Tài chính số: Cần chính sách và giải pháp phù hợp

Tài chính số: Cần chính sách và giải pháp phù hợp
Tài chính, một lĩnh vực tiên phong về ứng dụng công nghệ số. Ảnh minh họa

Tài chính số tại Việt Nam, cũng giống như các nước trên thế giới, do 3 làn sóng công nghệ chính góp phần hình thành nên hệ sinh thái. Đó là: Thanh toán kỹ thuật số; tài sản mã hóa; trí tuệ nhân tạo. Trong đó, các công nghệ thanh toán số tác động mạnh mẽ nhất và đang phát triển nhanh, còn tài sản mã hóa và trí tuệ nhân tạo, thì mới bước đầu tạo ra những thay đổi nhỏ trong hệ thống tài chính.

Công nghệ thanh toán như thanh toán thẻ không tiếp xúc, thanh toán trên các thiết bị di động và thương mại điện tử…, đã và đang thu hút sự quan tâm lớn của người tiêu dùng Việt Nam. Theo khảo sát, nghiên cứu của thạc sĩ Lưu Ánh Nguyệt – Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) về thanh toán số trong thời gian vừa qua, cho thấy: Có khoảng 82% người tiêu dùng Việt Nam cho biết, họ quan tâm đến phương thức thanh toán sinh trắc học; 81% cho biết quan tâm đến thanh toán thông qua ngân hàng số. Các trung gian cung cấp dịch vụ thanh toán số, đến nay cũng đã có 32 công ty được cấp phép hoạt động.

Đối với tài sản mã hóa, kể từ năm 2017, Việt Nam luôn nằm trong nhóm dẫn đầu thế giới về mức độ quan tâm. Hoạt động phổ biến nhất liên quan đến tài sản mã hóa tại Việt Nam là giao dịch thứ cấp trên các sàn giao dịch; các hoạt động khác như phát hành lần đầu tiền mã hóa (ICO), tài sản mã hóa chứng khoán (STO), máy bitcoin ATM, thanh toán bằng tài sản mã hóa…, thì vẫn chưa phổ biến.

Đối với trí tuệ nhân tạo, hiện đã và đang được một số ngân hàng ứng dụng vào phát triển ngân hàng số, nhưng mới chủ yếu ở khâu tư vấn dịch vụ, giải đáp thắc mắc của khách hàng, chưa thực hiện trong việc cung ứng các dịch vụ cốt lõi.

Thực tế cho thấy, các dịch vụ tài chính mới đã xuất hiện và đang ngày càng chiếm lĩnh thị trường tại Việt Nam. Trong đó, thanh toán số là mảng dịch vụ phát triển nhanh nhất, với loại hình ví điện tử chiếm tới 90% thị phần trung gian thanh toán cả về số lượng và giá trị giao dịch. Ví điện tử được thiết kế trên nền tảng công nghệ di động đơn giản, bảo mật nhiều lớp, bất kể ai sử dụng điện thoại thông minh hệ điều hành iOS hay Android cũng đều có thể tiếp cận và sử dụng ví điện tử. Ngoài ví điện tử, một số dịch vụ tài chính khác cũng đã xuất hiện dựa trên nền tảng số như cho vay ngang hàng, huy động vốn cộng đồng…

Tuy nhiên, thách thức đặt ra đối với hệ sinh thái tài chính số tại Việt Nam cũng khá nhiều. Dịch vụ tài chính số là lĩnh vực còn mới, nên hành lang pháp lý vẫn chưa đầy đủ, chưa theo kịp thực tiễn dẫn tới kìm hãm sự phát triển; công tác quản lý, giám sát hoạt động của các chủ thể trong hệ sinh thái tài chính số còn nhiều hạn chế. Môi trường pháp lý là một trong những yếu tố tác động trực tiếp tới phát triển hệ sinh thái tài chính số. Khung khổ pháp lý đối với dịch vụ tài chính nói chung, tài chính số nói riêng, nhất là lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt, đã và đang dần được hoàn thiện; việc quản lý các dịch vụ công nghệ tài chính (fintech) cũng từng bước được điều chỉnh theo hướng khuyến khích, tạo điều kiện cho phát triển. Nhưng theo bà Lưu Ánh Nguyệt, môi trường pháp lý đối với hệ sinh thái tài chính số tại Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều lỗ hổng, nhất là đối với các loại hình dịch vụ tài chính số mới ra đời. Ví dụ như đối với tài sản mã hóa, đến nay vẫn chưa có khuôn khổ pháp lý chính thức để quản lý…

Hoạt động cung cấp dịch vụ tài chính số cũng gặp nhiều thách thức, khi mà khách hàng ngày càng kỳ vọng cao và khắt khe về tính ưu việt của các sản phẩm, dịch vụ theo hướng cá nhân hóa, nhanh hơn, thuận tiện, an toàn hơn.

Bên cạnh đó là vấn đề bảo vệ người tiêu dùng khi rủi ro mất an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu rất cao. Trong khi đó, công tác đảm bảo an ninh và an toàn thông tin mạng tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế phải khắc phục. Ngoài ra, sự liên kết, hợp tác giữa các chủ thể chính trong hệ sinh thái tài chính số (Chính phủ, ngân hàng, bảo hiểm, môi giới chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm…, các công ty công nghệ tài chính fintech và khách hàng) trong cả khâu phát triển lẫn an toàn thông tin, bảo mật còn thiếu chặt chẽ.

Chia sẽ tại Hội thảo khoa học quốc gia về Phát triền dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm trong bối cảnh mới, diễn ra ngày 12/10/2021, do Trường Đại học Thương mại, phối hợp với Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) tổ chức, bà Lưu Ánh Nguyệt, cho rằng: Cần phải hoàn thiện khung khổ pháp lý cho các loại hình dịch vụ tài chính số (tài sản mã hóa, cho vay ngang hàng, huy động vốn cộng đồng trên nền tảng số hóa, bảo hiểm số, quản lý tài sản…); tăng cường hợp tác giữa các chủ thể trong hệ sinh thái để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ (đặc biệt là công nghệ sổ cái phân tán, trí tuệ nhân tạo…) vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng; phát triển nguồn nhân lực đáp ứng xu thế bùng nổ về công nghệ và các dịch vụ tài chính số trong bối cảnh nền kinh tế số, xã hội số.

Copy Link

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích