Tâm sự người lao động về quê tránh dịch: Niềm vui chẳng tày gang

Tâm sự người lao động về quê tránh dịch: Niềm vui chẳng tày gang

Niềm vui hồi hương với anh Đinh Thế Hào và nhiều người khác bỗng chốc trở thành nhỏ bé khi trước mắt là cuộc sống thường ngày với những khó khăn chồng chất mà anh và gia đình phải chèo chống để thoát cảnh bị đói ngay trên quê hương mình.

Empty

Hàng nghìn lao động từ các tỉnh phía Nam trở về quê do ảnh hưởng của Covid-19

Cố gắng bám trụ nhưng không nổi

Bỏ nương rẫy, gửi hai con cho ông bà ngoại chăm sóc, vợ chồng anh Đinh Thế Hào (32 tuổi, quê Phù Yên, tỉnh Sơn La) vào Bình Dương để làm công nhân từ tháng 3/2021. Vừa làm được 2 tháng thì dịch bùng phát, vợ chồng anh rơi vào cảnh thất nghiệp. 

Hy vọng dịch bệnh sẽ sớm qua mau, vợ chồng anh Hào cố bám trụ ở phòng trọ đợi ngày đi làm trở lại. Thế nhưng, tháng ngày nghỉ việc cứ kéo dài trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh khiến vợ chồng anh Hào rơi vào cảnh bế tắc, không thể bám trụ được nữa.

“Cũng nghĩ dịch sẽ nhanh qua, ai ngờ kéo dài mấy tháng liền. Hai tháng lương chưa kịp gửi về trả nợ đã phải chi trả cho ăn uống, sinh hoạt. Cũng chỉ được tháng đầu, đến tháng thứ hai thì cạn túi”, anh Hào tâm sự.

Không công việc, không còn tiền, mọi sinh hoạt hằng ngày đều dựa vào sự hỗ trợ của chính quyền và ngành chức năng. Do không thể bám trụ được nữa, vợ chồng anh Hào cùng hàng nghìn công nhân khác quyết định rời “nơi ở mới”, lên xe máy hồi hương. 

Anh Hào chia sẻ: “Có lẽ, đây là quãng thời gian nhớ nhất cuộc đời, vẫn biết đường về nhà còn gian nan và nguy hiểm, dịch bệnh có thể lây lan bất kỳ lúc nào nhưng không thể trụ được nữa rồi. Hôm qua nghe tin có hai mẹ con bị tai nạn trên đường, chúng tôi phải bảo ban nhau đi cẩn thận, an toàn là trên hết. Trên đường đi, không suy nghĩ áp lực gì, miễn sao về được tới nhà là mừng rồi”.

Cùng hoàn cảnh với anh Hào, gia đình anh Nguyễn Văn Mạnh (Nam Sách, Hải Dương) gồm 2 vợ chồng, cô con gái 3 tuổi cùng bố mẹ vợ và em gái vợ vào Bình Dương làm công ty hồi tháng 4/2021 với hy vọng cuộc sống khấm khá hơn so với làm ruộng ở quê nhà. Tuy nhiên, vào làm công ty được hơn 1 tháng thì bùng dịch, các thành viên trong gia đình anh Mạnh cùng rơi hoàn cảnh thất nghiệp.

Cứ nghĩ dịch nhanh chóng qua đi nên khi công ty đóng cửa, anh Mạnh động viên mọi người cố gắng chờ, hết dịch thì đi làm tiếp. Nhưng chờ mãi, 1 tháng, 2 tháng, rồi 3 tháng trôi qua, công ty vẫn chưa mở cửa trở lại.

“Nhà có 6 miệng ăn mà tiền cạn dần, tôi phải vạy mượn để trang trải cuộc sống. “Chân ướt chân ráo” vào đây để lập nghiệp mà giờ khổ quá, không nghĩ có ngày mình lại bế tắc đến vậy. Vừa nghe tin Bình Dương mở cửa cho lao động hồi hương, hai vợ chồng bàn nhau về quê làm lại chứ cứ tình trạng này thì sống sao nổi”, anh Mạnh ngậm ngùi nói.

Empty

Những đứa trẻ chưa hiểu chuyện cũng phải theo bố mẹ hàng nghìn cây số để về quê

Gánh nặng khi về quê

Anh Đinh Thế Hào chia sẻ, vì ở miền nghèo nên mới phải vào Nam để mong thay đổi cuộc sống, giờ dịch lại quay về quê, anh cũng chưa biết gia đình mình cuộc sống tiếp theo thế nào.

“Về quê, chắc vợ chồng tôi lại tiếp tục làm nương rẫy nhưng trước khi có thành quả từ làm rẫy thì lấy gì để ăn bây giờ, tiền cũng không còn nữa.

Thực sự dịch bệnh đáng sợ quá, tôi chỉ mong sao dịch dập tắt, mọi thứ nhanh chóng được ổn định để tôi hay nhiều bà con khác được làm việc, được trở lại trạng thái bình thường”, anh Hào tâm sự.

Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng hồi hương được tất cả các thành viên. Gia đình anh Mạnh vẫn còn bố mẹ già và em vợ đang “gồng mình” bám trụ ở Bình Dương.

“Vợ chồng tôi và con gái về đây nhưng vẫn còn ông bà ngoại và em vợ ở trong đó không về được vì ông bà sức yếu không thể đi xe máy chặng đường xa như vậy, em gái đành phải ở lại để chăm bố mẹ. Đau xót lắm nhưng không còn cách nào khác”, anh Mạnh bật khóc.

Ra đi mang bao hy vọng với cuộc sống ấm no hơn, phát triển hơn để rồi khi ngày trở về, thứ anh Mạnh tích cóp lại chỉ là khoản nợ tăng cao trong những ngày anh vay mượn trang trải mùa dịch.

“Tiền nợ thì nhiều mà về quê lại mất thêm quãng thời gian cách ly nữa, vợ chồng tôi cũng chưa biết sẽ làm gì, có lẽ xin làm ở công ty nào đó ở quê để có kinh phí trang trải thời gian tới, còn lo cho bố mẹ và em gái đang mắc kẹt trong Nam nữa. Sau khi kiểm soát được dịch, chúng tôi sẽ quay trở lại để đoàn tụ cùng gia đình”, anh Mạnh nói.

Niềm vui với anh Mạnh và những người hồi hương khác là được an toàn về quê, tránh được vùng dịch nhưng với họ chặng đường phía trước mới thực sự khó khăn. Công việc bấp bênh, tiền dự trữ đã hết chưa kể món nợ treo lơ lửng trên đầu nếu không có những điều may mắn biết đâu họ lại rơi vào cảnh những ngày đói ngay chính trên quê hương mình.

Bạn cũng có thể thích