Thanh tra 45 doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội năm 2023

Theo đó, Đoàn thanh tra lập thành 3 tổ, mỗi tổ có 6-7 thành viên thực hiện thanh tra tại 45 đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của người lao động trên địa bàn Hà Nội.

Thời gian thanh tra tập trung cao điểm vào tháng 12/2023. Căn cứ vào kết quả thanh tra, tùy mức độ vi phạm, Đoàn thanh tra liên ngành sẽ đưa ra biện pháp xử lý tại chỗ hoặc đề xuất phương án xử lý với cơ quan có thẩm quyền về hành vi vi phạm của các doanh nghiệp.

Phó Giám đốc BHXH TP. Hà Nội Vũ Đức Thuật cho biết, trong số 130.000 đơn vị sử dụng lao động do BHXH thành phố quản lý có rất nhiều đơn vị thực hiện tốt chế độ, chính sách BHXH, BHYT cho người lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Cá biệt có một số đơn vị vẫn để tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Do đó, lãnh đạo BHXH TP. Hà Nội yêu cầu các đơn vị tập trung, hết sức cố gắng khắc phục ngay tình trạng nợ đóng BHXH, BHYT để thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, ý thức chấp hành pháp luật, cũng như để giảm rủi ro pháp lý đối với đơn vị. Trường hợp đơn vị không chủ động khắc phục số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, Đoàn thanh tra sẽ thực hiện các thủ tục cần thiết để xử lý hành vi vi phạm với biện pháp tương ứng như xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự theo Điều 216 Bộ Luật hình sự.

 Thanh tra 45 doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội năm 2023. Ảnh tư liệu

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội, lũy kế đến thời điểm hết tháng 11/2023, toàn thành phố còn hơn 85.000 đơn vị chậm đóng các chính sách với tổng số tiền hơn 5.400 tỷ đồng. Trong đó, số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội phải tính lãi hơn 1.800 tỷ đồng, bằng 2,88% so với tổng số tiền cần thu.

Báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng cho thấy, tính đến hết tháng 10/2023, tổng số tiền chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp khoảng 14.650 tỷ đồng. Trong đó, số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp tại các đơn vị không có khả năng thu hồi là hơn 4.100 tỷ đồng.

Nguyên nhân được lý giải là do những năm gần đây nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh dẫn tới khó khăn trong việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Bên cạnh đó, còn có tình trạng nhiều doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm các quy định pháp luật, thiếu quan tâm đến quyền lợi của người lao động. Các quy định về chế tài xử lý hành vi nợ bảo hiểm xã hội chưa đủ sức răn đe…

Do đó, theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, giải pháp quan trọng nhất trong thời gian tới là ổn định và duy trì việc làm cho người lao động. Cùng với đó là các giải pháp về chính sách; hỗ trợ học nghề, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề để người lao động chuyển đổi nghề nghiệp; tăng cường các chính sách giải quyết khó khăn về tài chính trước mắt cho người lao động.

Cũng để xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, Bộ cho biết đã đưa một số quy định vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) như: Doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội phải nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng (như lĩnh vực thuế); ngừng sử dụng hóa đơn, hoãn xuất cảnh với người sử dụng lao động cố tình trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Ngoài ra, cơ quan Bảo hiểm xã hội có quyền khởi kiện và kiến nghị khởi tố với trường hợp có dấu hiệu phạm tội trốn đóng bảo hiểm xã hội; hay quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia bảo hiểm xã hội…

An Nguyên

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích