Tầm quan trọng, xu hướng thiết kế công viên thời kỳ hậu đại dịch và bài học kinh nghiệm quốc tế
Tầm quan trọng, xu hướng thiết kế công viên thời kỳ hậu đại dịch và bài học kinh nghiệm quốc tế
Việc quy hoạch và thiết kế công viên tốt không chỉ giúp tăng cường chất lượng sống trong đô thị, mà còn giúp cho đô thị trở nên bền vững hơn. Điều này càng trở nên ý nghĩa trong thời kỳ “bình thường mới” sau đại dịch.
Tổng quan về tầm quan trọng của công viên đa chức năng trong đô thị
Trong lĩnh vực đô thị học và quy hoạch thiết kế đô thị có khái niệm cơ bản về 3 nơi chốn hay địa điểm (place trong tiếng Anh) quan trọng nhất đối với mỗi con người. Nơi chốn đầu tiên (First Place) là Nhà, nơi chúng ta “OFF” (tắt nguồn) để nghỉ ngơi. Nơi chốn thứ hai (Second Place) là Công sở hoặc Trường học, nơi chúng ta “ON” (bật nguồn) để làm việc hay học tập. Còn lại là các Nơi chốn thứ ba (Third Place) khác nhau và đều là các không gian công cộng như quảng trường, công viên, đường dạo bên bờ nước, chợ búa, vỉa hè, quán cà phê, câu lạc bộ, thư viện… nơi chúng ta lại “OFF” để nghỉ ngơi thư giãn, vui chơi, giao lưu xã hội, hay rèn luyện sức khỏe. Các “Nơi chốn thứ ba” đặc biệt đáp ứng các nhu cầu tối quan trọng trong việc kết nối với các yếu tố cốt lõi như thiên nhiên, văn hóa và cộng đồng xã hội. Trong số các loại hình “Nơi chốn thứ ba” rất đa dạng thì công viên chính là loại hình có tầm quan quan trọng nhất, vì nó không chỉ mang đến thiên nhiên cho việc thư giãn và rèn luyện sức khỏe mà còn là nơi cho các hoạt động văn hóa, giao lưu xã hội, tức là có thể đóng vai trò đa năng nhất.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn cả thế giới, buộc các thành phố phải phong tỏa và thực hành giãn cách xã hội, đẩy vô vàn các hoạt động sống và làm việc lên thế giới mạng. Trong số này có những thay đổi cơ bản đang được chứng minh và dự báo là những xu hướng lối sống thay đổi quan trọng nhất thời kỳ trong và hậu đại dịch (tức là thời kỳ “bình thường mới” (new normal) được truyền thông nhắc tới rộng rãi). Các đặc trưng của thời kỳ đại dịch làm tăng vai trò của công viên có thể kể đến:
- Nhu cầu giãn cách xã hội và sinh hoạt trong các không giãn thoáng đãng ngoài trời;
- Nhu cầu rèn luyện thể dục thể thao, tăng cường thể lực khi ý thức về sức khỏe tăng mạnh;
- Nhu cầu tăng cường sức khỏe tinh thần để giảm stress, giúp cân bằng cuộc sống, dẫn tới nhu cầu thưởng thức các chương trình văn hóa văn nghệ, sự kiện tăng lên.
- Nhu cầu làm việc từ nhà và từ xa tăng lên, dẫn tới việc con người dành thời gian nhiều hơn (và cũng quan tâm nhiều hơn) đến các không gian quanh khu ở của mình, đặc biệt là các công viên hay cảnh quan sinh thái gần nhà.
Do sự phát triển bùng nổ của hạ tầng mạng dẫn tới hạ tầng mạng wifi miễn phí tại các không gian công cộng như công viên được tăng cường đáng kể, qua đó có thể có thêm lựa chọn làm việc ngay trong công viên. Làm việc theo kiểu này được đánh giá là có lợi thế tuyệt vời, chẳng hạn như khả năng chuyển đổi nhanh chóng giữa chế độ làm việc “ON” và chế độ nghỉ ngơi “OFF”, thúc đẩy khả năng sáng tạo và năng suất lao động tăng lên so với môi trường văn phòng công sở thuần túy.
