Tái tạo không gian đô thị hướng tới cộng đồng trong tiến trình phát triển đô thị bền vững

Tái tạo không gian đô thị hướng tới cộng đồng trong tiến trình phát triển đô thị bền vững

Một vài suy nghĩ về tái tạo không gian đô thị hướng tới cộng đồng trong tiến trình hướng tới phát triển đô thị bền vững.

Cộng đồng là hạt nhân của phát triển đô thị bền vững

Theo thống kê của Ngân hàng thế giới (WB), hiện nay trên thế giới có trên 50% dân số sinh sống, làm việc tại các khu vực đô thị; dự kiến đến năm 2045, số người sống tại các thành phố (TP) trên toàn cầu tăng lên khoảng 6 tỉ. Phát triển đô thị là một xu hướng diễn ra ở nhiều quốc gia trên thế giới trong nhiều thập niên vừa qua.

Theo nghiên cứu thống kê của Bộ phận Dân số thế giới của Liên hợp quốc, trong năm 2020, các nước có thu nhập đầu người trung bình cao có tỷ lệ dân số đô thị cao nhất, trên 41%, các nước có thu nhập đầu người trung bình thấp có tỷ lệ dân số đô thị cao thứ hai, trên 30%; trong khi tại các nước có thu nhập đầu người cao, tỷ lệ dân số đô thị chiếm khoảng trên 22%.

Trong xu hướng phát triển đô thị nêu trên, phát triển đô thị bền vững là một mục tiêu mà nhiều TP trên thế giới đang hướng đến. Phát triển đô thị bền vững tập trung vào giải quyết các thách thức liên quan đến sự đô thị hoá, lấy con người sinh sống, làm việc tại đô thị là trung tâm phục vụ – Ở đó, TP – Đô thị được thiết kế với nhiều chức năng tích hợp, để đưa mọi người, các không gian sinh hoạt cộng đồng, các hoạt động kinh tế – xã hội, các toà nhà… kết nối, tạo sự liên kết tiện lợi và dễ dàng cho cuộc sống sinh hoạt và làm việc của người dân.

Một vài suy nghĩ về tái tạo không gian đô thị hướng tới cộng đồng trong tiến trình hướng tới phát triển đô thị bền vững - Tạp chí Kiến Trúc
Một vài suy nghĩ về tái tạo không gian đô thị hướng tới cộng đồng trong tiến trình hướng tới phát triển đô thị bền vững - Tạp chí Kiến Trúc
Những không gian sáng tạo cộng đồng là trọng tâm của phát triển đô thị bền vững

Cơ sở để phát triển đô thị bền vững: Lấy cộng đồng làm trọng tâm phát triển

Phát triển đô thị bền vững góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân đô thị, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện chất lượng an sinh xã hội, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên (đất, nước, cây xanh…), bảo vệ môi trường và hệ sinh thái, giảm nghèo…. Phát triển đô thị bền vững mang lại lợi ích trên tất cả các mặt liên quan đời sống kinh tế – xã hội của TP – đô thị, tập trung phục vụ cho con người sinh sống, làm việc tại TP.

Tại Việt Nam, Quyết định số 153/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 17/8/2004 về việc ban hành Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam là cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện phát triển bền vững đất nước trong thế kỷ 21. Với nguyên tắc con người là trung tâm của phát triển bền vững, Định hướng đã xác định những hoạt động ưu tiên cần được tiến hành để phát triển bền vững.

Những yếu tố quan trọng nâng cao chất lượng sống của cộng đồng trong phát triển đô thị bền vững

1. Kiến tạo các không gian sáng tạo

Xây dựng TP thông minh với các tổ hợp sáng tạo, không gian sáng tạo là xu thế phát triển của các đô thị hiện đại.

Những mô hình Hollywood, Silicon Valley… đang được nhiều quốc gia vận dụng theo cách riêng để tái tạo đô thị theo hướng “vị nhân sinh” thông qua việc tổ chức lại các không gian hiện hữu, làm mới kiến trúc đô thị trên tinh thần gắn không gian công cộng với lịch sử, văn hóa. Và TP sáng tạo là một trong những chuẩn mực để xác định vị thế của một đô thị trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó không gian sáng tạo là một yếu tố cấu thành mang nhiều ý nghĩa.

Trong tiến trình phát triển đô thị, sáng tạo là tiêu chí của mọi thời đại. Những Paris (Pháp), Milan (Italia), Amsterdam (Hà Lan), Plovidv (Bulgaria)… và Thăng Long – Hà Nội là những minh chứng sống động cho điều đó. Trong thế giới hiện đại, nhiều đô thị đã tiên phong trong việc định hình và lan tỏa những giá trị văn minh nhân loại thông qua việc chuyển hướng từ phát triển công nghiệp sang du lịch, dịch vụ và công nghệ. Chiến lược này vừa làm giàu lịch sử, văn hóa, vừa tạo môi trường cởi mở cho hoạt động sáng tạo, nhằm bồi đắp những giá trị mới cho đô thị.

Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, đô thị có chung nhận định: Không gian nghệ thuật, không gian sáng tạo có ảnh hưởng tích cực đến tiến trình đô thị hóa. Tại nhiều TP, không gian sáng tạo được hình thành từ những nơi bị bỏ hoang hoặc các khu vực tách biệt, do vậy có tác động rất lớn đến việc hồi sinh hoặc kích hoạt các không gian đô thị…

Theo PGS. TS Bùi Hoài Sơn (Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội), không gian sáng tạo có khả năng tái tạo đô thị, là giải pháp hài hòa giữa mục tiêu phát triển kinh tế và văn hóa. Xây dựng đô thị sáng tạo là xây dựng một TP đáng sống với các không gian phong phú, ở đó liên tục có sự đổi mới, sáng tạo – Điều mà bất kỳ TP nào cũng muốn hướng đến để nâng cao chất lượng đời sống con người.

“Nếu coi đô thị là một cái nhà, thì không gian công cộng chính là phòng khách của cái nhà ấy và vì thế được coi là bộ mặt chủ đạo của đô thị. Đây chính là nơi phản ánh rõ nhất bản sắc, phong cách của mỗi TP”. Do vậy, kiến tạo đô thị từ những không gian sáng tạo không chỉ mở hướng phát triển đô thị bền vững gắn với giá trị văn hóa, mà còn tạo động lực mới thúc đẩy nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội…

Một vài suy nghĩ về tái tạo không gian đô thị hướng tới cộng đồng trong tiến trình hướng tới phát triển đô thị bền vững - Tạp chí Kiến Trúc
Một vài suy nghĩ về tái tạo không gian đô thị hướng tới cộng đồng trong tiến trình hướng tới phát triển đô thị bền vững - Tạp chí Kiến Trúc
Dự án cải tạo không gian vòm cầu tại vùng Issy Les Moulineaux thành các xưởng nghệ thuật, thúc đẩy hoạt động sáng tạo cộng đồng. Nguồn: Atelier Dubosc et Associés Vietnam

2. Tái thiết các cơ sở công nghiệp

Tại các đô thị lớn ở Bắc Mỹ và châu Âu, nhiều cơ sở công nghiệp bị đóng cửa vào những năm 60 của thế kỷ trước. Thay vì phá bỏ, người ta đã chuyển đổi thành những không gian sáng tạo, thu hút đông khách tới tham quan. Có thể kể đến như: Trạm cứu hỏa tại Kortrijk, Bỉ – tòa nhà được xây dựng vào năm 1940 và được xếp hạng là Di sản TP vào năm 2003, mới đây đã được biến đổi thành nhà cộng đồng tại địa phương, nơi người dân có thể gặp gỡ, sinh hoạt, trao đổi sáng kiến giúp phát triển khu vực; Công trình Zeche Zollverein (North Rhine-Westphalia, Đức) từ mỏ than công nghiệp chuyển thành công viên văn hóa đa năng; Nagasaki Shipyard Museum (Nagasaki, Nhật Bản) từ bến tàu cảng công nghiệp chuyển đổi thành Bảo tàng Lịch sử Công nghiệp; Xưởng đóng tàu cũ FRAC Nord-Pas de Calais (Pháp) được chuyển đổi thành Phòng Trưng bày Nghệ thuật đương đại FRAC…

Nhìn ra thế giới, khái niệm di sản công nghiệp khá phổ biến. Nhiều quốc gia đã quan tâm đến việc phát huy và bảo tồn các di sản công nghiệp, kiến thiết lại những công trình kiến trúc nhà máy, công xưởng cũ thành những công viên giải trí, văn hóa, góp phần hiệu quả trong việc phát triển công nghiệp văn hóa. Những mô hình này được đánh giá là yếu tố giúp cải thiện môi trường sống của người dân, mang đến tác động tích cực cho cộng động.

