Tiết kiệm năng lượng: Cần coi trọng chủ thể tuyên truyền và sử dụng năng lượng

(Xây dựng) – Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả luôn được Đảng và Nhà nước ta xác định là mục tiêu mũi nhọn quan trọng góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững. Trong khi thế giới đang bước vào thời kỳ dịch chuyển và biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra mạnh mẽ, tài nguyên khoáng sản đang ngày càng cạn kiệt, vì vậy tiết kiệm năng lượng luôn phải là điều kiện được ưu tiên hàng đầu.

Tiết kiệm năng lượng: Cần coi trọng chủ thể tuyên truyền và sử dụng năng lượng
Diễn đàn nâng cao tuyên truyền về sử dụng hiệu quả năng lượng cho phát triển bền vững.

Các nghiên cứu cho thấy, do nhiều nguyên nhân, việc sử dụng năng lượng còn lãng phí, chưa hiệu quả. Tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp có thể lên tới 25-30%; tại các tòa nhà, công trình xây dựng là tương đối lớn, từ 10- 40%. Đánh giá cao công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng, chuyển biến từ ý thức sang hành động, tại Diễn đàn “Nâng cao tuyên truyền về sử dụng hiệu quả năng lượng cho phát triển bền vững” do Hội nhà báo Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, các chuyên gia cho rằng, truyền thông về tiết kiệm năng lượng (TKNL) – cần coi trọng các chủ thể tuyên truyền và sử dụng năng lượng.

Khẳng định sự đồng hành của báo chí, truyền thông trong việc tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong suốt thời gian qua, đặc biệt là Chương trình quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả qua các giai đoạn từ năm 2006 đến nay (Chương trình VNEEP 1, 2 và 3 – tại các Quyết định số 79/2006/QĐ-TTg và 280/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), ông Hoàng Việt Dũng – Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương cũng đồng thời nhấn mạnh vai trò của việc tuyên truyền tiết kiệm điện trong bối cảnh thiếu điện ở miền Bắc thời gian cao điểm mùa khô, nắng nóng gay gắt vừa qua.

Ông Hoàng Việt Dũng – Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững nhấn mạnh: Trong thời gian vừa qua, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức Hội nghị phát động tiết kiệm điện toàn quốc, và tuyên truyền cho tất cả các đối tượng là doanh nghiệp, hộ gia đình hiểu và tham gia tiết giảm nhu cầu điện, qua đó đảm bảo ổn định về năng lượng nói chung và điện nói riêng. Trong giai đoạn tiếp theo chúng tôi sẽ tiếp tục những hành động cụ thể như trong Quyết định 280/QĐ-TTg, tập trung vào việc rà soát chính sách, hỗ trợ kỹ thuật, truyền thông, nâng cao nhận thức và đặc biệt là xây dựng cơ chế tài chính, các nguồn vốn ưu đãi… để thúc đẩy đầu tư vào trong hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Không chỉ phân tích yếu tố giá năng lượng tác động và quyết định tới việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong khối doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng nói riêng, trong toàn xã hội nói chung, PGS. TS Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho rằng, việc ứng xử về sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng trong đó có điện năng đã bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố, cả từ các điều kiện nền tảng, công nghệ đến sản xuất và cách thức sử dụng. Vì thế, truyền thông cũng cần phải thay đổi cho phù hợp.

Chính công nghệ cao này quyết định rất là nhiều yếu tố mà thay đổi cấu trúc cái gọi là tác nhân làm giúp cho hệ thống quản lý, giúp cho hệ thống thông tin thị trường thay đổi, công nghệ thay đổi thì sản xuất thay đổi, tiêu dùng thay đổi, và thông tin thị trường giữa cung và cầu cũng thay đổi. Cơ cấu ngành năng lượng cũng thay đổi, nếu chúng ta không có một tầm nhìn tốt thì rủi ro chắc chắn xảy ra. Thứ ba là chủ thể tham gia thay đổi, rồi việc sử dụng điện – phía cầu, người tiêu dùng điện thay đổi. Và vì thế đòi hỏi cái tương quan, lợi ích khác nhau thì hệ thống điều hành cũng khác nhau.

Nhấn mạnh bản chất của hiệu quả năng lượng trong sản xuất công nghiệp chính là trang thiết bị máy móc, chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh cho rằng, đối với doanh nghiệp thì quan trọng nhất là cần phải trả lời được câu hỏi động lực nào để doanh nghiệp đầu tư vào TKNL. Trên cơ sở phân tích cơ cấu kinh tế, các ngành công nghiệp tiêu tốn điện năng và đòi hỏi từ các tiêu chuẩn cao của đối tác thương mại xuất nhập khẩu hàng hoá, TS Vũ Đình Ánh đề xuất. Thứ nhất là các công cụ thuế giảm phát thải carbon, đây là một công cụ rất quan trọng, tác động đến cả thị trường phía cung, phía cầu và câu chuyện liên quan đến giá. Bởi vì nó sẽ là một cấu thành nằm trong giá sử dụng năng lượng của chúng ta, là công cụ để giúp chúng ta tiết kiệm. Và cái thứ hai nữa cũng gắn với chứng chỉ các bon. Các nước người ta phát triển rất hay và người ta tạo ra cả một thị trường mua bán tín chỉ các bon. Đó là công cụ cũng rất tốt giúp cho chúng ta tiết kiệm. Và còn rất nhiều các công cụ khác nữa hoàn toàn chúng ta có thể xem xét kinh nghiệm thế giới và phát triển ở Việt Nam.

Dưới góc độ truyền thông, TS Đồng Mạnh Hùng – Trưởng ban Thư ký biên tập, Đài Tiếng nói Việt Nam cho rằng, cần coi trọng công tác tuyên truyền TKNL trong khối cơ quan công sở cũng như nâng cao nhận thức, hiểu biết cho các nhà báo, phóng viên làm công tác tuyên truyền về TKNL. Cá nhân tôi cho rằng, đào tạo nhà báo là rất quan trọng để họ phải hiểu được, nâng cao ý thức về tiết kiệm năng lượng; nhưng quan trọng nhất là họ phải có kiến thức, có kỹ năng và phải có trách nhiệm với bài viết của mình.

Cùng chung ý kiến với TS Đồng Mạnh Hùng, đại diện các Báo, đài, tạp chí đều cho rằng vai trò của phóng viên nhà Báo trong tuyên truyền có sức mạnh lớn tác động đến ý thức và lối tư duy của người sử dụng. Điều đó phụ thuốc và sự sáng tạo và tính nhân văn trong từng câu chữ, bài viết, cốt lõi nội dung truyền tải. Vì vậy để đạt được những giá trị đó cần có sự đào tạo một cách bài bản chuyên sâu.

Theo các chuyên gia, cũng cần tận dụng công nghệ làm báo trong thời đại “số hóa” để lan toả, chia sẻ các kinh nghiệm TKNL trong các ngành nghề, lĩnh vực kinh tế và đời sống; đồng thời, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về các nghiên cứu, giải pháp, công nghệ TKNL… hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích