Thành đã đầu tư gần 2.000 tỷ đồng và vượt qua nhiều đối thủ lớn để sở hữu 98,16% cổ phần CTCP Đầu tư Xây dựng HUD Kiên Giang (HUD Kiên Giang). Là cựu thành viên của Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà và đô thị (HUD), HUD Kiên Giang là một trong những doanh nghiệp hàng đầu của tỉnh Kiên Giang trong các lĩnh vực phát triển bất động sản, xây dựng dân dụng và công nghiệp, vật liệu xây dựng và cơ khí. Với các sản phẩm chính như: sản xuất xi măng, sản xuất gách ngói, sản xuất bê tông và cơ khí, khai thác đá… Đặc biệt, khi đã sở hữu cổ phần tại HUD Kiên Giang, Tân Á Đại Thành tiếp tục đầu tư mở rộng ngành nghề kinh doanh trong lĩnh vực khai khoáng và vật liệu xây dựng…
Sau thương vụ M&A đình đám này, Tân Á Đại Thành trở thành tâm điểm chú ý của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước…
Lấn sân sang thị trường bất động sản
Khi đã có nguồn lực tài chính vững mạnh, Tân Á Đại Thành bắt đầu tham gia vào thị trường đầy tiềm năng – bất động sản. Với lợi thế sở hữu quỹ đất hơn 1.000ha, gồm 27 dự án tại Hà Nội, TP.HCM, Phú Quốc, Nghệ An và nhiều tỉnh thành phố khác trải dài trên toàn quốc, Tân Á Đại Thành định hướng đầu tư phát triển 3 dòng sản phẩm chính là bất động sản đô thị và nhà ở, bất động sản nghỉ dưỡng và bất động sản công nghiệp.
Năm 2018, Tân Á Đại Thành “lấn sân” sang lĩnh vực bất động sản bằng việc mua lại 88% cổ phẩn của CTCP Đầu tư Kinh doanh Bãi Lữ và quyết định đầu tư 2.500 tỷ đồng nâng cấp xây dựng mở rộng Khu biệt thự khách sạn và du lịch sinh thái Bãi Lữ với thương hiệu nổi tiếng thế giới M-Gallery. Khi hoàn thiện sẽ là một thiên đường hạ giới hiện hữu để thỏa mãn mọi cung bậc cảm xúc cho tiêu chuẩn của một cuộc sống đẳng cấp, biến Bãi Lữ trở thành Khu nghỉ dưỡng đẳng cấp biểu tưởng nghỉ dưỡng mới của Việt Nam.
Tháng 04/2019, CTCP Bất động sản Tập đoàn Tân Á Đại Thành chính thức ra mắt thị truờng bất động sản Việt Nam, “trình làng” dự án Đại đô thị Meyhomes Capital Phú Quốc với quy mô 226ha tại trung tâm phường An Thới, nơi có các trục đường huyết mạch bậc nhất Phú Quốc đi qua. Đánh giá về tiềm năng phát triển của Meyhomes Capital Phú Quốc, PGS. TS. Trần Đình Thiên từng nhấn mạnh: Sự góp mặt của những “sếu đầu đàn” với những cam kết đầu tư dài hạn hướng tới đẳng cấp cao nhất chính là điều kiện nền tảng, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy Phú Quốc phát triển vượt trội trong giai đoạn tới. Sự xuất hiện của những “ông lớn” giàu thực lực như Tân Á Đại Thành sẽ tạo ra những động lực mới cho thành phố trẻ Phú Quốc.
Đầu tháng 10 vừa qua, CTCP Bất động sản Tân Á Đại Thành đã ký hợp tác liên doanh với Tập đoàn Deawoo E&C của Hàn Quốc phát triển Đại đô thị Meyhomes Capital Phú Quốc. Với hợp tác này, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Park Noh-Wan cho rằng: “dự án sẽ góp phân thúc đẩy tăng trưởng lĩnh vực du lịch giữa hai nước Việt Nam – Hàn Quốc”.
Tái cấu trúc toàn diện để thực hiện mục tiêu doanh thu tỷ đô vào năm 2025
Năm 2020, tổng doanh thu hợp nhất của toàn Tập đoàn khi hợp nhất các đơn vị là gần 7.000 tỷ đồng. Trong năm 2021, dù ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, doanh thu của toàn Tập đoàn dự kiến đạt 9.000 tỷ.
Hành trình 28 năm phát triển gắn với danh vị “ông vua bồn nước” không thỏa mãn khao khát lớn mạnh hơn nữa, đóng góp nhiều hơn nữa cho xã hội. Để hiện thực hóa tham vọng trở thành Tập đoàn kinh tế đa ngành, đa quốc gia, với mục tiêu doanh thu tỷ đô vào năm 2025, Tân Á Đại Thành đã chuẩn bị cho bước chuyển mình mới.
Khi quy mô hoạt động mở rộng, cán bộ công nhân viên lên tới hàng chục nghìn người, mô hình công ty gia đình như chiếc áo chật so với khát vọng của ban lãnh đạo Tân Á Đại Thành. Đứng trước sự phát triển mạnh mẽ này, HĐQT quyết định đây là thời điểm cần thiết và phù hợp để tiến hành Tái cấu trúc toàn diện Tập đoàn. Trong đó, CTCP Đầu tư Tập đoàn Tân Á Đại Thành đóng vai trò là Công ty holding (Công ty mẹ), trọng tâm vào 3 ngành cốt lõi.
Ngành thứ nhất: Công nghiệp Gia dụng với các lĩnh vực truyền thống đã khẳng định vị thế và sức mạnh như Kim khí – Giải pháp nguồn nước – Nhựa – Sơn.
Ngành thứ hai: Bất động sản với các dòng sản phẩm cao cấp: Đô Thị – Nghỉ dưỡng – Khu công nghiệp.
Ngành thứ ba: Khai khoáng – Xây dựng với bề dày truyền thống và kinh nghiệm, nền tảng của Tổng công ty Đầu tư và Xây dựng HUD Kiên Giang.
Các ngành cốt lõi sẽ được quy hoạch thành 3 Tổng công ty đại diện cho ba khối ngành chủ đạo, đó là: Tổng công ty Công nghiệp Gia dụng Tân Á Đại Thành, Tổng công ty Bất động sản Tân Á Đại Thành và Tổng công ty Khai khoáng và Xây dựng HUD Tân Á Đại Thành. Mỗi ngành chủ đạo sẽ do một Tổng công ty điều hành tự chủ, hạch toán độc lập và tự chịu trách nhiệm về kế hoạch và kết quả kinh doanh.
Mục tiêu của lần tái cấu trúc này hướng tới:
1. Chuyển đổi mô hình quản lý tập trung, đồng bộ đảm bảo phát huy sự chủ động từ bộ phận khối Văn phòng Tập đoàn đến các Tổng công ty ngành hàng, các công ty thành viên.
2. Xây dựng lực lượng cán bộ nhân viên có trình độ, tâm huyết gắn bó cùng phát triển với Tập đoàn.
3. Phát triển thương hiệu Tân Á Đại Thành trở thành thương hàng đầu trong nước và khu vực.
4. Tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận bền vững.
5. Cộng hưởng sức mạnh hợp nhất của toàn Tập đoàn nhằm xây dựng hệ sinh thái hoàn chỉnh về ngôi nhà của Tập đoàn Tân Á Đại Thành.
Để tiến hành tái cấu trúc, Tân Á Đại Thành đã hợp tác với nhiều đơn vị tư vấn trong và ngoài nước, trong đó phải kể tới đơn vị tư vấn toàn cầu Boston Consulting Group (BCG). “Với việc hợp tác với BCG, Tân Á Đại Thành sẽ cùng BCG đánh giá tiềm năng và xu hướng của thị trường, lập danh sách dài các cơ hội tăng trưởng trong tương lai, xác định lĩnh vực trọng tâm và các xu hướng vĩ mô để xác định thứ tự ưu tiên để đầu tư và phát triển trọng tâm. Bên cạnh đó, việc vận hành Tập đoàn theo mô hình holding sẽ giúp chúng tôi có hệ thống quản trị hiện đại, hoạt động chuyên nghiệp và hiệu quả hơn” – Ông Nguyễn Duy Chính, Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Á Đại Thành chia sẻ./.