Cần phải ứng xử như thế nào sau khi di dời các cơ sở công nghiệp?

Theo nhiều chuyên gia, thay vì phá bỏ tất cả rồi nhồi nhét bằng những cao ốc làm quá tải đô thị thì Thủ đô nên giữ lại một phần hoặc toàn bộ nhà máy cũ để làm chứng nhân lịch sử một thời. Cùng với đó, các nhà máy cũ có thể được chuyển đổi thành không gian hoạt động nghệ thuật, sáng tạo, khởi nghiệp…

Việc di dời các nhà máy ra khỏi nội đô không có nghĩa là xóa bỏ hoàn toàn mà nhằm tạo điều kiện phát triển tốt hơn. Phần vỏ của nhiều nhà máy ngoài giá trị về lịch sử, kiến trúc, văn hóa… còn có giá trị về không gian cần ứng dụng vào các chức năng có ích khác, đó chính không gian sáng tạo, không gian công cộng, không gian văn hóa nghệ thuật… đây là cơ hội để đem lại nhiều lợi ích cả về kinh tế, văn hóa, đô thị.

Đề xuất những giải pháp tái thiết, chuyển đổi các cơ sở công nghiệp

– Mô hình chuyển đổi các Di sản công nghiệp thành Bảo tàng văn hóa công nghiệp: Trong Quyết định số 1909/QĐ-TTg, ngày 12-11-2021, của Thủ tướng Chính phủ “Về phê duyệt chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030”, nhấn mạnh nhiệm vụ, giải pháp: “Đầu tư xây dựng một số bảo tàng cấp quốc gia, bảo tàng chuyên ngành cấp trung ương và địa phương; phát triển bảo tàng ảo”. Do vậy, việc xây dựng một bảo tàng của ngành công nghiệp với những thành tựu công nghiệp gắn với những giai đoạn lịch sử đã qua là cần thiết và phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước.

– Mô hình bảo tàng di sản công nghiệp gắn với con người và ký ức thời gian: Gắn bó mật thiết với di sản công nghiệp chính là lực lượng công nhân, là linh hồn của hoạt động sản xuất và hiện nay là người lưu giữ ký ức về những giai đoạn lịch sử quan trọng của dân tộc. Muốn tìm hiểu về lịch sử công nghiệp Việt Nam thì bên cạnh bảo tàng công nghiệp, cần bảo lưu những khu dân cư – khu tập thể cũ gắn với đời sống công nhân. Trước đây, hầu hết các nhà máy đều xây dựng khu tập thể cho cán bộ công nhân viên để thuận tiện sản xuất và sinh hoạt, nhưng đến nay, cùng với sự mất đi của nhà máy thì các khu nhà ở công nhân cũng không còn.

– Lưu giữ, quy hoạch di sản công nghiệp và bảo tồn những khu tập thể cũ còn lại, như Khu tập thể của Nhà máy thuốc lá Thăng Long và Nhà máy cao su Sao Vàng sẽ giúp cho thế hệ sau hiểu rõ hơn về đời sống công nhân giai đoạn kháng chiến, giai đoạn kinh tế tập trung và giai đoạn đầu đổi mới. Song song với đó, cần có dự án sưu tầm hiện vật gắn với đời sống công nhân, sưu tầm, ghi chép lại những ký ức của họ về giai đoạn họ đã sống và làm việc. Nó sẽ trở thành những di sản tư liệu quan trọng để thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về lịch sử, truyền thống dân tộc, đời sống của thế hệ trước, góp phần giáo dục truyền thống, đồng thời cũng tạo ra nguồn lực để phát triển kinh tế; gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển đa dạng các loại hình du lịch văn hóa.

– Mô hình chuyển đổi thành các không gian sáng tạo, tổ hợp nghệ thuật sáng tạo: Các nhà máy cũ có nhiều lợi thế để thiết kế thành các không gian sáng tạo, như có diện tích rộng, lưu giữ nhiều giá trị lịch sử và đặc biệt là hầu hết đều nằm ở những vị trí đắc địa như tại Hà Nội là Nhà máy thuốc lá Thăng Long, Nhà máy cao su Sao Vàng, Nhà máy dệt kim Đông Xuân… Đây là những nhà máy mà quỹ đất ít ỏi còn lại chưa bị phá bỏ để xây dựng các tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại hay các khu căn hộ cao cấp.

Thay vì xây thêm những công trình xây dựng mới, có thể chuyển những nhà máy này thành những mô hình không gian sáng tạo, tổ hợp sáng tạo như bài học thành công của rất nhiều nước trên thế giới. Việc xây dựng mô hình không gian sáng tạo trên nguồn lực di sản công nghiệp dưới sự quản lý, điều phối của Nhà nước hoặc theo mô hình hợp tác công – tư (PPP) là hướng đi phù hợp với chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa chung của cả nước; đồng thời, kết hợp mô hình này với việc đẩy mạnh phát triển du lịch.

3. Xác định tầm quan trọng của các không gian xanh trong đô thị

Trong hơn 20 năm qua, quá trình đô thị hóa ở Việt Nam diễn ra với tốc độ nhanh. Tính đến tháng 6/2023, hệ thống đô thị của Việt Nam có 898 đô thị (gồm 02 đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 35 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 95 đô thị loại IV và 697 đô thị loại V), tăng 269 đô thị so với năm 1999; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 42% (tăng trung bình mỗi năm 1%).

Trong quá trình phát triển, các đô thị ở Việt Nam đã và đang gặp phải những thách thức rất lớn về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; đặc biệt là thiếu các công viên cây xanh để nâng cao chất lượng môi trường sống, điều hòa không khí và tạo không gian cảnh quan. Tỷ lệ cây xanh trên mỗi người dân tại các đô thị của Việt Nam ở mức từ 2 – 3m2/người, trong khi chỉ tiêu xanh tối thiểu của Liên hợp quốc là 10m2/người và chỉ tiêu của các TP hiện đại trên thế giới từ 20 – 25m2/người.

Đảng, Nhà nước cũng đã ban hành những chủ trương, định hướng liên quan đến công tác phát triển cây xanh, công viên đô thị, cụ thể là: Tại Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Ban chấp hành Trung ương Đảng đặt ra nhiệm vụ chú trọng cải thiện chất lượng không khí, cây xanh, không gian vui chơi, giải trí trong các đô thị, khu dân cư, nhất là các TP lớn.

Tại Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của cây xanh đô thị. Trong đó đặt ra mục tiêu đến năm 2025 diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đạt khoảng 6-8m2/người; đến năm 2030 đạt khoảng 8-10m2/người.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tham gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên Hợp quốc (SDGs). Theo đó, tại Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng triển khai thực hiện SDG 11.7 về bảo đảm tiếp cận không gian công cộng xanh, an toàn và thân thiện cho toàn dân.

Đề xuất giải pháp thiết kế, quy hoạch công viên xanh cho đô thị bền vững

Đứng trước thực trạng này, UBND TP Hà Nội và Hội KTS Việt Nam, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội và Tạp chí Kiến trúc – Hội KTS Việt Nam đã phối hợp cùng với UN – Habitat, UBND Quận Ba Đình, UBND quận Hoàn Kiếm, UBND quận Long Biên, UBND quận Tây Hồ tổ chức hội thảo: “Đề án xây dựng công viên văn hóa cảnh quan bãi giữa sông Hồng: Tầm nhìn và giải pháp”. Qua đó nhằm tìm kiếm các định hướng, giải pháp để tận dụng tối đa những giá trị về kiến trúc và cảnh quan khu vực bãi giữa sông Hồng, trở thành một không gian cộng đồng, không gian xanh cho thủ đô, tạo động lực phát triển công nghiệp văn hoá đồng thời làm định hướng cho những khu vực có tính tương đồng về mặt điều kiện và cảnh quan tự nhiên.

Khai thác các không gian cảnh quan ven sông trong đô thị giúp làm tăng lên diện tích không gian công cộng phục vụ người dân. Đặc biệt là trong bối cảnh bùng nổ dân số như hiện nay. Không chỉ vậy, việc nâng cao chất lượng phục vụ các không gian đó cũng mang đến rất nhiều tiềm năng cho đô thị mà bấy lâu nay chúng ta đã vô tình lãng quên. Cải tạo nâng cao chất lượng sử dụng các không gian nhưng không phá vỡ cấu trúc hay tác động tiêu cực đến hệ sinh thái tự nhiên của khu vực nghiên cứu. Thúc đẩy việc bảo vệ môi trường, làm tăng lên các giá trị cảnh quan và đa dạng sinh học tuyến không gian ven sông theo hướng bền vững, làm tiền đề cho các định hướng quy hoạch đô thị sau này.

