Tại Kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ 5 xem xét thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

(Xây dựng) – Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV diễn ra tại Nhà Quốc hội sẽ khai mạc vào ngày 15/01/2024 và dự kiến bế mạc vào ngày 18/01/2024. Tại Kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 4 nội dung, trong đó có dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Tại Kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ 5 xem xét thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Phiên họp thường kỳ thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất nội dung Kỳ họp bất thường lần thứ 5 Quốc hội khóa XV.

Sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 sẽ bao gồm 16 chương, 260 điều, bỏ 05 điều và sửa đổi, bổ sung tại 250 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.

Trong đó, có 18 nội dung lớn xin ý kiến tập trung thảo luận tại Kỳ họp thứ 6 đã được thống nhất chỉnh lý, hoàn thiện. Một là quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất của người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Hai là quy định về không mở rộng phạm vi nhận chuyển quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Ba là trường hợp tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng dự án bất động sản theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.

Bốn là quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền hằng năm đối với tài sản gắn liền với đất. Năm là điều kiện đối với cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa. Sáu là nguyên tắc lập và phê duyệt quy hoạch sử dụng đất các cấp. Bảy là chỉ tiêu sử dụng đất được xác định trong nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và cấp huyện.

Tám là quy định tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cấp tỉnh, chỉ tiêu sử dụng đất cấp huyện. Chín là quy định về thu hồi đất thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ. Mười là nội dung về phát triển, khai thác và quản lý quỹ đất. Mười một là mối quan hệ giữa các trường hợp thu hồi đất và thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất thực hiện dự án phát triển kinh tế – xã hội không sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Mười hai là quy định các loại đất thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất. Mười ba là quy định về cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp đất được giao không đúng thẩm quyền.

Mười bốn là quy định về tiền thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm. Mười năm là nội dung phương pháp định giá đất và trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp. Mười sáu là quy định về hoạt động lấn biển. Mười bảy là đối tượng được sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế; quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp quân đội, công an khi sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế. Mười tám là nội dung về không sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công.

Ngoài dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV cũng sẽ thông qua 3 nội dung lớn khác. Sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 bao gồm 15 chương, 210 điều. Một số vấn đề lớn của dự thảo Luật báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp lần này bao gồm: Dự phòng rủi ro; Can thiệp sớm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng; Xử lý trường hợp tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt, vay, cho vay đặc biệt; Xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm; Cơ quan quản lý nhà nước; Điều khoản thi hành.

Tại Kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ 5 xem xét thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã tiếp thu nhiều ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội.

Trong khi đó, dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia gồm 6 điều, quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng sẽ xem xét, thông qua việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 – 2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích