Tập đoàn Sun Group đề xuất giải pháp để công nghiệp văn hoá Việt Nam “cất cánh”

Sáng 22/12, tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, bà Nguyễn Thái Hoài Anh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group đã có những chia sẻ cũng như đề xuất giải pháp để phát triển ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản tại nước ta. 

Theo bà Nguyễn Thái Hoài Anh, trải qua 16 năm hình thành và phát triển, Tập đoàn Sun Group kiên định với các lĩnh vực chính: Du lịch nghỉ dưỡng – Vui chơi giải trí – Bất động sản cao cấp và Hạ tầng giao thông. 

“Với tôn chỉ “làm đẹp những vùng đất”, Tập đoàn Sun Group luôn cố gắng phát triển, sáng tạo các sản phẩm du lịch bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo tồn, phát huy giá trị của dân tộc, giữ gìn bản sắc của con người và thiên nhiên tại những vùng đất nơi Tập đoàn đặt chân tới”, bà Nguyễn Thái Hoài Anh thông tin. 

Bà Nguyễn Thái Hoài Anh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group: Cần coi nhiệm vụ Quy hoạch phát triển công nghiệp văn hóa, cũng như xây dựng kế hoạch triển khai Quy hoạch này trong từng thời kỳ, là nhiệm vụ tiên quyết, là định hướng chiến lược tổng thể cho ngành du lịch Việt Nam. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Nhìn nhận và đánh giá được tầm quan trọng của các sản phẩm du lịch bền vững trong việc phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa, đại diện Tập đoàn Sun Group đã đề xuất một số giải pháp như sau: 

Thứ nhất, cần coi nhiệm vụ quy hoạch phát triển công nghiệp văn hóa, cũng như xây dựng kế hoạch triển khai quy hoạch này trong từng thời kỳ là nhiệm vụ tiên quyết và là định hướng chiến lược tổng thể cho ngành du lịch Việt Nam. 

Thứ hai, quy hoạch công nghiệp văn hóa không chỉ dành cho một nhóm ngành nghề, một thành phố, một tỉnh mà cần nghiên cứu kỹ lưỡng, bài bản trong phạm vi cả nước, sau đó, phân rã tới từng vùng, tỉnh, đơn vị. Đồng thời, quy hoạch phát triển công nghiệp văn hóa cũng cần đồng bộ, phù hợp với các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các loại quy hoạch khác. 

Thứ ba, đối với Quy hoạch phát triển công nghiệp văn hóa, cần có cơ chế xã hội hóa huy động nguồn vốn thực hiện, kêu gọi các ý tưởng, nghiên cứu bài bản từ quy hoạch không gian văn hóa, phát triển các sản phẩm, quy hoạch ngành nghề phát huy giá trị văn hóa, du lịch đồng thời phát triển các ngành nghề phụ trợ để có hệ sinh thái hoàn chỉnh. 

Về cơ chế chính sách, đại diện Sun Group cho rằng, hầu hết các địa phương đều ủng hộ việc phát triển du lịch văn hóa và kêu gọi các nhà đầu tư quan tâm, nghiên cứu. Tuy nhiên, trong thực tế, các dự án về du lịch, văn hóa là những dự án đòi hỏi các nhà đầu tư quan tâm chấp nhận việc đầu tư tài chính dài hạn, với thời gian thu hồi vốn chậm. 

Do vậy, giải pháp thứ tư là cần có cơ chế, chính sách cụ thể nhằm thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực này. Ví dụ như về cơ chế ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất, cơ chế khuyến khích đối với các nhà đầu tư tham gia đầu tư lĩnh vực du lịch, văn hóa và hạ tầng kết nối.

Bên cạnh đó, theo bà Nguyễn Thái Hoài Anh, thời gian tới, Tập đoàn Sun Group mong muốn được nghiên cứu, đầu tư và xây dựng công trình kiến trúc mang dấu ấn vượt thời gian tại Thủ đô Hà Nội. Vì vậy, Tập đoàn Sun Group đã chủ động liên hệ với Kiến trúc sư huyền thoại người Italy Renzo Piano để đề xuất thiết kế công trình văn hóa đẳng cấp dành riêng cho Hà Nội. Được biết, vị kiến trúc sư đại tài này đã tốn nhiều năm lên ý tưởng dựa trên vẻ đẹp, văn hóa lịch sử của Hà Nội cũng như những huyền tích của Hồ Tây, của những câu chuyện văn hóa cổ xưa vào việc thiết kế nhà hát, đồng thời, kết hợp với vật liệu thiết kế, xây dựng và thiết bị hiện đại hàng đầu thế giới. 

“Nếu được triển khai Nhà hát tại khu vực bán đảo Quảng An, thì đây không đơn thuần là một công trình kiến trúc văn hóa đẳng cấp, biểu tượng của Thủ đô thời kỳ mới, mà còn là một tác phẩm nghệ thuật mang linh hồn Hà Nội”Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group bày tỏ sự tin tưởng. Tuy nhiên, theo bà Hoài Anh, cho tới thời điểm hiện tại, dù các cấp chính quyền đã hết sức nỗ lực nhưngdự án vẫn chỉ đang nằm trên bản vẽ. Do đó, đại diện Sun Group đã đề xuất có những cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy để triển khai công trình văn hóa mang tầm thế giới tại Thủ đô nghìn năm văn hiến. 

Ngoài ra, về vấn đề nguồn nhân lực, để phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa đẳng cấp – chất lượng – khác biệt thì đòi hỏi nguồn nhân lực tại chỗ chất lượng cao, am hiểu văn hoá dân tộc cũng như, cần đáp ứng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến. Thực tế, những nơi có tiềm năng phát triển văn hoá du lịch lại là những vùng sâu vùng xa, trình độ phát triển còn thấp. 

Hiện tại, theo thông tin từ đại diện Tập đoàn Sun Group thì Tập đoàn này đang chú trọng tới việc tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, cũng như sử dụng lực lượng lao động là người địa phương, người dân tộc để quảng bá văn hóa, du lịch bản địa; đồng thời đề xuất Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các chính quyền địa phương để xây dựng đề án đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ.

Điển hình như tại Khu du lịch Sun World Fansipan Legend, nhiều năm liền được World Travel Awards bình chọn là “điểm đến du lịch văn hóa hàng đầu thế giới”. 

Mỗi năm chúng tôi tổ chức hàng loạt lễ hội mang đậm màu sắc văn hóa bản địa như “Lễ hội ẩm thực Tây Bắc” do chính những người dân tại Tây Bắc chuẩn bị và thực hiện; Giải đua “Vó ngựa trên mây” tái hiện những khoảnh khắc kiêu hùng của “kỵ sỹ” vùng cao. Du khách có thể dễ dàng tìm hiểu đời sống tâm linh, tín ngưỡng, ẩm thực, nghề truyền thống và các chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc tới từ chính những chàng trai, cô gái dân tộc thiểu số tại Bản Mông, Sunworld Fansipan Legend”, bà Hoài Anh thông tin. 

Tại Hội thảo, về phía Hội Kiến trúc sư Việt Nam, KTS. Hoàng Thúc Hào, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam đánh giá, công nghiệp văn hóa suy cho cùng là vì con người, phát triển kinh tế – xã hội, giúp bảo vệ sự đa dạng sinh thái. Vấn đề là có những cốt lõi nào, giá trị nào ưu tiên trước, có khả năng cạnh tranh trước và cạnh tranh sau, luôn phải đảm bảo nguyên tắc sau cùng là hướng tới phát triển bền vững.

Theo KTS. Hoàng Thúc Hào, trong kiến trúc có những công trình, cụm công trình có giá trị nhất định trong ngắn hạn, nhưng chưa chắc 30 năm sau nó đã phát huy được giá trị. 

KTS. Hoàng Thúc Hào: Công nghiệp văn hóa suy cho cùng là vì con người, phát triển kinh tế-xã hội, giúp bảo vệ sự đa dạng sinh thái. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Có thể thấy như tại Vương Quốc Anh có những đô thị cổ, hay những công trình mới ở Pháp do những kiến trúc sư lớn trên thế giới, đều xây hiện đại nhưng tiếp thu những tinh hoa của kiến trúc La Mã, Hy Lạp… Nhiều kiến trúc sư trên thế giới làm theo hướng hoài cổ. Đặc biệt, những khu đô thị, công trình của Việt Nam được giới kiến trúc đánh giá cao. Trong đó, những công trình như Bảo tàng Lịch sử, Trụ sở Bộ Ngoại giao tại Việt Nam đến bây giờ vẫn là những hình mẫu kiến trúc.

“Chúng ta có hàng nghìn làng nghề, 54 dân tộc, sở hữu kho tàng bản địa vô giá nói chung và cho kiến trúc nói riêng. Những công trình kiến trúc kết hợp gỗ và đất, những công trình xếp đá của đồng bào, trung tâm sáng tạo các làng nghề rất đẹp, được nhiều kiến trúc sư trẻ làm, đạt nhiều giải thưởng quốc tế”, KTS. Hoàng Thúc Hào cho hay. 

Vì vậy, có thể nói, văn hoá thì sâu lắng, phải làm đến cùng. Không có tác phẩm văn học nghệ thuật lớn cũng như các phát minh khoa học công nghệ ra đời một cách đơn giản, đều phải trăn trở, làm đi làm lại rất nhiều lần. Những tác phẩm văn học nghệ thuật lớn góp phần khơi dậy niềm tự hào văn hoá và con người Việt Nam, cái chính là ta có đủ khát khao, mãnh liệt để làm. Công nghiệp văn hoá cần một nền móng góp phần khơi dậy niềm tự hào về văn hoá và con người Việt Nam thì công nghiệp văn hoá Việt Nam mới có thể “cất cánh”./.

Nguồn: Realtimes.vn
Bạn cũng có thể thích