– Tiêu chí thiết kế bền vững: Việc quy hoạch và thiết kế công viên tốt không chỉ giúp tăng cường chất lượng sống trong đô thị, mà còn giúp cho đô thị trở nên bền vững hơn. Điều này càng trở nên ý nghĩa trong thời kỳ “bình thường mới” sau đại dịch cũng như những vấn đề sống còn toàn cầu như biến đổi khí hậu. Có nhiều các nghiên cứu đã được thực hiện. Hình 2 xin chọn trích dẫn một bảng tổng kết 10 tiêu chí cốt lõi cho việc thiết kế công viên hướng tới đô thị bền vững trong tương lai (Dizdaroglu, 2022).

– Phát triển các công viên tích hợp gắn với các khu ở mới với thiên nhiên phong phú: Đây là xu hướng thiết kế nhiều hơn các công viên bên trong hoặc kế bên các khu đô thị mới với tiện ích phong phú vượt trội hơn tiêu chuẩn xưa nay, đặc biệt là các tiện ích thể thao hay vui chơi đi liền với các yếu tố thiên nhiên như mảng xanh, mặt nước, khu sinh thái hoang dã. Xu hướng tuyệt vời này giúp tăng cường cả chất lượng sống lẫn giá trị bất động sản của khu vực đó. Thay vì chỉ quan tâm tới việc tối đa hóa sử dụng đất đai một cách lãng phí theo hướng phân lô bán nền như trước đây, chất lượng sống kém, đô thị manh mún, thì các khu đô thị mới ngày nay được quy hoạch thiết kế đồng bộ hơn, chú trọng các không gian Nơi chốn Thứ ba như công viên cây xanh, không gian văn hóa sự kiện và giao lưu cộng đồng.

– Phát triển mạng lưới công viên và tuyến kết nối công viên: Việc thiết kế một hệ thống hay mạng lưới công viên là rất quan trọng, trong đó có các công viên với quy mô và bán kính phục vụ lớn nhỏ khác nhau. Sau đó phát triển hệ thống tuyến kết nối công viên (park connector) bằng đường đạp xe, chạy bộ hoặc đi bộ để tạo sự liên kết liền mạch thành một hệ thống sinh thái xanh và “sống khỏe”. Hệ thống park connector có thể đi trên mặt đất hoặc cả trên cốt cao để tránh giao cắt với giao thông cơ giới. Singapore là một mô hình tốt về phát triển hệ thống này.

– Thiết kế công viên đa lứa tuổi và phục vụ mọi thành phần: Đây là xu hướng gắn liền với những tiêu chí thiết kế đô thị đáng sống đang ngày một nổi lên. Xu hướng thiết kế kiểu chuyên biệt chức năng, chuyên biệt đối tượng xưa kia đang dần được thay thế bởi trào lưu tích hợp, đa năng, phục vụ được mọi thành phần và lứa tuổi, qua đó giúp tăng cường gắn kết xã hội

– Ứng dụng công nghệ mới trong các thiết kế và quy hoạch: Đây là một xu hướng rất mới. Thí dụ, những công nghệ mới như thực tế ảo (VR) hoặc thực tế ảo tăng cường (AR) hay drone đã trở thành những công nghệ gây chú ý trong lĩnh vực thiết kế đô thị và cảnh quan.

4. Xác định tầm quan trọng của không gian mặt nước và nguồn nước ngầm

Sự hình thành các đô thị thường gắn liền với các nguồn nước, những con sông và hồ nước tạo nên đặc trưng của mỗi đô thị. Nước là một yếu tố vô cùng quan trọng và nhậy cảm trong hệ sinh thái tự nhiên, nó có tác dụng rất tích cực cho con người, nhưng cũng có thể gây phiền toái đáng kể mỗi khi úng ngập. Phát triển đô thị và việc ứng xử của con người với nước cần phải rất thận trọng trong hiện tại để đảm bảo cho tương lai bền vững.

Hệ thống nước trong một vùng là các sông, suối, hồ ao, đầm, và biển, là một hệ sinh thái huyết mạch từ đầu nguồn (trên các núi cao) đổ dần ra biển.

