Tái chế rác thải nhựa được cho là điều ‘hoang đường’
Tái chế nhựa không phải là quá trình đơn giản, nhưng một báo cáo mới đã chỉ ra thực tế nghiệt ngã của tình hình này. Nghiên cứu được thực hiện bởi Greenpeace đã xem xét hoạt động tại một loạt cơ sở chế biến trên khắp Hoa Kỳ và phát hiện ra rằng phần lớn rác thải nhựa do các hộ gia đình thải ra được chôn ở bãi chôn lấp, chỉ khoảng 5% trong số đó thực sự được tái chế.
Báo cáo được công bố là phần tiếp theo của một báo cáo khác do Greenpeace thực hiện đã khảo sát tỷ lệ tái chế nhựa ở Hoa Kỳ. Báo cáo năm 2020 đã xem xét các loại nhựa được chấp nhận tại khoảng 370 nhà máy tái chế trên khắp nước Mỹ và chỉ thấy một số loại nhựa thông thường có thể được tái chế hợp pháp và nhiều loại nhựa có thể thu gom từ lề đường để tái chế nhưng thay vào đó sẽ được đưa đến bãi rác hoặc đốt.
Báo cáo mới một lần nữa nhấn mạnh những thách thức trong việc tái chế chất thải nhựa mà các hộ gia đình Hoa Kỳ đã tạo ra khoảng 51 triệu tấn vào năm 2021. Báo cáo chỉ ra khó khăn trong tất cả công đoạn tái chế rác thải nhựa như phân loại chính xác các loại rác khác nhau để tái chế và thị trường mờ nhạt đối với các sản phẩm nhựa tái chế mà quá trình này sản xuất ra.
Theo Greenpeace, những yếu tố này kết hợp lại khiến cho việc tái chế trở thành quá trình hành động không cần thiết khi nói đến việc giảm thiểu rác thải nhựa. Nó đưa tỷ lệ tái chế ở Hoa Kỳ là 9,5% vào năm 2014, giảm dần xuống 8,7% vào năm 2018 và xuống mức thấp là 5 – 6% vào năm 2021. Vậy là trong số 51 triệu tấn chất thải ước tính được tạo ra bởi các ngôi nhà ở Hoa Kỳ vào năm ngoái, chỉ 2,4 triệu tấn được tái chế.
Lisa Ramsden – Nhà vận động Nhựa cấp cao của Greenpeace Hoa Kỳ cho biết: “Nhựa dùng một lần giống như hàng nghìn tỷ mảnh hoa giấy được phun ra từ các cửa hàng bán lẻ và thức ăn nhanh cho hơn 330 triệu cư dân Hoa Kỳ trên diện tích hơn 3 triệu dặm vuông mỗi năm”.
“Đơn giản là không thể thu thập số lượng lớn những mảnh nhựa nhỏ này được bán cho người tiêu dùng Hoa Kỳ hàng năm. Nhiều nhựa hơn đang được sản xuất và một tỷ lệ nhỏ hơn nữa trong số đó đang được tái chế. Cuộc khủng hoảng ngày càng trở nên tồi tệ hơn và nếu không có sự thay đổi mạnh mẽ, thảm kịch sẽ xảy ra khi ngành công nghiệp có kế hoạch tăng gấp ba lần sản lượng nhựa vào năm 2050”.
Khi rác thải nhựa tiếp tục gây ô nhiễm môi trường và các nhà khoa học tiếp tục khám phá ra mức độ của thảm họa, nhiều chuyên gia coi việc giải quyết vấn đề tại nguồn là cách tiếp cận lý tưởng. Trong khi nhựa sinh học phân hủy một cách an toàn tiếp tục cho thấy nhiều hứa hẹn thì các lựa chọn thay thế có thể tái sử dụng lại là hướng đi tốt nhất. Mô tả khái niệm tái chế nhựa là “một huyền thoại”, Greenpeace cũng có quan điểm tương tự.
Ramsden cho biết: “Các tập đoàn như Coca-Cola, PepsiCo, Nestlé và Unilever đã làm việc với các nhóm đầu ngành để thúc đẩy tái chế nhựa như một giải pháp cho rác thải nhựa trong nhiều thập kỷ. Nhưng dữ liệu rất rõ ràng: thực tế mà nói, hầu hết nhựa không thể tái chế được. Giải pháp thực sự là chuyển sang hệ thống tái sử dụng và nạp lại”.
Thực trạng rác thải nhựa ở Việt Nam
Theo số liệu thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, 0,28 triệu đến 0,73 triệu tấn trong số đó bị thải ra biển – nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp.
Điều đáng nói là việc xử lý và tái chế rác thải nhựa còn nhiều hạn chế khi có đến 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt và chỉ có 10% còn lại là được tái chế.
Việt Nam đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ rác thải nhựa. Năm 2014 khoảng 1,8 triệu tấn/năm, năm 2016 khoảng 2,0 triệu tấn/năm và hiện nay khoảng 3,27 triệu tấn/năm được tạo ra. Khối lượng rác thải nhựa đổ ra biển mỗi năm khoảng 0,28 – 0,73 triệu tấn/năm (chiếm gần 6% tổng lượng rác thải nhựa xả ra biển của thế giới). Tại Việt Nam, bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1kg túi nilon/tháng, riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa và túi nilon.
Phân loại, thu hồi, tái chế và xử lý rác thải nhựa còn hạn chế. Lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam chiếm khoảng 8-12% chất thải rắn sinh hoạt. Nhưng chỉ có khoảng 11-12 % số lượng chất thải nhựa, túi nilon được xử lý, tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường. Đây có thể dẫn đến thảm họa môi trường, đặc biệt ô nhiễm đại dương. Đặc biệt, trong rác thải y tế có khoảng 5% là rác thải nhựa. Mỗi ngày, có khoảng 22 tấn chất thải nhựa được thải ra từ các hoạt động y tế, trong số đó lẫn với rác thải nguy hại (thuốc , hóa chất..). Thu gom, tái chế và chôn lấp loại rác thải nhựa này đều ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng và ô nhiễm môi trường.
Để khắc phục vấn đề rác thải nhựa tại Việt nam, cần có lộ trình, giải pháp thu hút đầu tư và công nghệ giảm thiểu, phân loại tại nguồn, tăng cường khả năng tái sử dụng, tái chế các thành phần rác thải nhựa, sử dụng vật liệu thay thế túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần; công nghệ tái chế rác thải túi nilon, rác thải nhựa.
Giải pháp về nhựa tái chế dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế
Những lời kêu gọi về một nền kinh tế tuần hoàn bao gồm đề xuất cải thiện tiêu chuẩn về vấn đề từ khả năng tái chế, hàm lượng tái chế của nhựa đến khả năng phân hủy sinh học và khả năng tái sử dụng. Tiến sĩ Ilzhöfer – Nhà phát triển các Tiêu chuẩn Quốc tế chỉ ra nhiều tiêu chuẩn ISO đã thúc đẩy tính bền vững trong nhựa như: ISO 15270: 2008, Nhựa – Hướng dẫn thu hồi và tái chế chất thải nhựa, là một ví dụ. Tiêu chuẩn này đặt ra khuôn khổ cho việc phát triển tiêu chuẩn và thông số kỹ thuật về thu hồi chất thải nhựa, bao gồm cả tái chế – một cách để khép lại vòng lặp.
Ông Ilzhöfer và đồng nghiệp trong các nhóm làm việc của ISO cũng hướng tới việc phát triển tiêu chuẩn để thúc đẩy quá trình phát triển và sử dụng nhựa bền vững. Để tăng tỷ lệ tái chế, cần cải thiện việc thu gom và phân loại nhựa, do đó, việc xác định nhựa trong sản phẩm đến các thị trường phế thải.
Những tiêu chuẩn trong lĩnh vực thiết kế cho giải pháp tái chế, theo dõi dấu vết và quản lý chất thải là cơ sở cho một giai đoạn tái chế hiệu quả về mặt sinh thái và kinh tế. Ngoài ra, Ilzhöfer cũng chắc chắn rằng việc tiêu chuẩn hóa các nguyên liệu thô làm từ chất thải cho công nghệ tái chế khác nhau sẽ ngay lập tức hỗ trợ sự phát triển thị trường toàn cầu để tăng tỷ lệ tái chế.
“Kể từ tiêu chuẩn thu hồi và tái chế đầu tiên vào năm 2008, các quy trình tái chế hóa chất mới, hiệu quả hơn đã được phát triển. Từ đây trở đi, việc tiêu chuẩn hóa hơn nữa sẽ hỗ trợ thực hiện các cơ sở tái chế trên toàn cầu để tăng tỷ lệ tái chế nhựa”, ông Ilzhöfer kết luận.
Khuyến cáo của chuyên gia với nhựa tái chế để đảm bảo an toàn sức khỏe người dùng và môi trường
Nhu cầu sử dụng đồ nhựa của con người ngày càng cao. Do vậy mà các loại vật dụng bằng nhựa ngày càng đa dạng và tiện dụng hơn. Tuy nhiên, để sử dụng đồ nhựa một cách an toàn cần lưu ý những điều dưới đây.
Không nên sử dụng các loại đồ nhựa để đựng thực phẩm nóng. Thay đó, chỉ nên sử dụng đồ nhựa để chứa các loại thực phẩm đã nguội. Bởi dù là loại nhựa có khả năng chịu nhiệt cao đi chăng nữa thì vẫn có khả năng một số chất độc hại nhiễm sang thực phẩm của bạn.
Không nên dùng hộp nhựa chứa đồ ăn rồi đem vào lò vi sóng. Vì trong quá trình hâm nóng thức ăn chất độc từ nhựa cũng có thể nhiễm sang đồ ăn của bạn. Thay vào đó, hãy đặt đồ ăn vào các khay thuỷ tinh hoặc sứ rồi bỏ vào lò vi sóng hâm nóng lại.
Sử dụng nhựa tái chế làm giảm thiểu lượng rác thải nhựa thải ra môi trường tự nhiên. Điều này cũng giúp tiết kiệm chi phí và năng lượng tiêu phí khi sản xuất nhựa. Đừng quên những điều cần lưu ý khi sử dụng đồ dùng bằng nhựa để đảm bảo an toàn cho sức khoẻ của chính bạn và gia đình bạn.
Minh Hằng (theo New Atlas)