Ngoài ra, tuy không liên quan trực tiếp tới đại dịch, nhưng công viên ngày một đóng vai trò quan trọng trong việc giảm khí thải hiệu ứng nhà kính cũng như phòng chống ngập lụt (thông qua việc thấm nước mặt, tích hợp hồ cảnh với hồ điều hòa và trữ nước, áp dụng mặt cắt thoát lũ cho các dòng kênh, hay hệ thống kênh sinh học (bioswale)…
Tầm quan trọng của công viên là như vậy, nhưng rất tiếc là thực trạng khan hiếm không gian công viên cây xanh tại các thành phố lớn ở Việt Nam là rất đáng báo động. Chẳng hạn như ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, hiện tỉ lệ cây xanh trên đầu người mới chỉ đạt gần 2m2/người, trong khi mức chuẩn tối thiểu mà WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) đề xuất cho các đô thị là 9m2/người. Trên thế giới có rất nhiều thành phố nổi tiếng về xanh. Thí dụ, theo báo cáo tổng hợp của World Cities Culture Forum (năm 2018), tỉ lệ diện tích cây xanh trên đầu người ở một số thành phố trên thế giới là (trích dẫn đại diện): Chengdu (tức Thành Đô): 654 m2 (cao nhất); Oslo: 532 m2; Sydney: 155 m2; Vienna: 111 m2; Singapore: 96 m2; London: 68 m2; Hong Kong: 63 m2; New York: 26 m2; Seoul: 17 m2, Tokyo: 4 m2…
Thiết kế công viên cho đô thị bền vững và xu hướng mới sau đại dịch
1. Tiêu chí thiết kế bền vững
Việc quy hoạch và thiết kế công viên tốt không chỉ giúp tăng cường chất lượng sống trong đô thị, mà còn giúp cho đô thị trở nên bền vững hơn. Điều này càng trở nên ý nghĩa trong thời kỳ “bình thường mới” sau đại dịch cũng như những vấn đề sống còn toàn cầu như biến đổi khí hậu. Có nhiều các nghiên cứu đã được thực hiện. Hình 2 xin chọn trích dẫn một bảng tổng kết 10 tiêu chí cốt lõi cho việc thiết kế công viên hướng tới đô thị bền vững trong tương lai (Dizdaroglu, 2022).
2. Một số xu hướng mới trong thiết kế công viên
Có rất nhiều nghiên cứu có tính dự đoán cho thấy, sau đại dịch Covid-19 sẽ có nhiều thay đổi quan trọng trong lối sống và làm việc ở các đô thị trên thế giới, và vai trò của các công viên ngày càng trở nên quan trọng. Sau đây là một số xu hướng mới trong quy hoạch thiết kế công viên:
Phát triển các công viên tích hợp gắn với các khu ở mới với thiên nhiên phong phú
Đây là xu hướng thiết kế nhiều hơn các công viên bên trong hoặc kế bên các khu đô thị mới với tiện ích phong phú vượt trội hơn tiêu chuẩn xưa nay, đặc biệt là các tiện ích thể thao hay vui chơi đi liền với các yếu tố thiên nhiên như mảng xanh, mặt nước, khu sinh thái hoang dã. Xu hướng tuyệt vời này giúp tăng cường cả chất lượng sống lẫn giá trị bất động sản của khu vực đó. Thay vì chỉ quan tâm tới việc tối đa hóa sử dụng đất đai một cách lãng phí theo hướng phân lô bán nền như trước đây, chất lượng sống kém, đô thị manh mún, thì các khu đô thị mới ngày nay được quy hoạch thiết kế đồng bộ hơn, chú trọng các không gian Nơi chốn Thứ ba như công viên cây xanh, không gian văn hóa sự kiện và giao lưu cộng đồng.
Thiết kế công viên kết hợp với khu thể thao lớn
Khi đại dịch xảy ra, do yêu cầu giãn cách xã hội và khuyến cáo hạn chế tập luyện trong không gian kín trong công trình dẫn tới việc sử dụng các khu thể dục thể thao ngoài trời với các thiết bị tập tân tiến hơn tăng mạnh. Tập luyện ngoài trời giúp tinh thần sảng khoái, giảm stress và tăng cường thể lực để vượt qua đại dịch.
Phát triển mạng lưới công viên và tuyến kết nối công viên
Việc thiết kế một hệ thống hay mạng lưới công viên là rất quan trọng, trong đó có các công viên với quy mô và bán kính phục vụ lớn nhỏ khác nhau. Sau đó phát triển hệ thống tuyến kết nối công viên (park connector) bằng đường đạp xe, chạy bộ hoặc đi bộ để tạo sự liên kết liền mạch thành một hệ thống sinh thái xanh và “sống khỏe”. Hệ thống park connector có thể đi trên mặt đất hoặc cả trên cốt cao để tránh giao cắt với giao thông cơ giới. Singapore là một mô hình tốt về phát triển hệ thống này.
Thiết kế công viên đa lứa tuổi và phục vụ mọi thành phần
Đây là xu hướng gắn liền với những tiêu chí thiết kế đô thị đáng sống đang ngày một nổi lên. Xu hướng thiết kế kiểu chuyên biệt chức năng, chuyên biệt đối tượng xưa kia đang dần được thay thế bởi trào lưu tích hợp, đa năng, phục vụ được mọi thành phần và lứa tuổi, qua đó giúp tăng cường gắn kết xã hội. Ngoài ra, với việc ngày càng nhiều người lớn làm việc tại nhà, xu hướng cả gia đình tham gia các hoạt động cùng nhau đã gia tăng. Từ trẻ nhỏ, thanh thiếu niên, các cặp vợ chồng trẻ, ông bà và thậm chí cả thú cưng cùng nhau vui chơi trong các công viên vào các ngày trong tuần không còn là cảnh hiếm. Các khu tập thể dục phục vụ cho cả người lớn và người cao tuổi bên cạnh các sân chơi trẻ em, sân thể thao, vườn cộng đồng, đường dạo và thư giãn, vv. đều là những tiện ích ngày càng thịnh hành. Thêm vào đó, nhu cầu giao lưu xã hội và cộng đồng thông qua các sự kiện ngày một tăng lên. Điều này đặc biệt trọng trong giáo dưỡng trẻ nhỏ để giúp trẻ có nhận thức tốt và kí ức tuổi thơ tươi đẹp và hài hòa. Điều này dẫn tới nhu cầu tăng cường và tích hợp tiện ích được nâng lên. Thí dụ, các sân khấu ngoài trời ngày càng trở nên cần thiết và phổ biến để phục vụ cho các sự kiện, sinh hoạt văn nghệ-văn hóa, chiếu phim ảnh, lễ hội… Không gian thường được thiết kế linh động và đa năng để đáp ứng được các nhu cầu và quy mô khác nhau.
Ứng dụng công nghệ mới trong các thiết kế
Đây là một xu hướng rất mới. Thí dụ, những công nghệ mới như thực tế ảo (VR) hoặc thực tế ảo tăng cường (AR) hay drone đã trở thành những công nghệ gây chú ý trong lĩnh vực thiết kế đô thị và cảnh quan. Thí du, những cơn sốt có tính hiện tượng toàn cầu như trò chơi Pokemon Go (dựa trên công nghệ VR) và cuộc truy tìm các nhân vật ảo trong các không gian công cộng trong đô thị ở khắp nơi trên thế giới vào cuối năm 2016 và kéo dài vài năm sau này là một minh chứng thú vị. Ngoài ra, công nghệ máy bay không người lái drone cũng ngày càng được sử dụng rộng rãi trong thiết kế, quản lý công viên và truyền thông sự kiện.
Nhìn chung, công nghệ giúp chúng ta thích ứng tốt hơn với những biến động lớn trong xã hội, và giúp chúng ta có cơ hội đuổi kịp các nước tiên tiến nhanh hơn.
Nghiên cứu tiền lệ một số công viên nổi tiếng có điểm tương đồng
Từ việc review một khối lượng tài liệu lớn về các công viên nổi tiếng trên thế giới, phần 3 này chọn ra một số trường hợp tiền lệ (case studies) làm bài học tham khảo cho mô hình công viên quy mô lớn và đa chức năng đang được các thành phố lớn ở Việt Nam như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội hay Đà Nẵng rất quan tâm. Việc chọn lọc dựa trên 4 tiêu chí như sau: 1) nổi tiếng và được đánh giá cao trên thế giới, 2) nằm trong một đô thị lớn, 3) có quy mô lớn (tạm đặt tiêu chí về diện tích là từ 100 ha trở lên), 4) đa chức năng (trong đó có chức năng thể thao và giải trí). Dưới đây là kết quả lựa chọn, được trình bày theo trình tự từ châu u, châu Mỹ rồi quay về châu Á và một trường hợp ở Việt Nam.
1. Công viên Forest Park, St. Louis, Hoa Kỳ (537 ha)
Tổng quan
Forest Park (Công viên Rừng) ở St. Louis giành giải nhất trong các công viên đô thị ở Hoa Kỳ vào năm 2022 do độc giả tạp chí US Today bầu chọn và cũng đứng thứ hạng cao các năm trước. Đây là công viên lớn nhất và nổi tiếng nhất ở St. Louis, đóng vai trò như một kết nối từ ngoại ô vào nội thị. Được thiết kế vào năm 1876, được thiết kế lại vào năm 1995 và hoàn thành xây dựng vào năm 2004, Forest Park đã trở thành nơi quy tụ nhiều công trình văn hóa quan trọng của St. Louis: Bảo tàng Nghệ thuật St. Louis, Sở thú St. Louis, Nhà hát Ngoài trời The Muny, Bảo tàng Lịch sử Missouri, và nhiều tiện ích công cộng khác. Những điểm tham quan này thu hút du khách địa phương và cả nước, đồng thời giúp cải thiện hình ảnh về Thành phố St. Louis vốn có tai tiếng về tình hình tội phạm. Forest Park nằm trong khoảng cách đi bộ ngắn đến hai ga xe điện Metro1ink.
Thiết kế, chức năng và tiện nghi chính
Forest Park là một ví dụ tuyệt vời về công viên rừng trong đô thị phục vụ cho cả con người cũng như động vật hoang dã, nơi cung cấp nhiều điểm tham quan văn hóa và giải trí phong phú. Công viên có một trục không gian mở lớn kết nối nhiều điểm tham quan chính và cũng đóng vai trò như một hành lang của các loài động vật hoang dã. Những ngọn đồi nhấp nhô và những con đường ngoằn ngoèo tạo nên bầu không khí thư giãn kiểu “chốn khỏi thị thành” cho công viên.
Ngoài nhiều điểm tham quan văn hóa, công viên cũng là một điểm đến cho thể thao và giải trí nổi tiếng. Tại đây có hai sân golf (một công cộng, một thuộc câu lạc bộ theo cơ chế thành viên), hai cụm sân tennis (một công cộng, một thuộc câu lạc bộ), và một loạt sân công cộng là sân cầu lông, bóng chày, bóng đá, trượt băng (biến thành sân bóng chuyền trên cát vào mùa hè), và những đường mòn đạp xe dài nhiều dặm.
Dự án này có hai điểm nhấn có ý nghĩa quan trọng. Thứ nhất là trên phương diện môi trường và lịch sử, thiết kế mới đã giúp tái sinh được dòng sông des Peres sau nhiều xuống cấp và ô nhiễm. Thứ hai là về cách thức thực hiện, dự án này mang tính liên ngành và có sự tham gia của người dân, cụ thể là được bắt đầu bằng các phong trào từ dân đi lên để cứu công viên, giữ lại và phục hồi các yếu tố lịch sử. Vào cuối những năm 1980, Forest Park Forever (FPF) và Tập đoàn Phát triển St. Louis bắt đầu tài trợ cho các cuộc họp, diễn đàn và hội thảo công cộng trong đó “các cá nhân và nhóm công dân có thể truyền đạt ý tưởng của họ về công viên”. Các cuộc họp và khảo sát công khai là vô cùng giá trị trong cả quá trình, đóng góp vào việc chốt được “9 yếu tố thiết kế then chốt cuối cùng” là: nước, thiên nhiên, lịch sử, cơ sở hạ tầng, văn hóa, giáo dục, tiếp cận, giải trí và bảo trì. Mỗi yếu tố đều đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch tổng thể cuối cùng.
Đầu tư và quản lý
Kế hoạch hồi sinh Forest Park bằng cách tạo một hệ thống không gian mở được một tổ chức phi lợi nhuận đưa ra khoảng 30 năm sau khi xu hướng này ra đời ở Hoa Kỳ. Ban đầu, không có nguồn kinh phí nào để thực hiện việc phục hồi công viên. Tới năm 1986, một nhóm người dân và lãnh đạo TP đã thành lập Forest Park Forever (FPF) với sứ mệnh “khôi phục và duy trì Forest Park trở thành một trong những công viên đô thị tuyệt vời nhất của Hoa Kỳ”. Trong thập niên tiếp theo, việc gây quỹ của FPF cùng với các khoản tài trợ từ các quỹ tư nhân và nguồn thu từ tăng thuế đã quyên góp được khoảng 100 triệu đô la cho việc khôi phục công viên. Công viên được quản lý và bảo trì bởi Sở Công viên, Giải trí và Lâm nghiệp Thành phố St. Louis và Cơ quan Bảo tồn Thực vật của Forest Park (một tổ chức tình nguyện).
2. Công viên Queen Elizabeth Olympic Park, London, Anh Quốc (102 ha)
Tổng quan
Công viên Queen Elizabeth Olympic Park là một khu phức hợp thể thao và công viên công cộng cực lớn (quy mô lớn nhất ở Tây Âu) phía Đông London, được xây dựng cho Thế vận hội Mùa hè năm 2012. Trong thời gian diễn ra Olympic, ngoài các cơ sở vật chất thể thao quy mô lớn như sân vận động, bể bơi, Làng Olympic, Trung tâm Truyền thông… công viên còn có một tháp quan sát tên là ArcelorMittal Orbit cao 114,5 m, là tác phẩm nghệ thuật công cộng lớn nhất của Anh. Sau Thế vận hội, nơi đây trở thành điểm đến hàng đầu của London về giải trí, đời sống và kinh doanh, thu hút khoảng 9,3 triệu lượt khách mỗi năm.
