Thuế thu nhập cá nhân còn bất cập đến bao giờ?

Nghèo vẫn phải… nộp thuế!

Theo số liệu mới đây của Tổng cục Thuế, số thuế thu nhập cá nhân năm 2022 cả nước thu được là 166.733 tỷ đồng (theo dự toán là 118.075 tỷ đồng), tăng 27% so với năm trước và đạt 138% dự toán, tức vượt thu tới 48.658 tỷ đồng.

Trong đó, người làm công ăn lương đóng góp đến 70% nguồn thu thuế thu nhập cá nhân. Nguồn thu từ thuế thu nhập cá nhân chiếm khoảng 10% tổng thu cân đối ngân sách, chỉ xếp sau thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng.

Nộp thuế sẽ là niềm tự hào nếu người nộp thuế có mức sống dư giả, thế nhưng, cuộc sống người lao động luôn gặp khó khăn. Năm 2022, giá xăng, dầu nhảy múa, chỉ số giá tiêu dùng tăng, hệ số lương cơ sở không thay đổi nhưng số thuế thu được từ người làm công ăn lương vẫn tăng. Điều đó đã tạo ra áp lực, khó khăn cho người lao động.

Thuế thu nhập cá nhân còn bất cập đến bao giờ?
Người lao động làm thủ tục nộp thuế TNCN. Ảnh: Hà Phong

Nguyên nhân là do những chính sách thuế lạc hậu, không thay đổi kịp thời, không theo kịp với trượt giá. Cụ thể, qua 10 năm Luật Thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực thì người lao động chỉ được tăng mức giảm trừ gia cảnh một lần, từ 9 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng/tháng (người phụ thuộc bằng 40%).

Mức giảm trừ gia cảnh này không đủ chi tiêu cơ bản cho người lao động, nhưng người lao động vẫn phải nộp thuế nếu vượt mức giảm trừ gia cảnh. Kết quả số thuế thu nhập cá nhân thu được đã tăng đến 3,6 lần, khiến đời sống người lao động khó khăn!

Người làm công không đủ chi phí thì không thể tích lũy, muốn mua xe phải trả góp, muốn mua nhà phải trả lãi… Theo Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 thì kể từ giữa năm 2020, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng, người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng là quá thấp so với mức sống hiện nay. Thế nhưng, Bộ Tài chính đang “đủng đỉnh” đưa vào Dự thảo sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân dự kiến trình Quốc hội thông qua vào năm 2025. Có nghĩa là người lao động phải “chờ dài cổ” và trong quá trình chờ thì dù nghèo vẫn… nộp thuế!

Còn nhiều bất hợp lý

Tiến sĩ Nguyễn Đình Sơn (Viện Nghiên cứu Nhà nước và Pháp luật) cho rằng, hiệu quả của một sắc thuế là phải đảm bảo các tiêu chí về tính đơn giản, dễ thực thi; chi phí tuân thủ thấp; tính công bằng… Thế nhưng, với sắc thuế thu nhập cá nhân thì có đến 7 bậc, sau khi giảm trừ gia cảnh thì tính thuế 5% cho 5 triệu đồng tăng thêm và 10% cho 5 triệu đồng kế tiếp; rồi 15% cho 8 triệu đồng tiếp theo; 20% cho 14 triệu đồng tiếp theo; 25% cho 20 triệu đồng tiếp theo; đến 30% cho 28 triệu đồng tiếp theo; cuối cùng là 35% đối với khoản thu nhập trên 80 triệu đồng/tháng.

Bậc thuế tăng dần nhưng mức tiền không giống nhau khiến việc tính toán, thực thi rất khó khăn. Với quy định mức giảm trừ gia cảnh thấp như hiện nay, thì người làm công ăn lương có thu nhập thấp nếu có thêm các khoản tiền thưởng, tiền hoa hồng bị tạm thu thuế 10% thì cuối năm buộc phải quyết toán thuế mới được hoàn thuế chỉ vài triệu đồng, rõ ràng vừa tốn công sức xã hội, vừa tốn chi phí bộ máy Nhà nước khi thực thi chính sách thuế.

Luật sư Nguyễn Ngọc Quỳnh (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) khẳng định, thuế suất thuế thu nhập cá nhân đối với người làm công ăn lương cao nhất đến 35%, cao hơn thuế thu nhập doanh nghiệp (chỉ 20%) là điều quá bất hợp lý. Trong khi, doanh nghiệp sản xuất thì mọi chi phí đi lại, mua sắm công cụ làm việc được khấu trừ, sau đó có lãi mới tính thuế 20%; còn người lao động dù thu nhập có bao nhiêu cũng chỉ được khấu trừ 11 triệu đồng/tháng, mà mức này lại không đủ trang trải cho những chi phí cơ bản của cuộc sống. Những chi phí thuê nhà, mua xe, quần áo, lãi suất ngân hàng… của người làm công ăn lương không được đưa vào chi phí khấu trừ.

Luật sư Nguyễn Ngọc Quỳnh phân tích thêm, thuế suất thu nhập cá nhân đối với chuyển nhượng bất động sản là 2% trên giá bán (trước đây cũng chỉ 25% trên lợi nhuận); 0,1% giá chuyển nhượng chứng khoán; 20% phần chênh lệch (sau khi đã khấu trừ giá vốn) khi chuyển nhượng vốn góp; 10% cho thu nhập là hoa hồng, quà tặng, trúng thưởng…

Điều này cho thấy người làm công ăn lương đang “gồng mình” với mức thuế suất cao nhất, chỉ cần có thu nhập trên 80 triệu đồng/tháng là phải nộp thuế 35%. Trong khi đó, những người trúng xổ số hàng trăm tỷ đồng “tiền từ trên trời rơi xuống”, không phải bỏ công sức nhưng chỉ nộp thuế 10%.

Do vậy, Luật sư Nguyễn Ngọc Quỳnh cho rằng, Nhà nước cần sớm sửa đổi các quy định pháp luật về thuế thu nhập cá nhân, làm sao để người lao động tái tạo sức lao động, động viên họ làm việc và có tích lũy để đảm bảo cuộc sống là điều cấp bách.

Hà Phong

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích