Tài chính xanh cho phát triển bền vững

Hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, Việt Nam cần xây dựng và triển khai toàn diện các định hướng, giải pháp tài chính xanh để đổi mới mô hình tăng trưởng.

Tài chính xanh cho phát triển bền vững
Dây chuyền sản xuất sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn tại nhà máy của An Phát Holdings. (Ảnh ĐAN THANH)

Thúc đẩy dòng vốn xanh là một trong những yếu tố quan trọng để hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh tại Việt Nam. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB) Việt Nam cần nguồn vốn đầu tư khoảng 370 tỷ USD để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng xanh, trong đó, vai trò đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân rất quan trọng.

Cơ hội rộng mở

Bức tranh khá toàn cảnh về huy động tài chính xanh trong bối cảnh hiện nay đã được nêu ra tại diễn đàn Hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh tại Việt Nam: Thúc đẩy dòng vốn xanh, do Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức mới đây.

Các chuyên gia nhận định, cơ hội cho tài chính xanh tại Việt Nam đang rộng mở với hành lang pháp lý cho tín dụng, cổ phiếu, trái phiếu xanh, quỹ đầu tư xanh đang dần được hoàn thiện. Thông tin của Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, đến hết tháng 6/2024, dư nợ tín dụng xanh đạt gần 680.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Từ năm 2019 đến tháng 6/2020, đã có khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh được phát hành với các đơn vị phát hành lớn nhất là Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVN Finance), BIDV… Từ năm 2016, Việt Nam từng bước thực hiện Sáng kiến Sở giao dịch chứng khoán bền vững và năm 2017 đưa vào vận hành Chỉ số phát triển bền vững của thị trường chứng khoán Việt Nam với 20 công ty niêm yết có điểm bền vững cao nhất trên Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE).

“Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 đã đặt mục tiêu phát triển các công cụ tài chính xanh, tài chính bền vững, là các trụ cột quan trọng trong việc xây dựng thị trường vốn xanh, bền vững, góp phần phát huy vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn cho các dự án năng lượng tái tạo, công nghệ sạch và các dự án bảo vệ môi trường khác…”, ông Tô Trần Hòa, Phó Vụ trưởng Phát triển thị trường, Ủy ban chứng khoán Nhà nước nói.

Ông Quan Đức Hoàng, thành viên HĐQT Công ty Quản lý quỹ Amber, Chủ tịch Quỹ đầu tư A+ nhận định, thị trường tài chính xanh tại Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, các quỹ đầu tư đều có bộ tiêu chí riêng, doanh nghiệp cần hiểu rõ tiêu chí xanh của lĩnh vực mình hoạt động, xác định rõ lộ trình phát triển, nhu cầu và tìm hiểu kỹ tiêu chí của mỗi quỹ để có thể hợp tác.

Xác định chính sách ưu tiên

Là doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi sang mô hình khu công nghiệp sinh thái, bà Diệp Thị Kim Hoàn, Giám đốc phát triển bền vững, Tổ hợp Khu công nghiệp Deep C cho biết, việc phát triển nguồn tài chính xanh có những thuận lợi nhất định. Qua đó, 19 doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Deep C đã đưa ra 137 giải pháp hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn, nhiều giải pháp cộng sinh công nghiệp…, đã và đang thu hút thành công các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu trong ngành ô-tô, điện tử, logistics.

Tuy nhiên, việc thiếu thông tin về các đơn vị cấp tín dụng xanh, chi phí tài chính thực tế như lãi suất, phí bảo lãnh, phí xử lý hồ sơ và chưa có tiêu chí cụ thể về dự án xanh đang là trở ngại đối với doanh nghiệp trong quá trình phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.

Theo các chuyên gia kinh tế, hệ thống pháp luật tài chính xanh của Việt Nam hiện nay chưa hoàn thiện và đồng bộ; chưa có quy định chung của quốc gia về tiêu chí, danh mục dự án xanh cho các ngành, lĩnh vực theo hệ thống phân ngành kinh tế, làm căn cứ để các tổ chức tín dụng xác định cấp tín dụng xanh. Về mặt chủ trương, các khách hàng thuộc đối tượng cấp vốn tín dụng xanh sẽ được ưu đãi về chính sách tín dụng, nhất là lãi suất nhưng trong thực tế chưa có văn bản quy định cụ thể về việc hỗ trợ ưu đãi lãi suất và thời hạn đối với khoản vay này. Bên cạnh đó, hệ thống thông tin tuyên truyền và sự hiểu biết về cổ phiếu xanh, trái phiếu xanh còn nhiều hạn chế.

Để thúc đẩy dòng vốn xanh, hướng tới tăng trưởng bền vững, ông Lê Hoàng Lân, Vụ Tài chính tiền tệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị, cần xây dựng định hướng cho doanh nghiệp các danh mục dự án xanh ưu tiên, ưu đãi theo lộ trình từ nay đến năm 2050. Chính phủ cần khuyến khích thúc đẩy môi trường thể chế pháp luật; xây dựng các nhóm ngành khuyến khích ưu đãi để huy động được nguồn lực từ khu vực kinh tế tư nhân và các tổ chức tín dụng tham gia vào tăng trưởng xanh.

Ông Lê Hoàng Lân cũng kiến nghị, đối với nhóm tín dụng xanh, cần sớm ban hành quy định, định nghĩa, tiêu chuẩn về các danh mục ngành, lĩnh vực xanh để có thể áp dụng chung, thống nhất trong cả nước. Đối với nhóm trái phiếu xanh, cần tăng cường minh bạch công bố thông tin của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh; có chính sách để nhà đầu tư có thể theo dõi nguồn vốn của mình trong dự án xanh thông qua việc đánh giá minh bạch, khách quan về các báo cáo sử dụng nguồn vốn từ trái phiếu xanh từ các tổ chức có chuyên môn.

Đề xuất một số giải pháp phát triển tài chính xanh phục vụ mục tiêu tăng trưởng xanh của Việt Nam: Gắn kết các chiến lược, kế hoạch phát triển xanh và tài chính xanh với quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội; Sớm ban hành Danh mục phân loại xanh; Có cơ chế, tiêu chí, phương thức đo lường/kiểm kê mức độ phát thải nhà kính của các lĩnh vực, ngành nghề, đối tượng khác nhau để có định hướng chính sách điều tiết; Ban hành chính sách định hướng thay đổi hành vi, đầu tư cơ sở hạ tầng xanh, khuyến khích đổi mới sáng tạo; Thu hút nguồn lực tư nhân tham gia đầu tư xanh; Hỗ trợ tài chính cho sản phẩm, dịch vụ xanh; Xây dựng hệ sinh thái tài chính xanh; Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tham gia quá trình xanh hóa; Xây dựng cơ sở thông tin, dữ liệu phục vụ dự báo, cảnh báo và quản lý rủi ro môi trường, biến đổi khí hậu…

TS CẤN VĂN LỰC Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích