Trạm trộn bê tông không phép Vina21: 5 năm ròng thách thức chính quyền huyện Ba Vì

Trạm trộn bê tông không phép Vina21: 5 năm ròng thách thức chính quyền huyện Ba Vì

Thủy Lan –  Thứ sáu, 03/12/2021 16:09 (GMT+7)

Không có giấy phép xây dựng, không có bản kế hoạch bảo vệ môi trường, nhưng trạm trộn bê tông Vina21, vẫn vô tư tồn tại suốt 5 năm tại xã Cam Thượng, Ba Vì. Mặc cho, trạm trộn này đã nhiều lần bị chính quyền huyện Ba Vì xử phạt, yêu cầu dừng hoạt động.

Những xử phạt vi phạm nối tiếp nhau

Tại buổi làm việc với ông Quách Văn Phong – Chủ tịch UBND xã Cam Thượng ngày 26/11/2021, Phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam được biết: trạm trộn bê tông Vinaconex 21 (Trạm trộn bê tông Vina21) thuộc Chi nhánh Công ty Cổ phần Vinaconex 21 – Xí nghiệp sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng được xây dựng không phép từ năm 2017 tại thôn Thịnh Thôn, xã Cam Thượng, huyện Ba Vì, Thành phố Hà Nội.

Trải qua 5 năm dài xây dựng và hoạt động, trạm trộn này vẫn chưa được các cấp chính quyền nào của Thành phố Hà Nội cấp phép.

tm-img-alt
Không có giấy phép, nhưng Trạm trộn bê tông Vina21vẫn nganh nhiên tồn tại hoạt động suốt 5 năm trời

Ông Quách Văn Phong cho biết: Trạm trộn này hoạt động được mấy năm rồi. Xây dựng từ năm 2017. Năm 2018 hoàn thành. Năm 2019 đưa vào sử dụng. Huyện đã ra 3 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, gồm 2 cái trật tự xây dựng và 1 cái môi trường.

Sau đó, PV đã được UBND xã Cam Thượng cung cấp các giấy tờ thể hiện sự vào cuộc xử lý vi phạm của huyện Ba Vì đối với Trạm trộn bê tông không phép Vina21.

Cụ thể: ngày 21/5/2019, Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện Ba Vì đã lập Biên bản vi phạm hành chính số 04/BB-VPHC về trật tự xây dựng. Từ căn cứ đó, ngày 27/5/2019, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Bạch Công Tiến đã ban hành Quyết định số 1090/QĐ-XPVPHC đối với Chi nhánh Công ty Cổ phần Vinaconex 21 – Xí nghiệp sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng, vì đã có hành vi vi phạm hành chính là tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng, mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng. Mức xử phạt bằng tiền là 40.000.000 đồng.

Quyết định cũng nêu rõ: “Trong thời hạn 60 ngày kể từ thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính, Chi nhánh Công ty Cổ phần Vinaconex 21 – Xí nghiệp sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng. Hết thời hạn này, Chi nhánh Công ty Cổ phần Vinaconex 21 – Xí nghiệp sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng không xuất trình giấy phép xây dựng thì bị áp dụng biện pháp tháo dỡ công trình, phần công trình vi phạm theo quy định”.

tm-img-alt
Quyết định xử phạt 40.000.000 đồng của UBND huyện Ba Vì với Trạm trộn bê tông Vina21

Nhưng không hiểu sao sau đó, Trạm trộn bê tông Vina21 vẫn không bị tháo dỡ công trình, dù không xuất trình giấy phép xây dựng theo quyết định ngày 27/5/2019 của Chủ tịch UBND huyện Ba Vì.

Đến ngày 23/4/2021, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung tiếp tục ký quyết định số 2114/QĐ-XPHC: Xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường với Công ty cổ phần Bê tông VINA 21. Mức phạt bằng tiền là sáu mươi triệu đồng, do xây dựng trạm trộn bê tông đi vào hoạt động không có bản kế hoạch bảo vệ môi trường được xác nhận theo quy định.

tm-img-alt
Bê tông VINA 21 tiếp tục bị phạt 60.000.000 đồng do vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường

Bên cạnh đó, với vai trò, trách nhiệm quản lý địa phương, Chủ tịch UBND xã Cam Thượng Quách Văn Phong đã ban hành 02 thông báo số 62 ngày 1/4/2021 và số 121 ngày 22/6/2021, thông báo về việc: đình chỉ hoạt động sản xuất kinh doanh đối với trạm trộn bê tông của Chi nhánh Công ty CP Vinaconex 21 trên địa bàn xã Cam Thượng.

Huyện Ba Vì có “bó tay” trước vi phạm củaTrạm trộn bê tông Vina21?

Dù phải nhận hàng loạt quyết định xử lý vi phạm về môi trường, xây dựng và cả yêu cầu dừng hoạt động, tháo dỡ công trình… vậy nhưng, có vẻ như Trạm trộn bê tông Vina21 không hề hấn gì, mà vẫn hiên ngang tồn tại, hoạt động  như đang thách thức các cơ quan chức năng của huyện Ba Vì.

Ghi nhận thực tế của PV ngày 27/11/2021 cho thấy: Trạm trộn bê tông Vina21 đang hoạt động tấp nập. Các xe bồn chở xi  măng và bê tông trộn ra vào liên tục, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

tm-img-alt
            Xe ô tô luôn tấp nập ra vào Trạm trộn bê tông Vina21

Quá trình hoạt động, trạm trộn này xả nhiều nước thải ra môi trường xung quanh. Đồng thời phát sinh bụi, tiếng ồn…, gây nguy cơ ảnh hưởng lớn đến môi trường sống của người dân.

Đặc biệt, nguy cơ tiềm ẩn đến môi trường càng nghiêm trọng hơn, khi đã trải qua thời gian dài 5 năm từ ngày xây dựng, Trạm trộn bê tông Vina21 vẫn không có bản kế hoạch bảo vệ môi trường.

tm-img-alt
Nước thải trong quá trình sản xuất của Trạm trộn bê tông Vina21 xả trực tiếp ra môi trường xung quanh

Trước câu hỏi của PV về việc tại sao Trạm trộn bê tông Vina21 vẫn hoạt động khi chưa có giấy phép? thì ông Lê Thanh Bình – cán bộ quản lý Trạm trộn bê tông Vina21 cho biết: “đã gửi hồ sơ lên Sở Kế hoạch Đầu tư rồi. Trong tháng 12 họ sẽ trả lời xem còn thiếu các thủ thủ tục gì”.

Còn về vấn đề ô nhiễm môi trường, ông Bình cho rằng: “Đường bụi thì kể cả đi trên đường quốc lộ cũng bụi, chứ chưa nói đến nơi sản xuất. Cái việc bụi thì nó không tránh khỏi được… Ở đây dân tình năm nào chúng tôi cũng làm công tác dân vận ở đây. Kể cả anh Phong chủ tịch xã cũng phải ghi nhận”.

Nếu theo như chia sẻ của ông Bình thì phải chăng, doanh nghiệp cứ vi phạm, rồi chỉ cần làm tốt công tác “dân vận” với người dân xung quanh và được lãnh đạo xã ghi nhận thì sẽ tiếp tục được hoạt động? Và phải chăng, điều này đang là rào cản khiến huyện Ba Vì “bó tay” trước vi phạm của Trạm trộn bê tông Vina21?

Để sự việc được giải quyết triệt để, thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật, kính đề nghị UBND Thành phố Hà Nội; Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hà Nội; Thanh tra xây dựng Thành phố Hà Nội; Huyện ủy, UBND huyện Ba Vì vào cuộc kiểm tra, làm rõ, xử lý nghiêm trách nhiệm của các bên liên quan khi để  một loạt các trạm trộn bê tông không phép đang ngang nhiên tồn tại trên địa bàn huyện Ba Vì. Trong đó, có trạm trộn bê tông Vinaconex 21, thuộc Chi nhánh Công ty Cổ phần Vinaconex 21 – Xí nghiệp sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng. Không thể để doanh nghiệp cứ vô tư sai phạm, rồi chính quyền cho thời gian hết lần này tới lần khác để hợp thức hóa sai phạm, gây tác động xấu đến môi trường xã hội, cũng như thất thu nguồn thuế nhà nước.

Đồng thời, TP. Hà Nội và huyện Ba Vì cũng nên xem xét các nguyện vọng chính đáng của doanh nghiệp, cũng như tình hình phát triển thực tế địa phương, trong việc quy hoạch các điểm trạm phù hợp và có hướng dẫn cụ thể, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, hoàn thiện các văn bản theo đúng trình tự của pháp luật. Có như thế mới đưa doanh nghiệp phát triển một cách bền vững, đúng pháp luật, hạn chế tác động xấu đến môi trường và xã hội.

Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về sự việc!

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích