Tái thiết di sản công nghiệp để phát triển công nghiệp văn hóa
(Xây dựng) – Di sản công nghiệp là một tài sản có giá trị lớn, nhưng Thành phố Hà Nội vẫn chưa biết cách khai thác hiệu quả. Nếu có thể tái thiết các di sản công nghiệp đúng cách, Hà Nội sẽ có cơ hội thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, mở rộng các không gian văn hóa, trung tâm nghệ thuật, sáng tạo. Đây là những nội dung được đề cập tại tọa đàm “Tái thiết các di sản trong lòng Hà Nội tiếp cận từ khai thác sáng tạo và phát huy giá trị”, trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội năm 2023, được tổ chức mới đây.
Thành phố Hà Nội đang có nhiều di sản công nghiệp có giá trị lớn. |
Thành phố Hà Nội có rất nhiều di sản công nghiệp như các toà nhà, công xưởng, máy móc, các mỏ, nơi chế biến, kho và cửa hàng, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và cả những địa điểm phục vụ sinh hoạt của công nhân. Đây là những công trình mang tính biểu tượng cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Hà Nội, đồng thời cũng là một yếu tố không thể tách rời của di sản văn hóa, mang đậm dấu ấn của một giai đoạn lịch sử hào hùng của đất nước.
Theo nghiên cứu của TS. KTS Đinh Thị Hải Yến, trên địa bàn Thành phố Hà Nội có 185 công trình công nghiệp, trong đó có 95 công trình hiện hữu và 90 công trình đã bị phá hủy, chuyển đổi.
TS. KTS Đinh Thị Hải Yến đánh giá, các di sản công nghiệp luôn mang dấu ấn về mặt lịch sử, thẩm mỹ và xã hội. Nhiều di sản có giá trị lớn với người dân, gắn với tiềm thức, ký ức và là đại diện cho một giai đoạn phát triển của đất nước. Chính vì thế, di sản công nghiệp luôn có sức sống ngay cả trong đời sống hiện đại.
Nhưng theo đánh giá của PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan – Đại diện Mạng lưới Bảo tồn Di sản công nghiệp châu Á tại Việt Nam, nước ta mới có các công trình công nghiệp có giá trị di sản, nhưng chưa có di sản công nghiệp. Sở dĩ có thể nói như vậy do khái niệm di sản công nghiệp còn khá mới tại Việt Nam, chưa được đưa vào các văn bản pháp luật nên chưa thể bảo vệ các di sản này. Đây chính là rào cản lớn nhất cho nỗ lực bảo vệ những di sản công nghiệp tại nước ta. Thực tế là một số nhà máy, xí nghiệp và xưởng sản xuất cũ không được bảo tồn và chuyển đổi hợp lý nên đã biến mất trong tiến trình phát triển của đất nước.
Di sản công nghiệp luôn có sức sống ngay cả trong đời sống hiện đại. |
Bà Phạm Thị Lan Anh – Trưởng phòng Quản lý Di sản, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết: Thành phố rất quan tâm và hy vọng di sản công nghiệp sẽ trở thành một phần di sản đô thị, di sản văn hóa của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Nhưng phải đến tháng 2/2022, Hà Nội mới trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết phát triển công nghiệp văn hóa.
Nhìn ra thế giới, khái niệm di sản công nghiệp khá phổ biến. Nhiều quốc gia đã quan tâm đến việc phát huy và bảo tồn các di sản công nghiệp, kiến thiết lại những công trình kiến trúc nhà máy, công xưởng cũ thành những công viên giải trí, văn hóa, góp phần hiệu quả trong việc phát triển công nghiệp văn hóa. Những mô hình này được đánh giá là yếu tố giúp cải thiện môi trường sống của người dân, mang đến tác động tích cực cho cộng động. Đây là kinh nghiệm để Thành phố Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung có thể học tập để phát huy triệt để các giá trị của di sản công nghiệp.
Theo TS.KTS Đinh Thị Hải Yến, vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước rất quan trọng trong việc điều phối, xây dựng các quy hoạch và giải quyết mâu thuẫn về bảo tồn và phát triển, tái thiết các di sản công nghiệp. Cơ quan quản lý phải có sự đánh giá, thẩm định lại giá trị của di sản công nghiệp trước khi quyết định tái thiết lại không gian. Từ đó, nhà đầu tư sẽ có định lượng cụ thể về việc cần giữ lại bao nhiêu phần trăm giá trị của di sản để bảo tồn và bao nhiêu phần trăm cho xây dựng công trình mới.
Cơ quan quản lý Nhà nước có vai trò rất quan trọng để bảo tồn, tái thiết và phát triển các di sản công nghiệp. |
TS.KTS. Ngô Viết Nam Sơn nhấn mạnh việc pháp lý hóa khái niệm di sản công nghiệp, tiếp tục kiện toàn Luật Di sản Văn hóa và bổ sung các văn bản pháp lý cần thiết cho nhu cầu bảo tồn, cải tạo, chỉnh trang và mở rộng công trình di sản trên cả nước, bao gồm 4 thể loại. Thứ nhất là công trình di sản, di tích cần được bảo tồn nguyên trạng. Thứ hai là công trình di sản có thể được cải tạo, chuyển đổi chức năng, chỉnh trang, hoặc mở rộng, nhưng vẫn giữ lại giá trị bản sắc cơ bản của di sản. Thứ ba là công trình di sản có thể được phục hồi lại theo thời kỳ ban đầu, hoặc theo tình trạng vào một thời kỳ lịch sử có ý nghĩa quan trọng đối với văn hóa địa phương. Thứ tư là công trình di sản đã bị hư hại có thể được tái thiết lại theo nguyên mẫu thiết kế ban đầu, hoặc có thể bổ sung thêm một số yếu tố mới có giá trị giúp nâng tầm bản sắc của di sản này.
Trong khi đó, TS.KTS Vương Hải Long – Trưởng khoa Kiến trúc, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho rằng, Thành phố Hà Nội cần phải xây dựng một lộ trình về lập quy hoạch các dự án trong việc chuyển đổi chức năng các công trình, nhà máy cũ để vừa đáp ứng yêu cầu của xã hiện đại, vừa bảo đảm lưu lại những dấu vết ký ức về lịch sử, văn hóa của công trình. Quá trình tái thiết cần phải có không gian cho sự sáng tạo, bảo đảm lợi ích của cộng đồng và người dân được thụ hưởng.
Nhiều kiến trúc sư cũng cho rằng, việc tái thiết các nhà máy cũ cần phải gắn kết với bối cảnh xung quanh, đảm bảo các giá trị kinh tế, bảo tồn văn hóa và giảm thiểu các tác động tới môi trường xung quanh. Trong các khu nhà sẽ là những không gian cho các thiết kế sáng tạo, các cuộc trưng bày, triển lãm, hội thảo… Người dân không chỉ được hưởng thụ văn hóa mà những di sản này còn là nơi thúc đẩy hoạt động kinh tế sáng tạo phát triển. Đối với các thành phố, quá trình tái thiết các di sản công nghiệp thành không gian sáng tạo là rất quan trọng vì nó sẽ mang tính kinh tế, văn hóa, môi trường, tạo động lực cho cộng đồng cùng sáng tạo, từ đó thúc đẩy việc xây dựng Hà Nội thành Thành phố Sáng tạo năng động trong tương lai.
Nguồn: Báo xây dựng