Tái chế phế thải xây dựng: Để không lãng phí ”tài nguyên”

Tái chế phế thải xây dựng: Để không lãng phí ”tài nguyên”

Từ 8.000 đến 10.000 tấn chất thải rắn xây dựng phát sinh mỗi ngày trên địa bàn TP Hà Nội đang gây áp lực không nhỏ lên công tác quản lý, cũng như tác động tiêu cực đến môi trường.

Mặt khác, với yêu cầu cấp thiết sử dụng vật liệu xây dựng mới, vật liệu tái chế, nguồn chất thải rắn xây dựng cũng chính là “tài nguyên” cần nhanh chóng được ứng dụng các công nghệ để tái sử dụng.

Tái chế phế thải xây dựng: Để không lãng phí ''tài nguyên''
Dây chuyền tái chế chất thải xây dựng của Công ty CP Dịch vụ sản xuất Toàn Cầu (quận Hoàng Mai).

Phế thải nhiều, tái chế còn gặp khó

Tất cả các hoạt động như xây mới, cải tạo, phá dỡ các tòa nhà và công trình tạo ra một lượng lớn phế thải. Chuyên viên Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) Lương Văn Hùng trích dẫn Báo cáo môi trường quốc gia về quản lý chất thải rắn, do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành, cho thấy tổng lượng chất thải rắn đô thị trên toàn quốc phát sinh trung bình khoảng 60.000 tấn/ngày, trong đó phế thải xây dựng chiếm khoảng 10% – 12%. Riêng tại Hà Nội, qua số liệu điều tra và khảo sát của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, mỗi ngày phát sinh từ 8.000 đến 10.000 tấn chất thải rắn xây dựng.

“Đây là khối lượng lớn, gây ra áp lực lên việc quản lý cũng như tác động tiêu cực đến môi trường. Trong khi đó, phương pháp xử lý phổ biến nhất hiện nay là chôn lấp”, PGS.TS Nguyễn Hoàng Giang, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng nêu.

Theo đại diện Viện Khoa học công nghệ và kinh tế xây dựng Hà Nội (Sở Xây dựng Hà Nội), TP đã có chủ trương thúc đẩy tái chế chất thải xây dựng và đầu tư một số điểm tập kết, nghiền phế thải xây dựng. Một số dây chuyền tái chế phế thải xây dựng được nhập khẩu từ Áo, Đức. Hà Nội cũng đã thí điểm dây chuyền nghiền nhỏ phế thải xây dựng, tái sử dụng làm vật liệu nền móng tại công trường thi công đường Vành đai 3, đoạn Mai Dịch – Nam Thăng Long. Tuy nhiên, việc thí điểm cũng như ứng dụng các sản phẩm tái chế phế thải phá dỡ công trình vào thực tế đang gặp một số khó khăn do chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý cũng như tiêu chuẩn kỹ thuật cho việc sử dụng.

Thúc đẩy xử lý chất thải rắn xây dựng

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội – Võ Nguyên Phong cho biết, nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng của thành phố rất lớn, chiếm khoảng 15% nhu cầu cả nước. Giai đoạn hiện nay, thành phố đang triển khai nhiều dự án đầu tư xây dựng các khu đô thị, khu nhà ở, dự án đường giao thông, trong đó có dự án trọng điểm quốc gia đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô. Các dự án này cần một số loại vật liệu với khối lượng rất lớn.

Trong khi đó, Hà Nội là thành phố có ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng không quá phát triển. Một trong những khó khăn đó là không có nguồn nguyên liệu hoặc không có điều kiện khai thác. Thành phố cũng chưa thể chủ động đủ nguồn cung tại chỗ, đặc biệt là các loại vật liệu rời, như đá xây dựng, đất đắp, cát san lấp nên phải vận chuyển từ các tỉnh lân cận. Vì vậy, về lâu dài, các loại vật liệu xây dựng mới, vật liệu tái chế, sử dụng phế thải xây dựng đã được ưu tiên đầu tư trong định hướng phát triển vật liệu xây dựng của TP.

Sở Xây dựng cũng chủ động, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, UBND các địa phương tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển sản xuất các chủng loại vật liệu xây dựng mới tiên tiến, vật liệu thay thế vật liệu truyền thống, giảm được ô nhiễm môi trường, bảo đảm hiệu quả kinh tế – xã hội.

PGS.TS Nguyễn Hoàng Giang, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, cho rằng, Hà Nội có thuận lợi lớn vì trên địa bàn tập trung nhiều cơ sở khoa học sẵn sàng nghiên cứu và triển khai tái chế phế thải xây dựng thành vật liệu. Trường Đại học Xây dựng Hà Nội phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cùng các đối tác Nhật Bản nghiên cứu xử lý, tái chế chất thải rắn xây dựng trên địa bàn gần 10 năm qua. Các đơn vị cũng đã đề xuất một số cơ chế quản lý, công nghệ phù hợp có thể đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và ứng dụng trong thực tiễn

Trước mắt, các ngành chức năng cần xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về tái chế chất thải trong đó có phế thải xây dựng, hình thành thị trường chất thải có thể tái chế, tái sử dụng; đồng thời xây dựng luật tái chế chất thải, các cơ chế chính sách khuyến khích việc tái chế, tái sử dụng chất thải…

Đặc biệt, theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Giang, thành phố cần có những chính sách hỗ trợ, thúc đẩy để thu hút sự tham gia của doanh nghiệp bởi các doanh nghiệp sẽ là những đơn vị trực tiếp tham gia, thu gom, phân loại, tái chế. Vật liệu tái chế được coi là nguồn tài nguyên, đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp. Từ đó, doanh nghiệp tiếp tục đầu tư vào công nghệ và nhân lực để có hướng phát triển bền vững, vừa tránh lãng phí nguồn tài nguyên này, vừa góp phần bảo vệ môi trường.

Đại diện các cơ quan quản lý, chuyên gia, nhà khoa học cùng kiến nghị, UBND thành phố Hà Nội cần tiếp tục chủ động phối hợp và huy động mọi nguồn lực thúc đẩy xử lý chất thải rắn từ phá dỡ các công trình xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu vật liệu thay thế trên địa bàn.

tm-img-alt

Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) Lê Trung Thành

Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) Lê Trung Thành: Phổ biến, nhân rộng các mô hình thí điểm

Tôi cho rằng, Hà Nội đã rất chủ động xây dựng, hoàn thiện các chiến lược phát triển vật liệu xây dựng; các chương trình vật liệu xây không nung… Tuy nhiên, TP cần sớm phổ biến, nhân rộng các mô hình thí điểm tái chế, tái sử dụng vật liệu, để các doanh nghiệp và nhà khoa học cùng tham gia.

Một số chủ đầu tư, nhà thầu còn chưa áp dụng mạnh mẽ. Nguyên nhân chính xuất phát từ thiếu và yếu về nguồn nhân lực. Các kỹ sư xây dựng, nhà tư vấn phải tìm hiểu, áp dụng cơ chế, chính sách của TP Hà Nội và sản phẩm của các nhà khoa học để đưa vào thực tiễn.

Các vật liệu mới, vật liệu tái chế có những tính năng, kỹ thuật mới, chỉ phù hợp với một số khu vực của công trình, nên phải có công trình thí điểm, đưa vào từ móng, từ vật liệu xây hay vật liệu bao che, vật liệu mái… Thực tế này đòi hỏi đội ngũ kỹ thuật tư vấn, chủ đầu tư phải cập nhật, nâng cao trình độ, tiếp cận cơ chế, chính sách của thành phố và Trung ương.

tm-img-alt

Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam Phạm Văn Bắc

Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam Phạm Văn Bắc: Thực hiện không khó, cần quyết tâm làm

Hà Nội có nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng chỉ đứng sau TP.HCM. Hà Nội không phải là nơi sản xuất vật liệu để tự cung, tự cấp, mà là nơi sử dụng vật liệu. Định hướng này đã có từ lâu. Thủ đô đang thiếu hầu hết chủng loại vật liệu xây dựng. Trong khi đó, lượng phế thải xây dựng từ việc đập bỏ các công trình cũ rất lớn. Thành phố lại chưa có cơ chế, chính sách hay phương pháp nào để tập trung thu gom, tái chế, tái sử dụng.

Hà Nội hoàn toàn có thể làm được việc này bởi thành phố có khu vực hai bên sông Hồng rất rộng. Một số khu vực có thể quy hoạch trong khoảng thời gian nhất định để làm bãi chứa phế thải xây dựng. Từ đó, các đơn vị có thể phân loại, tái chế thành cát xây dựng, vật liệu san lấp. Tái chế phế thải xây dựng không khó thực hiện, mà cần quyết tâm, tư duy và cách thức tổ chức đúng đắn. Thành phố cần xây dựng cơ chế, tạo hành lang pháp lý trong quản lý, thu gom và tái chế phế thải xây dựng.

tm-img-alt
Đại diện Công ty CP Xây dựng và cơ điện AA Lê Minh Khuê

Đại diện Công ty CP Xây dựng và cơ điện AA Lê Minh Khuê: Mong được hỗ trợ để kết nối giao thương

Sản phẩm nhựa kính cường lực (AAS – UV) polycarbonate do công ty sản xuất là sản phẩm mới trên thị trường. Trong vòng 5-10 năm, sản phẩm đã được người tiêu dùng tin tưởng, sử dụng, đặc biệt trong các công trình dân sinh, trường học, bởi các đặc tính của sản phẩm là chống ồn, chịu nhiệt, co giãn, chịu kéo, chịu nén, chịu lực rất tốt và chống tia UV. Đặc biệt, sản phẩm này còn có thể tái chế thành sản phẩm khác.

Chúng tôi mong muốn được thành phố, các sở, ngành hỗ trợ về truyền thông, tạo cơ hội được tham gia hội chợ, triển lãm để tăng khả năng kết nối giao thương. Đơn vị cũng mong muốn thành phố, Sở Xây dựng Hà Nội có hướng dẫn chi tiết hơn về sử dụng vật liệu mới, vật liệu tái chế; giúp doanh nghiệp đưa thông tin, sản phẩm đến các dự án, công trình trọng điểm của thành phố như các dự án dân dụng, trường học, chung cư, công trình thể dục thể thao. Chúng tôi ý thức, chính quyền TP luôn là cầu nối quan trọng giúp doanh nghiệp kết nối trong và ngoài nước.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích