Trà Bồng (Quảng Ngãi): Có gần 20 điểm sạt lở lớn

Từ đầu mùa mưa bão đến nay, nhất là trong tháng 10/2021, trên địa bàn huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi có gần 20 điểm sạt lở. Nhiều điểm sạt lở lớn, đất đá tràn xuống đường, đứt gãy nền đường gây chia cắt giao thông, cô lập hàng trăm hộ dân với hàng nghìn nhân khẩu, chủ yếu ở các xã Hương Trà, Sơn Trà, Trà Lâm, Trà Thanh… 

Sạt lở nghiêm trọng tuyến đường đèo Eo Chim – Trà Nham (cũ) ở thôn Trà Huynh, xã Hương Trà, huyện Trà Bồng.

Đã gần nửa tháng sau trận sạt lở nghiêm trọng tuyến đường đèo Eo Chim – Trà Nham (cũ) ở thôn Trà Huynh, xã Hương Trà, huyện Trà Bồng vẫn chưa được khắc phục xong.  Hơn 2/3 mặt đường phía ta luy âm bị cuốn trôi, chiều dài bị sạt lở khoảng 200 mét. Hiện chính quyền địa phương mới tạo được một lối mòn tạm thời cho xe máy lưu thông,  đảm bảo cung ứng lương thực cho người dân 3 thôn Trà Huynh, Trà Vân, Cà Đam với 490 hộ, 2.216 nhân khẩu.

Anh Hồ Văn Khuyên, người dân xã Hương Trà cho biết: “Nước mưa từ núi cao chảy xiết xuống, đất đá đổ ầm ầm xuống vực sâu. Hồi đó, may cũng tạnh mưa chứ mưa khoảng hai ngày nữa thì cả khu vực này đi hết. Hiện chính quyền dọn dẹp sơ để đi qua nhưng rất lo sợ”.

Cũng trên địa bàn huyện miền núi Trà Bồng, mưa lũ trong những ngày qua đã làm hư hại nhiều công trình giao thông, nhất là các tuyến Quốc lộ, Tỉnh lộ. Trong đó, nặng nhất là sạt lở núi gây ách tắc giao thông trên các tuyến Quốc lộ 24C, Tỉnh lộ 622B, Tỉnh lộ 623… với khối lượng đất đá cần phải thu dọn lên đến hàng nghìn mét khối, gây khó khăn và nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Qua rà soát huyện Trà Bồng đang có khoảng 20 điểm sạt lở.

Để đảm bảo an toàn và kịp thời cung cấp lương thực cho người dân vùng sạt lở, ngày sau khi xảy ra sự cố, chính quyền các địa phương đã chỉ đạo lực lượng nhanh chóng khắc phục các tuyến đường. Đồng thời vận dụng tất cả các nguồn lực cung cấp hàng hóa, nhu yếu phẩm cho bà con.

Theo ông Hoàng Anh Ngọc, Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng, các xã tại huyện đều có sạt lở, đây chỉ là những trận mưa đầu mùa. Thời gian tới được dự báo thời tiết mưa nhiều, nguy cơ xảy ra sạt lở rất lớn. Do đó, địa phương luôn sẵn sàng phương án di dời dân vùng sạt lở đến nơi an toàn khi có mưa, lũ lớn. Về lâu dài cần phải đầu tư xây dựng các khu tái định cư, di dời dân đảm bảo ổn định đời sống lâu dài cho bà con.

“Địa chất hiện nay của địa phương rất phức tạp, nguy cơ xảy ra sạt lở cao. Về lâu dài cần phải đầu tư các khu tái định cư đảm bảo an toàn cho người dân. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là nguồn vốn. Chúng tôi đang nghiên cứu và đang chờ sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh, TW. Hiện nay Chủ tịch UBND tỉnh đã thống nhất phương án khảo sát lập các dự án bố trí sắp xếp dân cư vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, giai đoạn 2021-2025 để xây dựng các khu tái định cư cho người dân trong thời gian tới”, ông Hoàng Anh Ngọc nói.

Bạn cũng có thể thích