Con người đã biết khai thác nước vào các hoạt động sinh sống của mình vô cùng phong phú, kể cả biết điều tiết hệ thống nước ở các độ cao khác nhau xây dựng Thuỷ điện, điều tiết thuỷ lợi cho cấy trồng nông, lâm nghiệp. Các hoạt động giao thương thông qua các cảng sông, cảng biển, thể thao dưới nước… Nước trong các khu vực phát triển đô thị chỉ là những phần nhỏ trong vùng, nó không tồn tại một cách độc lập, mà là một phần của cơ thể nước (waterbody) của hệ sinh thái vùng. Do đó, mỗi tác động tích cực hay tiêu cực của đô thị đối với nước trong đô thị đều ảnh hưởng tác động đối với cả một vùng sinh thái. Nhiều khi do việc lựa chọn đất xây dựng đô thị không cẩn thận ở hạ lưu (là những khu vực có cửa sông, ven biển có cảnh quan đẹp, giá trị kinh tế cao…) chính là nguyên nhân gây úng lụt khu vực thượng lưu, (thường là những khu vực nông thôn còn nghèo khó).

Đề xuất những định hướng phát triển nhằm bảo tồn, tái tạo hệ thống nước mặt và nước ngầm đô thị

– Quy hoạch đô thị cần tuyết đối tôn trọng cấu trúc tự nhiên của hệ thống mặt nước khu vực, không làm giảm diện tích của mặt nước hiện hữu của đô thị, kể cả hồ, ao, đầm, phá. Khuyến khích các dự án tăng thêm diện tích mặt nước.

– Các khu vực có mặt nước đẹp của đô thị, các công trình xây dựng đô thị dọc theo các trục mặt nước phải có thiết kế đô thị đảm bảo tạo thêm không gian đẹp cho đô thị.

– Để ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, các đô thị cần tăng cường thêm các diện tích hồ, ao chứa nước mưa, điều tiết nước trong TP, cải thiện môi trường khói bụi trong thành phố, đặc biệt là các thành phố lớn. Nên có chế tài thu phí nước mưa thải ra đô thị từ các hộ dân cư hay cơ sở dịch vụ.

– Thể chế, Luật pháp cần phải đổi mới để có chế tài đủ mạnh ngăn chặn việc lấn chiếm, hoặc hợp thức việc lấp diện tích hồ, ao, đầm, phá để xây dựng đô thị.

– Quản lý và cải thiện triệt để chất lượng nước trong đô thị, đặc biệt là mặt nước ở các khu vực có mật độ dân cư cao.

– Quản lý tốt đồng thời các khu vực thượng và hạ nguồn nước, không chỉ cho mục đích phát triển đô thị mà còn đảm bảo cho sự cân bằng sinh thái vùng, phát triển hài hoà cả nông thôn và thành thị. Cần sử dụng công nghệ tin học để phân tích về thuỷ văn và thuỷ lực trong vùng và đô thị, hạn chế rủi ro ngập lụt.

– Việc quản lý toàn bộ hệ thống nguồn nước trong vùng và đô thị phải được số hoá đồng bộ diện tích và tình trạng mặt nước trong vùng. Cơ quan quản lý nước trong đô thị cần số hoá và cập nhật thường xuyên về mặt nước, các dự án xây dựng và phát triển có liên quan đến giá trị mặt nước (toàn bộ các công trình kiến trúc, kỹ thuật ven bờ và cả trên mặt nước.

TS.KTS Nguyễn Việt Huy
THS. KTS Lê Thị Hồng Vân

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Thị Huệ – “Di sản công nghiệp – nguồn lực để phát triển công nghiệp văn hóa cho TP Hà Nội” (2022)

2. Tô Kiên – “Tầm quan trọng, xu hướng thiết kế công viên thời kỳ hậu đại dịch và một số bài học kinh nghiệm quốc tế” (2022)

3. Lê Thị Mai Hương – “Vai trò của yếu tố không gian mặt nước và một số giải pháp sử dụng mặt nước trong kiến trúc cảnh quan đô thị” (2020)

4. Đỗ Tú Lan “Đô thị và nước quy hoạch đô thị trên cơ sở quản lý tổng hợp nguồn nước ứng phó với BĐKH” (2023)

5. Tham luận Hội thảo tham vấn về chính sách quản lý phát triển công viên, cây xanh đô thị..

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích