Tầm quan trọng của ISO 14000 với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt Nam

 Nhiều doanh nghiệp đã và đang áp dụng bộ tiêu chuẩn ISO 14000 như một phương pháp hữu hiệu hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường. Ảnh minh họa.

Hiện nay, phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường luôn là vấn đề được xã hội đặc biệt quan tâm. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đã và đang áp dụng bộ tiêu chuẩn ISO 14000 như một phương pháp hữu hiệu hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường.

Cụ thể, ISO 14000 là bộ tiêu chuẩn về Hệ thống quản lý môi trường do Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) xây dựng và ban hành nhằm đưa ra các chuẩn mực để xác định, kiểm soát và theo dõi ảnh hưởng của tổ chức, doanh nghiệp đến môi trường. Từ đó, giảm thiểu tác động gây tổn hại đến môi trường cũng như đưa ra phương pháp quản lý và cải tiến hệ thống quản lý môi trường cho bất kỳ tổ chức, doanh nghiệp nào áp dụng tiêu chuẩn này.

Mục đích của bộ tiêu chuẩn ISO 14000 là đưa cho các tổ chức khuôn khổ để bảo vệ môi trường và ứng phó với các điều kiện môi trường biến đổi cân bằng với các nhu cầu về kinh tế – xã hội. Tiêu chuẩn này có thể áp dụng được cho mọi tổ chức, không phân biệt quy mô, loại hình, bản chất, và vận dụng vào các khía cạnh môi trường nảy sinh từ các hoạt động, sản phẩm và dịch vụ…

Khẳng định tầm quan trọng của ISO 14000 đối với sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, bộ tiêu chuẩn ISO 14000 cung cấp các công cụ hỗ trợ cho doanh nghiệp, giúp các đơn vị này nhận thức và quản lý được tác động của mình đối với môi trường ngăn ngừa ô nhiễm và liên tục có hành động cải thiện môi trường. Đây cũng là cơ sở để bên thứ ba đánh giá hệ thống quản lý môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Để xây dựng thành công hệ thống quản lý môi trường theo ISO 14000, doanh nghiệp phải có sự cam kết và đưa ra một chính sách môi trường được toàn thể nhân viên và lãnh đạo nhất trí. Ngoài ra, phải thực hiện kiểm tra theo định kỳ để đánh giá đúng thực trạng của hệ thống, từ đó đưa ra các biện pháp bổ trợ, phòng ngừa và cải tiến, có khả năng đáp ứng được với những yêu cầu đặt ra trong chính sách môi trường của doanh nghiệp cũng như giải quyết được những vấn đề khẩn cấp về môi trường liên quan đến doanh nghiệp.

ISO 14000 gồm nhiều tiêu chuẩn, bao gồm: Các hệ thống quản lý môi trường (Environmental Management Systems): ISO 14001, ISO 14004; – Các đánh giá về môi trường (Environmental Auditing): ISO 14010, ISO 14011, ISO 14012; Các đánh giá về hoạt động môi trường (Environmental Performance Evaluation): ISO 14021; Các đánh giá về hoạt động môi trường (Environmental Performance Evaluation): ISO 14021; Đánh giá vòng đời (Life-cycle Assessment): ISO 14040, ISO 14041, ISO 14042, ISO 14043; Các khía cạnh môi trường trong các tiêu chuẩn về sản phẩm (Environmental Aspects in Product Standards): ISO 14060.

Thanh Tùng

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích