Tạm giữ số lượng lớn sản phẩm, thiết bị y tế không rõ chất lượng để điều tra

Hàng trăm nghìn sản phẩm, thiết bị y tế vi phạm

Thực hiện kế hoạch cao điểm về công tác đấu tranh xử lý vi phạm mặt hàng vật tư thiết bị y tế để phòng, chống dịch Covid-19, chiều ngày 1/9, Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã phối hợp với Đội 2 Phòng an ninh kinh tế, Công an thành phố Hà Nội kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh tại số 43 Đường 3, Phủ Lỗ, Sóc Sơn, Hà Nội.

Tại thời điểm kiểm tra ông Vũ Văn Nguyên, thường trú tại Phủ Lỗ, Sóc Sơn, Hà Nội – chủ khu đất số 43 Đường 3, Phủ Lỗ, Sóc Sơn, Hà Nội đại diện làm việc với Đoàn kiểm tra cùng sự chứng kiến của ông Đỗ Bá Thủy – cán bộ Công an xã Phủ Lỗ, Sóc Sơn, Hà Nội, ông Trần Mạnh Cường bảo vệ khu đất số 43 Đường 3, Phủ Lỗ, Sóc Sơn, Hà Nội.

Tạm giữ số lượng lớn sản phẩm, thiết bị y tế không rõ chất lượng để điều tra
Lực lượng chức năng kiểm tra kho hàng địa điểm số 43 Đường 3, Phủ Lỗ, Sóc Sơn, Hà Nội. (Ảnh: TT)

Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra xác định tại địa điểm số 43 đường 3, Phủ Lỗ, Sóc Sơn, Hà Nội đang kinh doanh hàng hóa là vật tư thiết bị y tế các loại gồm: Khẩu trang, kính chống giọt bắn, găng tay cao su, bộ đồ bảo hộ y tế. Kiểm đếm thực tế, Đoàn kiểm tra đã tạm giữ trên 400.000 sản phẩm các loại gồm: 11.490 chiếc khẩu trang KN95 nhãn có chứ nước ngoài, 1.130 bộ bảo hộ y tế không nhãn mác không rõ xuất xứ, 3.300 bộ bảo hộ y tế nhãn giấy có chữ sản xuất bởi Công ty Cổ phần Đầu tư Thiện Bình, 550 chiếc áo liền quần không rõ xuất xứ, 5.500 chiếc bao chân không rõ xuất xứ, 347.000 chiếc găng tay cao su không rõ xuất xứ.

Đặc biệt, tại đây, Đoàn kiểm tra ghi nhận 20.880 chiếc khẩu trang có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu khẩu trang 3M. Tại hiện trường, đại diện Công ty 3M là ông Vũ Hoàng Hà cũng chính thức xác nhận, lô hàng có dấu hiệu giả mạo sản phẩm chính hãng của Công ty đã đăng ký bảo hộ tại thị trường Việt Nam. Ngoài ra, tại cơ sở kinh doanh còn có 40 chiếc giá phơi quần áo, 60 chiếc máy sấy quần áo chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ theo quy định.

Tạm giữ số lượng lớn sản phẩm, thiết bị y tế không rõ chất lượng để điều tra
Đội Quản lý thị trường số 1 đã tiến hành các thủ tục tạm giữ toàn bộ số hàng hóa tại cơ sở kinh doanh để tiếp tục làm rõ các dấu hiệu vi phạm. (Ảnh: TT)

Theo ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội, trong tổng số hàng hóa mà Đội đã phát hiện, tạm giữ, đáng lưu ý là 20.880 chiếc khẩu trang 3M mã 1860 có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu 3M của Mỹ. Đây là mặt hàng chỉ dùng cho các trường hợp cần phòng tránh lây nhiễm rất cao như cán bộ y tế tuyến đầu chống dịch. Xét thấy vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật cũng như khả năng gây hậu quả nghiêm trọng vì vậy Đội Quản lý thị trường số 1 sẽ nhanh chóng tập trung củng cố làm rõ hồ sơ vụ việc để kịp thời xử lý nghiêm đúng quy định pháp luật.

Theo tìm hiểu, 1 chiếc khẩu trang mang nhãn hiệu 3M được giao bán trên thị trường online hiện có giá từ 30.000 đồng đến 65.000 đồng 1 chiếc.

Hàng trăm hộp thuốc điều trị Covid-19 không rõ chất lượng

Cũng trong ngày 1/9, Đội 5 Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường phối hợp Đội Quản lý thị trường số 7, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện, kiểm tra Nguyễn Thúy Hường (sinh năm 1974), trú tại xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì (Hà Nội). Tại thời điểm kiểm tra, Nguyễn Thúy Hường đang tàng trữ một số thuốc điều trị Covid-19 có chữ nước ngoài trên sản phẩm nhưng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Tổ công tác thu giữ 55 hộp loại 40 viên/hộp và 210 hộp loại 10 viên/hộp (tổng số 4.300 viên). Cơ quan chức năng kiểm tra số thuốc điều trị bệnh Covid-19 bị thu giữ.

Tạm giữ số lượng lớn sản phẩm, thiết bị y tế không rõ chất lượng để điều tra
Lực lượng chức năng thành phố Hà Nội liên tiếp phát hiện và thu giữ hàng trăm hộp thuốc điều trị Covid-19 không rõ chất lượng. (Ảnh: TT)

Tiếp đó, khoảng 17h ngày 2/9, một tổ công tác của Đội 5 phối hợp Đội Quản lý thị trường số 13 đã phát hiện, kiểm tra Nguyễn Thu Huyền (sinh năm 1979), trú tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy (Hà Nội). Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện Huyền đang tàng trữ một số lượng lớn thuốc điều trị Covid-19 có chữ nước ngoài trên sản phẩm nhưng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Số thuốc điều trị Covid-19 bị thu giữ gồm: 400 hộp loại 40 viên/hộp và 50 hộp thuốc điều trị Covid-19 cho người già loại 200 viên/hộp (tổng số 26.000 viên). Tổng giá trị hàng hóa khoảng gần 2 tỷ đồng. Trên bao bì các sản phẩm đều in chữ do nước ngoài sản xuất, không có tem nhãn phụ tiếng Việt. Trên thị trường, hiện nay, mỗi hộp thuốc đang được các đối tượng giao dịch với giá dao động từ 3 đến 3,5 triệu đồng tùy loại.

Trước đó, ngày 31/8, Đội 4 Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường phối hợp cùng Đội Quản lý thị trường số 6 đã tiến hành kiểm tra đột xuất một điểm tập kết, kinh doanh hàng hóa tại đường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm phát hiện nhiều hộp thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Vào thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện, tạm giữ 100 hộp thuốc trị Covid-19 loại 40 viên/hộp và 21 hộp loại 10 viên/hộp. Toàn bộ số hàng hoá nêu trên do nước ngoài sản xuất không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Chủ cơ sở là Trương Văn An (sinh năm 1981), trú tại tỉnh Hải Dương đã không xuất trình được các hóa đơn, chứng từ liên quan đến nguồn gốc số hộp thuốc điều trị Covid-19. Bước đầu, Trương Văn An khai nhận đã thu mua các sản phẩm trôi nổi trên mạng xã hội với giá từ 100 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/hộp tùy từng loại, sau đó An bán qua mạng xã hội gấp nhiều lần tiền để kiếm lời.

Tạm giữ số lượng lớn sản phẩm, thiết bị y tế không rõ chất lượng để điều tra
Theo các chuyên gia y tế, các loại thuốc điều trị bệnh Covid-19 chưa được kiểm định chất lượng, không đảm bảo các yêu cầu cấp phép của Bộ Y tế, nếu tiêu thụ trót lọt ra thị trường sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. (Ảnh: TT)

Như vậy chỉ trong 3 ngày, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường Công an thành phố Hà Nội đã phát hiện và phối hợp với đơn vị chức năng kiểm tra, thu giữ 34.510 viên thuốc điều trị Covid-19 do nước ngoài sản xuất, trị giá trên 2 tỷ đồng, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.

Theo Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, công dụng chữa bệnh của loại thuốc điều trị bệnh Covid-19 này được chào bán trên mạng xã hội, nhưng đều chưa được kiểm định chất lượng, không đảm bảo các yêu cầu cấp phép của Bộ Y tế, nếu tiêu thụ trót lọt ra thị trường sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Hiện, cơ quan chức năng đã tiến hành niêm phong, thu giữ toàn bộ số hộp thuốc trên để tiếp tục xác minh, làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Anh Hà – Đội Quản lý thị trường số 6, Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, để qua mắt lực lượng chức năng, các đối tượng thường lợi dụng mạng xã hội làm nơi buôn bán, sau đó, tìm những địa điểm đang xây dựng, địa hình đi lại khó khăn, sâu trong các ngõ nhỏ để làm nơi cất giấu hàng hóa.

Hiện, Công an thành phố Hà Nội đã phát đi cảnh báo về tình trạng thời gian gần đây có một số đối tượng quảng cáo, mua bán các loại thuốc điều trị Covid-19 qua mạng xã hội như ARBIDOl, AREPLIVIR… nhưng hầu hết là hàng trôi nổi, chưa được kiểm định chất lượng, chưa được phép lưu hành tại Việt Nam. Đề nghị người dân cần hết sức thận trọng với những sản phẩm, thiết bị y tế không rõ nguồn gốc để tránh rước họa vào thân.
Phúc Chương

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích