Xâm nhập mặn bủa vây Đồng bằng Sông Cửu Long

Ngày 4/2, thông tin từ Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long cho biết, tỉnh đã ghi nhận độ mặn 4,4 ‰, được đo từ 1h đến 7h sáng ngày 3/2, tại cống Nàng Âm, xã Trung Thành Đông, huyện Vũng Liêm.

Để đảm bảo ngăn mặn và phục vụ sản xuất, ngành nông nghiệp huyện Vũng Liêm đã gửi thông báo, đề nghị các đơn vị liên quan đóng cống ngăn mặn ngày 3/2 và ngày 5/2.

Cũng trên địa bàn Vĩnh Long, độ mặn đo được tại các trạm cũng có xu hướng tăng. Cụ thể trạm Tích Thiện 2,3‰, Qưới An 2‰; Trà Ôn 0,5‰; Ngã Tư 1,3‰ và giáp TP Vĩnh Long là trạm vàm Cái Muối và Đồng Phú 0,1‰.

Hiện ĐBSCL đang bước vào mùa khô, người dân luôn lo lắng vì xâm nhập mặn. Mùa nước mặn lên, là thời kỳ nông dân ở các cù lao, ven sông Cổ Chiên, sông Hậu, sông Tiền gặp vất vả.

Nhất là dân ở cù lao Dài, Thanh Long (huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long), cù lao Mây (xã Lục Sĩ Thành và Phú Thành, huyện Trà Ôn), cù lao Minh (các xã thuộc huyện Long Hồ). Mùa này, người dân lo thu hoạch trái cây, rau màu chạy mặn, lo trữ nước đề phòng thiếu nước ngọt.

Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam dự báo, dòng chảy về Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ giảm nhanh ở các tháng đầu mùa kiệt. Mặn có xu hướng tăng dần từ đầu tháng 12 và các tháng đầu mùa khô. Từ tháng 1/2023, dòng chảy phụ thuộc rất lớn vào thủy điện đầu nguồn. Cần đề phòng xâm nhập mặn bất thường.

Các vùng ven sông Tiền, sông Hậu có thể bị ảnh hưởng triều cường đến tháng 2/2023. Trong tháng 1 và tháng 2 độ mặn 4gram/lít có thể xâm nhập sâu 45-55km. Nếu thủy điện vận hành bất thường mặn có thể xâm nhập sâu 50-60km. Gây ảnh hưởng việc lấy nước tại các cống.

UBND tỉnh Vĩnh Long cũng vừa ban hành nhiều phương án chuẩn bị phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn. Nhằm bảo vệ sản xuất và dân sinh trong mùa khô 2022-2023.

Theo dự báo, tại các tỉnh thượng nguồn Đồng bằng Sông Cửu Long gần An Giang, Đồng Tháp; vùng thượng nguồn Long An, Kiên Giang và TP Cần Thơ; từ tháng 1 đến tháng 2 năm nay, mực nước cao hơn trung bình nhiều năm từ 10-20cm.

Các vùng ven sông Tiền và sông Hậu bị ảnh hưởng bởi triều cường đến tháng 2. Riêng trong tháng 1 và tháng 2, mặn với nồng độ 4gram/lít có thể xâm nhập sâu từ 45-60km. Nếu vùng thượng lưu vận hành xả nước bất thường thì mặn có thể vào sâu từ 50-70km, làm ảnh hưởng đến việc lấy nước ở các cống.

Đối với các vùng ven biển Đồng bằng Sông Cửu Long từ tháng 1 đến tháng 2, mặn vào sâu từ 45-60km. Từ tháng 3, mặn gia tăng chủ yếu tại khu vực sông Vàm Cỏ với ranh mặn 4‰, vào sâu từ 65-75km.

Nguồn: hoanhap.vn

Bạn cũng có thể thích