Xóa đói, giảm nghèo… Hiệu quả từ một chủ trương

(TN&MT) – Tấc đất, tấc vàng!. Tự bao đời nay, đồng bào các dân tộc thiểu số ở Mường Ảng (Điện Biên) đều sống nhờ vào đất. Đất là công cụ để làm ra của cải vật chất nuôi sống, giúp người dân xóa đói giảm nghèo.

Đất nay… không phụ công người

Qua câu chuyện kể ngắn ngủi của người đàn ông Mông, tên Mùa Súa Tòng ở bản Co Hắm, xã Ẳng Nưa (huyện Mường Ảng, Điện Biên) có thế thấy, họ đã yêu đất bằng chính nỗi vất vả nhọc nhằn trong quá trình hình thành bản quán.

Anh trần tình trong câu nói: “Người Mông mình sống cũng nhờ đất mà chết cũng nhờ đất…”. Đối với người nông dân, đất là công cụ để làm ra của cải vật chất nuôi sống người. Trẻ nhỏ được đến trường, người già được quan tâm chăm sóc, xóa cái đói, giảm cái nghèo…

Anh kể lại câu chuyện gieo ngô, trỉa hạt trên triền đất dốc sỏi ruồi bằng chính kinh nghiệm của đời anh. Đời của người nông dân vất vả nhọc nhằn, từ lúc làm đất trỉa hạt cho đến lúc bưng bát cơm trên tay có biết bao mồ hôi và công sức. Thế rồi hạt lúa theo người Mông về nhà rất ít, phụ thuộc vào ông trời làm mưa… Năm nào mưa thuận gió hòa thì đủ gạo ăn, nếu hạn hán là mất mùa năm đó. “Đám nương trước mặt mình trước đây mỗi vụ cho 6, 7 bao thóc, giờ thì chỉ được 2 bao. Có vụ còn không được, con chim Nôộc Pít nó ăn hết hạt giống của mình. Hạt ngô vùi trong đất nó cũng moi lên. Cây cối trong rừng chặt hết làm nương, quả chín không còn. 

Xưa khe suối đầu bản có nước về quanh năm. Là nơi tắm mát cho đồng ruộng và trẻ con, người già trong bản. Người Mông bản Co Hắm còn đặt máy điện nước phát sáng hằng đêm. Nay, suối trơ đáy, khô nỏ, các tuốc – bin nằm yên như một sự giã từ hoạt động. Người dân hoang mang nhẩm tính những vụ mùa thất bát bủa vây vì mất đi một phần năng lượng từ suối. Đất xua con suối đi đâu hay tại con người đã phá tan rừng. Nên, một ngày nhận ra sự phụ bạc với mùa màng là tất yếu.

ngoai-trong-ca-phe-nguoi-dan-muong-ang-con-phat-trien-vuon-cay-an-qua-co-mui.jpg

Ngoài trồng cà phê người dân Mường Ảng còn phát triển vườn cây ăn quả có múi.

Người Mông biết, người Thái biết… tất thảy đồng bào đều biết. Để giữ nước về cho bản, nhiều năm nay người dân bản Co Hắm nói riêng và đồng bào các dân tộc huyện Mường Ảng nói chung đã cùng chính quyền chung tay giữ rừng… cũng là giữ nước. Có nước là đồng bào no ấm, mùa màng, cây cối tốt tươi không lo gì cây lúa không lên, không lo gì trồng cây không ra quả. Lẽ đó mà họ đã trồng rừng giữ nước, họ giảm nghèo là có thật.

Súa Tòng kể: Cũng có một dạo, thanh niên Co Hắm bỏ bản về tận xuôi làm thuê cho các khu công nghiệp. Đi lâu lắm.! Mỗi lần đi phải đến cả năm, ít cùng là 6 tháng mới được về thăm nhà. Về được vài ngày người ta gọi lại đi luôn. Cứ như thế… Những kinh tế các hộ gia đình đó cũng đỡ hơn, nhưng ra vào chỉ người già và trẻ nhỏ. Những ngày cúng bản cần đến thanh niên trai tráng chẳng còn ai. Mình buồn… tim như có hòn đá nặng đè vào. Và chính mình là người tiên phong bỏ việc miền xuôi về trồng cây trên đất của nhà mình. Toàn bộ diện tích hơn 2ha cây cà phê trước bị bỏ hoang mình về chăm sóc lại.

