Sinh viên Bách khoa nghiên cứu và đưa ra giải pháp hạn chế lây lan Covid-19

Đề tài nghiên cứu trên do 8 sinh viên thuộc Khoa Kỹ thuật Xây dựng tham gia nghiên cứu, với sự hướng dẫn của Tiến sĩ Lưu Xuân Lộc và Tiến sĩ Lê Thị Hồng Na. Sau 3 tháng nghiên cứu và tiến hành thực nghiệm ngay chính tại Giảng đường B của trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, nhóm nghiên cứu đã cho ra kết quả ban đầu và được rất nhiều chuyên gia đánh giá cao.

Sinh viên Lê Hoàng Nam, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, ý tưởng thực hiện khảo sát trên ban đầu xuất phát từ những mong muốn góp phần làm giảm sự lây lan dịch bệnh trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Khi mà mỗi ngày có hàng nghìn ca nhiễm Covid-19 mới ở những con hẻm nhỏ, khu nhà san sát, khiến cho nhóm sinh viên thôi thúc suy nghĩ cần làm điều gì đó và rồi họ quyết định tập hợp để cùng nhau thực hiện nghiên cứu trên.

Nhóm nghiên cứu được chia thành hai nhóm khảo sát ở những môi trường khác nhau, gồm: Indoor (trong nhà) và Outdoor (ngoài trời). Nhóm dựa trên cơ chế lây truyền qua không khí và giọt bắn của virus SARS-CoV-2, từ đó tìm các tác nhân góp phần phát tán của virus như hành vi xã hội, dụng cụ cơ khí, môi trường xung quanh… cuối cùng là rút ra những giải pháp kịp thời.

Sinh viên Bách khoa nghiên cứu và đưa ra giải pháp hạn chế lây lan Covid-19
Nhóm nghiên cứu của trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh công bố kết quả trước các chuyên gia.

Theo kết luận dựa trên mô phỏng trong lớp học của nhóm nghiên cứu, virus SARS-CoV-2 của một cá nhân trong phòng kín có thể bị phát tán ra cả phòng thông qua nhiều phương thức khác nhau như qua môi trường tự nhiên, các thiết bị điện lạnh, cách bài trí chỗ ngồi, hành vi của nguồn lây…

Từ đó, 3 giải pháp đã được đưa ra gồm: Thay đổi vị trí chỗ ngồi trong phòng theo hình chữ U, lắp đặt quạt hút trần, mở đóng cửa sổ phòng theo định kỳ 45 phút. Những giải pháp này sẽ giúp hạn chế sự lây lan của virus trong môi trường hẹp, khi luồng không khí chứa virus được điều hoà và đưa ra bên ngoài nhanh nhất, làm hạn chế sự lan toả của luồng không khí này.

Trong quá trình nghiên cứu, cả nhóm nhận thấy để từ lý thuyết đi đến thực tế không phải dễ dàng, khi liên tục đối mặt với nhiều khó khăn như phải làm quen với phần mềm mới, trao đổi nghiên cứu chủ yếu qua Zoom, máy móc làm việc có giới hạn… Nhưng rào cản lớn nhất có lẽ khi từ một sinh viên thuộc Khoa Kỹ thuật Xây dựng, nhưng nay phải tìm hiểu kỹ cả về kiến thức hoá sinh để bổ trợ cho bài nghiên cứu.

Sinh viên Bách khoa nghiên cứu và đưa ra giải pháp hạn chế lây lan Covid-19
Sau 3 tháng thực hiện nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã có những kết qủa khả quan ban đầu: Ảnh: CEMD

Sinh viên Nguyễn Hữu Thành (một thành viên của nhóm nghiên cứu) cho biết, khi bắt đầu thực hiện nghiên cứu, cả nhóm phải tìm và đọc hàng trăm bài báo trong nước và ngoài nước để hiểu kỹ được những nguyên nhân và tác động của virus trong không khí. Sau đó, mới có thể tìm ra số liệu và vị trí thực nghiệm để tính toán ra con số chính xác nhất, ra kết quả cuối cùng hợp lý nhất.

Đánh giá đề tài nghiên cứu của nhóm sinh viên Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Ngô Trần Công Luận cho rằng, kết quả nghiên cứu của các sinh viên đã một phần nào đó tìm ra cơ chế lây lan của virus SARS-CoV-2 trong không khí, dù chỉ mới là kết qủa ban đầu nhưng trong tương lai, những phát hiện của các sinh viên phần nào giúp các cơ quan chống dịch nắm bắt được các giải pháp giảm sự lây lan dịch bệnh.

“Các bạn sinh viên dù thuộc Khoa Kỹ thuật Xây dựng, nhưng đã rất nỗ lực tìm tòi cách vận hành của từng thiết bị điện, sự phát triển của virus và nguyên lý lây nhiễm của virus. Điều này cho thấy ý thức trách nhiệm trong việc chung tay chống dịch của các bạn trẻ rất tốt và điều này cần phải nhân rộng”, Tiến sĩ Ngô Trần Công Luận cho biết thêm.

Theo nhóm nghiên cứu, các kết quả trong khảo sát hiện tại chỉ phù hợp với địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, nhưng để áp dụng cho các tỉnh, thành khác cũng không quá khó. Đơn giản là thay đổi các thông số tuỳ theo đặc điểm từng địa phương, từ đó đưa ra kết luận chính xác với địa phương đó.

Sinh viên Bách khoa nghiên cứu và đưa ra giải pháp hạn chế lây lan Covid-19
Nhóm sinh viên nghiên cứu giao lưu với các tiến sĩ, chuyên gia sau buổi công bố kết quả. Ảnh: CEMD

Được biết, cả nhóm nghiên cứu vẫn đang tiếp tục hoàn thiện và đào sâu thêm nhiều cơ chế lây lan khác của virus SARS-CoV-2, từ đó có thể có một bức tranh tổng quát về con đường lây nhiễm, quá trình lây nhiễm và giải pháp để hạn chế lây nhiễm dịch bệnh. Theo kế hoạch ban đầu, cả nhóm sẽ hoàn thành nghiên cứu trong vòng 12 tháng.

Tiến sĩ Ngô Trần Công Luận cũng cho biết, đề tài nghiên cứu của các sinh viên Đại học Bách khoa hiện tại là rất cấp thiết, khi dịch Covid-19 đang có dấu hiệu quay trở lại dù kết quả tiêm vắc-xin đạt tỷ lệ cao. Nhưng do các biện pháp phòng dịch hiện nay còn ít và chưa đầy đủ, vì vậy số ca nhiễm mới trên cả nước vẫn lên đến hàng nghìn ca mỗi ngày.

Kết quả nghiên cứu cuối cùng của nhóm nghiên cứu trong tương lai có thể được áp dụng vào các trường học, bệnh viện, quán ăn… Hỗ trợ cho lực lượng chống dịch trong quá trình kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn.

Minh Tuấn

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích