Tái cơ cấu các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia theo hướng mới
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, nhìn ra thế giới đều thấy những giải pháp công nghệ dù ở trong khuôn viên doanh nghiệp hay các trường viện, đều gặp nhau ở một điểm đó là càng hứa hẹn nhiều đột phá thì càng có nhiều rủi ro. Giải pháp càng được đóng gói một cách hoàn hảo theo tiêu chuẩn tối ưu về chi phí nguyên liệu đầu vào, quy trình vận hành, nhân công, hiệu quả về sản phẩm, đem lại lợi nhuận kinh tế… thì càng phải được phát triển theo nhiều bước, đòi hỏi nhiều thời gian, công sức.
Tuy nhiên, cách thiết kế các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia trước đây chưa chấp nhận rủi ro cũng như chưa cho phép đầu tư dài hơi, vì vậy, khi tiến hành tái cơ cấu các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia lần này, Bộ KH&CN đã thiết kế các đề tài, nhiệm vụ hướng đến việc làm ra các công nghệ mới, giải pháp mới, có thể thực hiện trong khoảng thời gian 10 năm thay vì 5 năm như trước.
Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trên tinh thần chấp nhận rủi ro. Bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, công bằng, tạo điều kiện cho khoán sản phẩm và hậu kiểm, gắn kết chặt chẽ với thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và sản phẩm đầu ra…
Kế hoạch tái cơ cấu các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia lần này của Bộ Khoa học và Công nghệ không nằm ngoài quan điểm “lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia” cũng như không nằm ngoài bản chất của khoa học và công nghệ. Hy vọng, việc tái cơ cấu các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia cùng với các đổi mới chính sách sẽ đem lại những thay đổi lớn cho cả doanh nghiệp và trường đại học, viện nghiên cứu.
Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ tái cơ cấu hệ thống các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia để doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận và tham gia nhằm tìm giải pháp công nghệ, nâng cao năng lực cho chính mình; quy hoạch mạng lưới các tổ chức khoa học và công nghệ công lập từ địa phương đến trung ương, cũng như các tổ chức khoa học và công nghệ trong trường đại học…
Điều này không chỉ để phân bổ các nguồn lực đầu tư ngân sách cho hiệu quả, mà còn để doanh nghiệp có thể tra cứu thông tin, chủ động tiếp cận những nhà nghiên cứu, tổ chức khoa học phù hợp với kế hoạch phát triển của mình… Các sản phẩm công nghệ là kết quả của những đề tài từ các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia cũng là nguồn tài nguyên và tài sản trí tuệ quan trọng.
Để giúp doanh nghiệp tiếp cận được với những công nghệ mới, đồng thời tạo thuận lợi cho quá trình chuyển giao công nghệ từ viện, trường vào doanh nghiệp, cách làm hiệu quả nhất là tạo điều kiện mở các tài sản trí tuệ được hình thành từ đề tài nghiên cứu do ngân sách nhà nước tài trợ, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trên tinh thần chấp nhận rủi ro.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo năm 2023.
Tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (Nghị quyết số 20-NQ/TW) đề ra việc “giao quyền sở hữu các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước cho cơ quan chủ trì chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ” nên việc khối tư nhân muốn nhận chuyển giao, khai thác, thương mại hóa các tài sản trí tuệ này cũng trở nên khó khăn.
Vì vậy, năm 2022, Bộ KH&CN đã sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ theo hướng trao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn sẽ giải quyết được những bất cập hiện nay về mặt pháp lý và thực tiễn.
Đẩy nhanh tiến độ xét duyệt đề tài
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt thẳng thắn nhìn nhận ở lần tái cơ cấu các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia lần này, Bộ KH&CN cùng với các bộ, ngành liên quan bàn bạc, tháo gỡ các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ xét duyệt đề tài, thủ tục thanh quyết toán cũng như vấn đề về xử lý tài sản hình thành từ đề tài do ngân sách nhà nước tài trợ để chuyển giao hoặc hoàn trả lại cho nhà nước.
Trước mắt, Bộ KH&CN thay thế một loạt thông tư để dỡ bỏ các quy định phức tạp trước đây như một số quy định trong các thông tư, nghị định khác của Chính phủ và một số luật bị chồng chéo nên việc sửa đổi cho đồng bộ giữa các văn bản quy phạm pháp luật là cần thiết. Bộ trưởng hy vọng trong thời gian tới, tất cả vướng mắc sẽ được khơi thông để làn sóng công nghệ và đổi mới sáng tạo từ trường, viện đến được với doanh nghiệp và doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào công nghệ.
Để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao sức cạnh tranh, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trích lập Quỹ khoa học và công nghệ từ nguồn thu nhập trước thuế.
Tuy nhiên, khi thiết kế các chính sách này, Việt Nam vẫn dựa trên quan điểm coi doanh nghiệp như các tổ chức khoa học và công nghệ công lập ở trường, viện và cách tiếp cận vẫn coi các vấn đề đổi mới công nghệ tại doanh nghiệp như các nhiệm vụ khoa học và công nghệ của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập. Đây là một trong những lý do quan trọng khiến cho việc áp dụng chính sách trên thực tế gặp rất nhiều vướng mắc khiến chính sách này chưa đạt được như kỳ vọng.
Số lượng doanh nghiệp trích lập Quỹ khoa học và công nghệ tại doanh nghiệp còn chưa có. Việc sử dụng quỹ khoa học và công nghệ tại doanh nghiệp cũng gặp nhiều vướng mắc, chưa phù hợp với nhu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp… Để giải quyết tồn tại, mới đây, Bộ đã ban hành Thông tư 05/2022/TT-BKHCN hướng dẫn sử dụng Quỹ Khoa học và Công nghệ của doanh nghiệp, trong đó đem lại các điều kiện sử dụng quỹ thông thoáng và tự chủ hơn cho doanh nghiệp.
Thông tư này nêu rõ các quy định về hình thức chi cho nhiệm vụ khoa học và công nghệ của doanh nghiệp với phạm vi mở rộng từ trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật cho hoạt động khoa học và công nghệ, mua quyền sử dụng, quyền sở hữu công nghệ, thuê chuyên gia hoặc hợp đồng với tổ chức khoa học và công nghệ, chi đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ… Cơ hội để các doanh nghiệp mời nhà khoa học ở các trường, viện tới giải quyết vấn đề của doanh nghiệp, do đó cũng đã rất rõ ràng.
Việc thúc đẩy chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sáng chế hình thành từ ngân sách nhà nước còn phụ thuộc vào nhiều điều kiện, quy định khác như các quy định về đầu tư công, ngân sách nhà nước, quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, đơn vị hành chính, tổ chức sự nghiệp công lập, trách nhiệm pháp lý khi triển khai, cũng như các yếu tố của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong nước, chất lượng các nghiên cứu, sáng chế, khả năng tiếp tục phát triển cũng như hấp thụ công nghệ…
Khi hoạt động chuyển giao công nghệ thương mại hóa sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí càng phát triển, các doanh nghiệp càng có điều kiện nâng cao năng lực, áp dụng công nghệ mới và tạo ra những sản phẩm mới có sức cạnh tranh trên thị trường sẽ mang lại hệ quả kép là tăng lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước qua thuế thu nhập doanh nghiệp, cũng như các lợi ích về kinh tế, xã hội khác.
Việc tháo gỡ vướng mắc để những chính sách mới thực sự hữu ích được triển khai thì các doanh nghiệp với bản lĩnh và sự nhạy bén của mình sẽ có nhiều đầu tư đáng kể hơn nữa cho nguồn lực khoa học và công nghệ phát huy ngày càng hiệu quả, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Bảo Lâm