Năm 2021 cà phê trúng vụ được mùa, được giá dao động từ 10.000đ – 12.000đ/kg quả tươi. Mỗi 01ha cà phê cho thu hoạch từ 17 – 20 tấn quả tươi. Năm nay cà phê mất mùa nhưng giá cao ngất 15.000đ – 17.000đ/kg. Đặc biệt là đơn vị thu mua là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu cà phê Việt Bắc cam kết với huyện sẽ thu mua 3 vụ liên tiếp với giá cà phê tươi thấp nhất là 10.000đ/kg, nếu cà phê xuống thấp hơn vẫn thu mua giá 10.000đ/kg quả tươi, còn nếu thị trường cao hơn thì công ty sẽ điều chỉnh giá. Mình yên tâm quá. Và từ đấy mình cũng thấy một điều, nếu mình thật sự yêu đất thì đất sẽ không phụ công người. – Súa Tòng nói trong niềm vui phấn khích.

Cây cà phê Mường Ảng đã có từ đời ông, đời bố của Mùa Súa Tòng. Người dân ở đây tay làm hàm nhai. Vỡ hoang đất là niềm vui của đời cha thì hái quả là niềm hãnh diện của đời con. Sự kế tiếp của phù sa lao động không chỉ là sức lực đổ mồ hôi, không chỉ là tình yêu đất của người Mông mà hình thành thói quen giữ đất. Họ đã biết yêu đất từ chính nỗi vất vả nhọc nhằn để thoát khỏi cái nghèo, bám trụ lại quê hương.

Chủ trương đúng… cách làm trúng

Từ bao đời nay, đồng bào vùng cao Tây Bắc nói chung, người Mường Ảng nói riêng đều sống nhờ vào đất. Và cả những người không phải là nông dân cũng sống nhờ vào đất.

Bản Co Hắm, xã Ẳng Nưa có 126 hộ, 499 nhân khẩu, gồm 2 dân tộc Thái và H Mông sinh sống, diện tích cây cà phê có khoảng 160ha, lúa nước 19ha và khoảng 8ha cây ăn quả. Tỷ lệ hộ nghèo của bản đã giảm còn 0,6%. Đó là con số ước mơ của rất nhiều bản Mông, bản Thái ở Điện Biên.

Nhưng để có được sự no ấm, xóa đói, giảm nghèo ở vùng đồng bào DTTS ngoài việc yêu đất của đồng bào, gắn bó với đất của đồng bào thì cần có một hướng đi đúng đắn, một định hướng dài hơi của các cấp chính quyền sở tại. Đặc biệt đối với những người đứng đầu cấp ủy, những người ngồi trên ghế trách nhiệm biết gỡ khó thay vì chỉ biết kêu khó… để giúp dân.

Được biết năm 2012, có 254 hộ dân Mường Ảng góp đất cho Công ty CP Cà phê Thái Hòa Mường Ảng nhưng đổ bể, Công ty vướng vào nợ nần mang đất của dân đi cầm cố ngân hàng.

Theo Bí thư Huyện ủy Mường Ảng Nguyễn Tiến Đạt, trước thực trạng đó, chúng tôi phải cử cán bộ chuyên môn xuống các bản, các xã vào từng hộ tuyên truyền người dân không phản ứng tiêu cực mà phá bỏ vườn cà phê. Vì rất nhiều đời nay cây cà phê gắn bó với đồng bào Mường Ảng. Không đơn thuần chỉ là thương hiệu, sản phẩm đặc trưng của huyện mà đó còn là tình cảm của biết bao thế hệ người Mường Ảng đã gắn bó. Và tôi nhận định: cà phê chưa bao giờ mặt hàng không được đón nhận chỉ rẻ hay đắt thôi. Để bảo vệ diện tích cà phê còn lại, huyện đã đưa vào trong Nghị quyết Đảng bộ huyện Mường Ảng khóa XXIII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, giao cho từng chi bộ, cơ sở đảng cùng người dân giữ gìn và phát triển diện tích cà phê.

nguoi-dan-muong-ang-lam-co-vuon-ca-phe-bang-phuong-thuc-doi-cong(2).jpg
Người dân Mường Ảng làm cỏ vườn cà phê bằng phương thức đổi công

“Tôi nói: Đây là vấn đề an sinh của đồng bào các dân tộc cả một huyện, nên mọi chủ trương cần phải cân nhắc kỹ, phân tích thiệt hơn và điều quan trọng là biết nhẫn nại chờ thời cơ. Giả sử, vườn cà phê bị phá bỏ hoàn toàn, trồng cây khác chưa chắc đã có đầu ra bền vững ổn định như cà phê mà giá cả thị trường thì rất khó nói… Từ những cơ sở đó mà chúng tôi bàn bạc thống nhất đưa diện tích cà phê còn lại hơn 2.000ha của huyện vào Nghị quyết để thống nhất đồng lòng giữ vững và phát triển thương hiệu cà phê Mường Ảng trong tương lai.” – Người đứng đầu Mường Ảng, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Tiến Đạt, chia sẻ.

Đến nay, cây cà phê của huyện Mường Ảng vẫn là cây xóa đói, giảm nghèo của người dân. Hiện, Mường Ảng đã xây dựng Khu công nghiệp với diện tích 15ha, trong đó có Nhà máy chế biến cà phê của Công ty TNHH XNK Cà phê Việt Bắc đang hoạt động, công suất 250 tấn/ngày đêm. Và Công ty này xin chủ trương mở rộng diện tích trồng mới thêm 3.000ha cà phê để đáp ứng vùng nguyên liệu phục vụ cho nhà máy của Công ty.

Năm 2021, chúng tôi ký kết với Công ty TNHH XNK Cà phê Việt Bắc, phía Công ty sẽ cam kết thu mua cà phê cho bà con với giá 10.000đ/kg quả tươi, liên tiếp trong 3 năm liền.

Ông Đạt hồ hởi chia sẻ, hiện diện tích cây cà phê của toàn huyện Mường Ảng có khoảng hơn 2.000ha, nếu không mất mùa, ước sản lượng thu hoạch năm nay khoảng 22.000 tấn quả, nhân lên với đơn giá đã ký cam kết với Cty TNHH XNK Việt Bắc thì vụ cà phê năm 2023 người dân Mường Ảng thu về khoảng 300 tỷ đồng. Trong đó, tiền công hái mỗi kilôgam cà phê dao động từ 2.500 đồng đến 3.000 đồng, riêng tiền công hái khoảng 60 tỷ đồng; chưa tính đến việc mỗi 1ha cà phê chủ vườn phải thuê mất 30 công làm cỏ, tỉa cành… mỗi ngày công lao động từ 150.000 đồng – 200.000 đồng, giải quyết rất nhiều công ăn việc làm cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở Mường Ảng nói chung và Điện Biên nói riêng. Đây là bài toán xóa đói, giảm nghèo của huyện thiết thực, hiệu quả nhất tại thời điểm bây giờ.

a1.jpg

Huyện Mường Ảng phấn đấu trở thanh vùng chuyên canh cây ăn quả

Như vậy, sau 3 năm nữa người dân Mường Ảng không phải lo đầu ra cho quả cà phê, với giá 10.000 đồng/kg quả tươi và sẽ được điều chỉnh nếu giá thị trường tăng cao, nhưng không thấp hơn giá 10.000 đồng/kg.

Đây là một trong những lợi ích xã hội mà cây cà phê Mường Ảng mang lại cho cộng đồng xã hội rất lớn. Nên việc chính quyền huyện Mường Ảng quyết tâm giữ lại vườn cà phê, không cho người dân chặt phá, phát triển cây cà phê thành cây công nghiệp mũi nhọn địa phương. Đồng thời, địa phương thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy trên địa bàn với những chính sách ưu đãi đi kèm như: 7 năm công ty không phải trả tiền thuê đất là một quyết định sáng suốt của nhiệm kỳ này. Đây là đòn bẩy tạo bước chuyển biến tích cực để đạt được các chỉ tiêu kinh tế, chính sách an sinh cho đồng bào các dân tộc Mường Ảng mà Nghị quyết Đảng bộ huyện đã đề ra.

Bạn cũng có thể thích