Một điểm đáng nói về công viên cũng nằm ở khía cạnh lịch sử – môi trường. Địa điểm công viên vốn nằm trên một khu đất công nghiệp ở cuối dòng sông Lea. Nó đã được cải tạo từ đất bỏ hoang sang đất công viên, từ một bãi rác với một con sông bị kênh rạch hóa bán phần trở thành khu vực phát triển khu dân cư và thương mại mới ven sông cho khu vực vốn thuộc diện nghèo nhất của London. Dự án này thường được giới thiệu là “một mô hình công viên mới cho thế kỷ 21”, “Công viên công cộng mới lớn nhất ở Anh trong 150 năm qua” và “Một mô hình bền vững cho các công viên công cộng”.
Thiết kế và các chức năng, cơ sở vật chất chính
Công viên được thiết kế để hồi sinh hệ sinh thái sông, tăng tính đa dạng sinh học và nâng cao chất lượng của không gian xanh đô thị. Nó đóng một vai trò quan trọng trong việc quản lý và cải thiện lũ lụt, giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, chống ô nhiễm, giảm thiểu carbon, tăng cường động vật hoang dã, và thu thập, làm sạch và tận dụng nguồn nước. Nó cũng được thiết kế – và thiết kế lại sau Thế vận hội – để cung cấp các cơ sở vật chất về giải trí và giáo dục cho một khu vực khó khăn của thành phố.
Việc thành lập “Khung Quy hoạch cho Khu vực Cơ hội ở Hạ lưu sông Lea” (Opportunity Area Planning Framework for the Lower Lea) thể hiện mục tiêu chuyển đổi khu vực này trở thành một quận hỗn hợp chức năng sôi động. Đây là nơi có cảnh quan công viên tuyệt hảo và mạng lưới đường thủy độc đáo, được tích hợp hoàn toàn vào cấu trúc đô thị của London, đem lại chất lượng sống cao và bền vững. Thế vận hội là chất xúc tác chính cho sự chuyển đổi này. Có ba bản quy hoạch tổng thể công viên tương ứng với các giai đoạn trong, ngay sau Thế vận hội và phát triển kế thừa lâu dài sau này.
Công viên Olympic được chia thành hai phần một cách tự nhiên – Công viên Nam, khu vực đất cứng nơi có Sân vận động Trung tâm và khu Thể thao nước; và Công viên Bắc, bao gồm đất ngập nước ven sông tự nhiên hơn và đồng cỏ. Trong mỗi phần, cấu trúc địa hình và hệ thống thoát nước đóng vai trò quan trọng đối với hiệu quả của nó. Và ý đồ quy hoạch cây trồng – thí dụ đồng cỏ hoang vu ở phía bắc và vườn cây lâu năm ở phía nam – củng cố thêm các đặc trưng của hai phần. Sau Thế vận hội, quần thể được chuyền đổi dần công năng, thí dụ như làng vận động viên được chuyển thành 3.600 căn hộ, bổ sung thêm trung tâm công nghệ, khu vườn cộng đồng, bảo tàng V&A, và Trụ sở mới cho Giao thông vận tải ở London. Bản thân sân vận động cũng được khai thác hiệu quả cho các buổi hòa nhạc và sự kiện lớn.
Đầu tư và quản lý
Để xây dựng quần thể Công viên Olympic, chính phủ Anh đã đưa ra một phương thức tài chính kết hợp công-tư mới. Phần lớn công việc quảng bá đấu thầu Olympic đều dựa vào tài trợ thương mại. Sau Thế vận hội, có nhiều hoạt động chuyển giao xuất hiện, như khu làng vận động viên được bán cho các nhà phát triển tư nhân. Các khoản đầu tư được góp từ Chính phủ Trung ương, nguồn Xổ số kiến thiết quốc gia, từ quỹ Olympic Delivery Authority… 75% kinh phí được đầu tư vào cơ sở hạ tầng cố định lâu dài, trong đó một phần nhỏ dành cho phát triển đất công viên và không gian tiện ích công cộng. Sau này còn có thêm một số khoản quỹ phục vụ chuyển đổi sau Olympic. Công viên được quản lý bởi London Legacy Development Corporation (LLDC) dưới sự chủ trì của thị trưởng London.
3. Công viên Showa Kinen, Tokyo, Nhật Bản (180 ha)
Tổng quan
Công viên Showa Kinen (dịch nghĩa: Tưởng niệm Chiêu Hòa) ở ngoại vi thủ đô Tokyo là công viên trong đô thị lớn nhất ở Nhật Bản với diện tích lên tới 180 ha. Công viên được xây dựng vào năm 1983 nhân kỉ niệm 50 năm lên ngôi của Nhật hoàng Chiêu Hòa trên một phần đất vốn là căn cứ không quân của Mỹ đã trả lại Nhật. Trong công viên có một bảo tàng nhỏ về Nhật Hoàng Chiêu Hòa (có bán vé). Công viên được xây dựng nhằm mục đích cho người dân đặc biệt là các gia đình và thanh thiếu niên được tiếp xúc với thiên nhiên, rèn luyện sức khỏe và giao lưu xã hội.
Thiết kế, công năng và cơ sở vật chất chủ chốt
Công viên có khu vực không gian mở có thể tiếp cận hoàn toàn miễn phí ở ngay sau lối vào cửa và kéo dài tận vào sâu bên trong. Sau đó mới tới một lớp hàng rào của khu vực có bán vé bên trong. Công viên tự hào có một loạt các cơ sở vật chất phong phú, bao gồm:
- Khu không gian mở đa chức năng (miễn phí) ở lối vào
- Khu vui chơi giải trí rèn luyện thể thao (bán vé vào cửa): Trong đây lại có nhiều khu vực chức năng khác nhau như: + Bãi cỏ rộng “Mina no Harappa” (Thảm cỏ cho mọi người); + Khu vui chơi: Hồ bơi Cầu vồng, Rừng cho Trẻ em, tiệc nướng ngoài trời, tàu công viên; + Khu rừng cây và các cánh đồng hoa theo mùa cả năm (khoảng hơn một chục loài hoa). Ngoài ra, vào tháng 12, công viên được chiếu sáng trang trí phục vụ Giáng sinh và Năm mới; + Vườn Nhật Bản & Nhà trà đạo, Trung tâm văn hóa “Kanfuutei” Hanamidori; + Khu vận động thư giãn: Gồm đường mòn đi bộ, đường đạp xe dài 11 km (có xe đạp cho thuê) với các khu vực đậu xe ở tất cả các điểm chính, thuyền chèo tay hoặc đạp chân; + Khu thể dục thể thao: sân golf mini, golf bi sắt, bóng đá, futsal, bowling trên cỏ…
Đầu tư và quản lý: Công viên Showa Kinen được nhà nước đầu tư với chức năng quốc doanh, mở cửa hàng ngày từ 9h30 đến 16h30.
4. Công viên Garden by the Bay, Singapore (101 ha)
Tổng quan
Gardens of the Bay (Những khu vườn bên vịnh) là dự án công viên kết hợp du lịch lớn nhất ở Singapore và nằm trong chuỗi hiện đại hóa và mở rộng liên tục của Vịnh Marina ở trung tâm đô thị. Công viên này góp phần hiện thực hóa chiến lược xanh hóa mới, biến Singapore từ “Garden City” (TP vườn) thành “City in a Garden” (TP trong vườn). Kể từ khi khai trương vào năm 2014, nơi đây đã trở thành không gian giải trí và nghỉ ngơi ngoài trời hàng đầu của Singapore, đồng thời trở thành một trong những điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng nhất Singapore, một biểu tượng quốc gia. Công viên đã thu hút trung bình 10,2 triệu du khách mỗi năm thời kỳ trước Covid-19. Công viên rộng 101 ha và bao gồm ba khu vườn bên bờ vịnh: Bay South Garden, Bay East Garden và Bay Central Garden. Các điểm thu hút chính là hai vòm kính khổng lồ và một Khu vườn những cái cây khổng lồ (supertree). Công viên mở cửa miễn phí, ngoại trừ hai nhà vòm kính lạnh phải mua vé.
Thiết kế, công năng và cơ sở vật chất chủ chốt
Năm 2006, sau khi giành chiến thắng trong cuộc thi thiết kế quốc tế, một liên danh tư vấn của Anh Quốc cùng nhiều tư vấn phụ đã được Ủy ban Công viên Quốc gia Singapore (NParks) chỉ định thiết kế Quy hoạch tổng thể. Lấy cảm hứng từ loài hoa phong lan, quốc hoa của Singapore, bản quy hoạch là sự hòa quyện phong phú giữa thiên nhiên, công nghệ tiên tiến và quản lý môi trường tuyệt vời. Quần thể bao gồm nhiều công trình kiến trúc hiện đại, các khu trưng bày làm vườn, hồ nước, khu rừng nhỏ, không gian tổ chức sự kiện, các show âm thanh nhiệt đới, dịch vụ ăn uống và không gian bán lẻ. Toàn bộ công viên có cơ sở hạ tầng môi trường thông minh và tinh vi, cho phép các loài thực vật có nguy cơ tuyệt chủng và ngoại lai phát triển mạnh mẽ, đồng thời trở thành trung tâm giáo dục môi trường và sinh vật học cũng như giải trí cho du khách.
Vẻ hiện đại hào nhoáng của Singapore với bối cảnh công nghệ cao và ngoạn mục đòi hỏi các đặc điểm cảnh quan tại công viên phải phù hợp với bối cảnh chung đó. Vì vậy, các nhà thiết kế đã tạo ra 18 tháp đồ sộ và duyên dáng hình cây cách điệu được gọi là “Supertree” (cây khổng lồ) có chiều cao từ 25m đến 50m, với hàng nghìn cây leo và dương xỉ, được chiếu sáng màu tuyệt đẹp vào ban đêm dưới dạng light show. Ngoài ra, công viên còn có các khu vực cảnh quan khác như vườn trồng trọt, Hồ Chuồn chuồn, đường dạo bộ bên vịnh, khu chơi nước, bãi cỏ lớn tổ chức sự kiện…
Đầu tư và Quản lý
Gardens of the Bay chủ yếu được nhà nước đầu tư và một phần tư nhân tài trợ (ví dụ, Khu vườn Trẻ em được Far East Organization tài trợ hoàn toàn là 10 triệu dollar). Chi phí xây dựng cuối cùng (không bao gồm giá đất) rơi vào khoảng một tỷ dollar. Chi phí hoạt động hàng năm khoảng 58 triệu dollar, trong đó 28 triệu dollar cho hoạt động của hai nhà kính vòm. Cả công viên được quản lý bởi NParks.
5. Công viên Yên Sở, Hà Nội (323 ha)
Tổng quan
Nằm ở cửa ngõ phía Nam của thủ đô Hà Nội, cách trung tâm khoảng 10 km, công viên Yên Sở là công viên lớn nhất Hà Nội. Nằm trong quần thể dự án Gamuda City do công ty Gamuda Berhad (Malaysia) phát triển và khai trương vào năm 2014, công viên này đóng vai trò là một công viên hoàn toàn công cộng. Với diện tích rộng tới 323 ha, trong đó diện tích mặt nước hồ và cây xanh lên tới gần 280 ha, công viên là lá phổi xanh của thủ đô cho mọi người dân đến tham quan, vui chơi cũng như rèn luyện sức khỏe. Công viên đón hàng nghìn lượt khách đến vui chơi, thư giãn mỗi ngày, nhất là vào những ngày cuối tuần, tạo nên một điểm giao lưu xã hội đầy sôi động cho vùng đất vốn từng bị bỏ phí.
Điều thú vị cũng ở góc độ lịch sử – môi trường, nơi đây đã từng là vùng đất bỏ hoang do ô nhiễm nguồn nước và các hồ, điểm nhức nhối về vấn đề sức khỏe cộng đồng. Chính quyền Hà Nội đã đề xuất chủ đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, cũng như cải tạo Công viên Yên Sở để đổi lấy việc cấp cho họ quyền phát triển đất đai. Kết quả là nhà máy đã được xây dựng và xử lý tới 40% lượng nước thải thải hàng ngày của Hà Nội (200.000 m3), đáp ứng yêu cầu thoát nước ở phía đông nam. Quy hoạch và cải tạo Công viên Yên Sở đã khôi phục lại vẻ đẹp tự nhiên của vùng đất, định vị lại phía nam thủ đô như một vị trí hấp dẫn ngang hàng với phía bắc vốn được ưa chuộng hơn, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển đô thị và đầu tư tiếp theo đổ vào khu vực này.
Thiết kế và các chức năng và cơ sở vật chất chính
Công viên Yên Sở được thiết kế và xây dựng nhằm mang đến trải nghiệm mới, lối sống mới lành mạnh, mang giá trị truyền thống và hiện đại. Có rất nhiều cơ sở vật chất hiện đại như phòng trưng bày nghệ thuật, bến thuyền, sân khấu ngoài trời, vườn mê cung, làng di sản, làng văn hóa, khu cắm trại, bãi cỏ lớn đa năng, đường đua F1 thu nhỏ, đường đạp xe và đường chạy, và nhiều tiện ích cảnh quan khác. Dự án này đã giành được một số giải thưởng, bao gồm Giải Vàng của World Prix d’ Excellence Award cho Hạng mục Môi trường (Phục hồi/Bảo tồn) vào năm 2018, và cho Hạng mục Quy hoạch Tổng thể vào năm 2020.
Đầu tư và quản lý
Công viên Yên Sở được đầu tư bởi Gamuda Land Việt Nam (công ty con của Gamuda Berhad) với số vốn ban đầu khoảng 400 triệu USD theo cơ chế hoán đổi với TP Hà Nội như đã nói trên. Công viên do TP Hà Nội quản lý.
Kết luận
Công viên đa chức năng – Những không gian công cộng, “Nơi chốn Thứ Ba”, lá phổi xanh – đóng một vai trò rất quan trọng trong đô thị như đã trình bày. Đặc biệt, kể từ thời đại dịch Covid-19 trở đi, vai trò này lại càng tăng lên. Thực trạng khan hiếm không gian công viên cây xanh tại các thành phố lớn ở Việt Nam là rất đáng báo động, đặc biệt là ở thàndh phố Hồ Chí Minh. Những tín hiệu vui như việc hoàn thành cải tạo công viên Bạch Đằng bên sông Sài Gòn, hay dự án công viên ở phường An Thới và phường Thanh Xuân, quận 12 rộng tới 150 ha đang được tái khởi động là rất đáng khích lệ. Đây là cơ hội tuyệt vời để quận 12 cũng như TP Hồ Chí Minh xoay trục hấp dẫn, từ một quận ít được chú ý hơn trong một thành phố vốn có tiếng là ít cây xanh, trở thành tâm điểm hấp dẫn, chốn lui tới thường xuyên của người dân và du khách gần xa.
Các ví dụ về công viên nổi tiếng trên thế giới và trong nước đã cho thấy sự đa dạng trong mục tiêu, quy hoạch- thiết kế, tổ chức không gian, thiết kế cảnh quan, thiết kế các chương trình hoạt động, cũng như phương thức đầu tư và quản lý. Mỗi ví dụ đều cho ta những bài học và ý tưởng đa dạng khác nhau. Nhiều chức năng như sân golf, vườn thú, khu bảo tàng, triển lãm, khu cắm trại, khu du thuyền, các tiện ích thể thao và giải trí, các khu văn hóa, chơi games, sự kiện, trình diễn… không chỉ đáp ứng được nhu cầu của lối sống hiện đại của người dân, mà còn thu hút khách du lịch, và có các cơ chế thu phí để đảm bảo bền vững tài chính và tăng sức hút các nhà đầu tư. Ba trong năm ví dụ công viên được giới thiệu (ở Mỹ, Anh quốc và Hà Nội) đã cho ta thấy bài học về việc lồng ghép mục tiêu xử lý môi trường, phòng chống thiên tai, tái sinh đất công nghiệp bỏ hoang, cải thiện đời sống nhân dân cho vùng khó khăn thiếu thốn. Hoặc cơ chế gọi vốn rộng rãi trong dân và doanh nghiệp theo mô hình điển hình của Mỹ hay cơ chế hoán đổi công-tư ở trường hợp công viên Yên Sở là bài học rất đáng tham khảo cho vấn đề đầu tư và tài chính.
Với những bài học kinh nghiệm quốc tế và trong nước bổ ích như đã trình bày trong bài, các thành phố lớn ở nước ta có thêm được những tư liệu tham khảo thiết thực để hướng tới xây dựng được những công viên đa chức năng quy mô lớn, đạt hiệu suất sử dụng cao, thành công và gây tiếng vang trong tương lai không xa.
TS. KTS Tô Kiên
Quy hoạch sư Cao cấp, Tập đoàn Tư vấn Kĩ thuật Hạ tầng Eight-Japan, Nhật Bản (kiêm) Giảng viên Cao cấp, Trường Công nghệ và Thiết kế, Đại học UEH, TP Hồ Chí Minh
Tài liệu tham khảo chính
- Crim, E. (2012). Forest Park Case Study. Xuất bản trên trang Issuu.URL: https://issuu.com/lizbee88/docs/forest_park_case_study
- Dizdaroğlu, D. (2022). Developing Design Criteria for Sustainable Urban Parks. Journal of Contemporary Urban Affairs, 6(1), tr. 69-81.
- Gamuda Land – Yen So Park.URL: https://gamudaland.com.vn/en/yen-so-park/
- Hit Cock Design Group (2021). Park Landscape Design Trends For 2021. (Xu hướng Thiết kế Cảnh quan Công viên năm 2021).URL: https://www.hitchcockdesigngroup.com/2021/01/11/park-landscape-design-trends-for-2021/
- Tate, A. (2015) Great City Parks. 2nd ed. Routledge.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị