Cuộc thi GreenTech – Thắp sáng những giải pháp công nghệ xử lý CTRSH mang giá trị thực tiễn cao

(TN&MT) – Tìm giải pháp để xử lý chất thải rắn sinh hoạt, mang lại hiệu quả bảo vệ môi trường cũng như tận dụng nguồn tài nguyên này luôn là chủ đề nóng được các cấp, ngành và các nhà khoa học quan tâm. Thông qua cuộc thi GreenTech, nhiều giải pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt mang giá trị thực tiễn cao đã được phát hiện và lan tỏa.

Quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại nước ta trong nhiều năm qua đã và đang được Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương chú trọng. Thực tế cho thấy, một số phương pháp xử lý Quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) học tập từ nước ngoài mang vào áp dụng đều không hiệu quả do đặc thù rác thải chưa được phân loại kỹ tại nguồn. Phương thức xử lý phổ biến nhất hiện nay vẫn là chôn lấp không hợp vệ sinh với kỹ thuật đơn giản hoặc đốt không đúng quy cách…

Lượng rác thải sinh hoạt xả ra môi trường rất lớn, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Với phương pháp sản xuất phân hữu cơ hiện không quá phổ biến và chỉ giải quyết được một lượng nhỏ rác thải sinh hoạt. Việc đầu tư dây chuyền công nghệ để sản xuất phân hữu cơ cũng khá tốn kém. Hơn nữa, việc sử dụng phân hữu cơ trong nông nghiệp chưa được phổ biến rộng rãi, vì thế nguồn cung không lớn. Nếu phân hữu cơ không có ưu điểm vượt trội thì rất khó cạnh tranh với các loại phân bón truyền thống.CTRSH thường chứa độ ẩm cao, do đó phương pháp đốt không phải là cách làm tối ưu. Mặt khác, việc đầu tư một lò đốt công nghiệp thường yêu cầu kinh phí khá lớn. Công nghệ đốt nếu vận hành không đúng kỹ thuật sẽ sinh ra các chất làm ô nhiễm không khí, do đó lại cần có thêm hệ thống xử lý khí thải khi áp dụng phương pháp đốt.

Trước tình hình này, vấn đề lựa chọn công nghệ xử lý rác thải phù hợp là một nhiệm vụ quan trọng được đặt ra cho các nhà khoa học và các cấp chính quyền. Làm thế nào để lựa chọn được phương pháp xử lý phù hợp với tính chất rác thải cũng như điều kiện kinh tế nước ta; làm thế nào để những phương pháp này có thể ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn và gắn bó mật thiết với đời sống của người dân… đang là một câu hỏi khó.

Tại Cuộc thi GreenTech – Sáng kiến, giải pháp, mô hình giảm thiểu và xử lý chất thải rắn sinh hoạt năm 2020 trên toàn quốc do Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức, có một sáng kiến về giải pháp công nghệ xử lý CTRSH mang tên Hệ thống xử lý rác thải sinh hoạt (Compost tea) và trồng rau/ cây cảnh quy mô hộ gia đình của Trung tâm Sinh thái Nông nghiệp đã để lại nhiều ấn tượng cho Ban Tổ chức. Sáng kiến đã đạt Giải Nhì hạng mục II – Giải pháp công nghệ xử lý CTRSH của Cuộc thi.

Hệ thống xử lý rác thải sinh hoạt và trồng rau của  Trung tâm Sinh thái nông nghiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Với mục đích xử lý tại chỗ các loại rác hữu cơ dễ phân hủy, tìm ra giải pháp tiện lợi hơn so với quá trình ủ phân thông thường, không thất thoát dinh dưỡng, giảm thời gian xử lý, giảm nhân công và giảm ô nhiễm môi trường, đồng thời tạo ra nguồn thực phẩm sạch cung cấp cho hộ gia đình, tạo cảnh quan, tăng lượng cây xanh trong khu đô thị, Trung tâm Sinh thái Nông nghiệp, Học Viện Nông Nghiệp Việt Nam đã tạo ra giải pháp Hệ thống xử lý rác thải sinh hoạt (Compost tea) và trồng rau/cây cảnh quy mô hộ gia đình.

Ông Phạm Văn Hội, Giám đốc Trung tâm Sinh thái nông nghiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Chia sẻ về khởi nguồn hình thành nên ý tưởng này, ông Phạm Văn Hội, Giám đốc Trung tâm Sinh thái nông nghiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam nói: “Cũng mất rất nhiều năm nghiên cứu và quan sát và thực hành trên một số mô hình, chúng tôi nghĩ rằng hoàn toàn có thể thiết kế một giải pháp cho đồ ăn thừa trực tiếp. Bởi vì nếu so sánh về mặt dinh dưỡng, chúng ta có thể khẳng định, đồ ăn thừa của con người là thứ có giá trị dinh dưỡng cao nhất và đa dạng nhất so với tất cả các loại phân bón đang có trên thị trường hiện nay. Trong khi đó đồ ăn chúng ta dùng xong lại bỏ đi hết, trở thành chất thải gây ô nhiễm môi trường hoặc lãng phí khi đổ chung vào những loại rác thải khác. Trong khi giá trị của nó nếu biết khai thác thì sẽ đạt được đa mục đích: Thứ nhất là khai thác được đa dạng về dinh dưỡng và sức mạnh về dinh dưỡng để quay ngược trở lại cho vấn đề nông nghiệp; Thứ hai là bảo vệ môi trường. Bản thân tôi cũng là một giáo viên ngành môi trường nên những gì mà chúng tôi làm cũng đặt rất nhiều mục tiêu cho môi trường”.

 

Sơ đồ hoạt động của mô hình Compost tea

Mô hình này đã được các kỹ sư của Trung tâm Sinh thái Nông nghiệp thử nghiệm tại tổ dân phố Thành Trung, thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội từ tháng 6/2019. Qua quá trình quan sát, các kỹ sư nhận thấy rằng, CTRSH tại khu dân phố này được ban quản lý rác chỉ đạo thu gom theo quy định, trong đó một số ít chất thải có thể tái chế được thu gom bởi người mua và tái chế phế liệu, một số ít thức ăn thừa được tận dụng để nuôi gia súc, gia cầm, tận dụng ủ phân bón cho cây trồng. Vì vậy mà việc xử lý CTRSH còn nhiều hạn chế và lãng phí.

Giải pháp Compost tea khi đưa vào hoạt động có thể áp dụng cho toàn bộ hộ gia đình có cây cảnh ban công hoặc gia đình có diện tích sân thượng để trồng rau. Hệ thống xử lý được rác thải hữu cơ dễ phân hủy, không mùi, đồng thời cung cấp lượng rau sạch lớn cho gia đình, vận hành tốt, tưới tự động cho toàn bộ cây cảnh. Nhờ sự tiện dụng, vận hành đơn giản mà mô hình Compost tea có thể dễ dàng được nhân rộng trên quy mô nhiều hộ gia đình.

Tại cuộc thi GreenTech, mô hình này được đông đảo cộng đồng biết đến và tạo hiệu ứng tích cực. Vui mừng về sức lan tỏa này, ông Phạm Văn Hội chia sẻ: “Tôi thấy cuộc thi thực sự có ý nghĩa khi tạo ra sân chơi đa dạng cho rất nhiều người từ học sinh tiểu học cho đến giáo viên và các cán bộ nghiên cứu, thậm chí có thể chỉ là một người bình thường. Mục tiêu của cuộc thi thực sự tốt. Vì chúng ta phải khẳng định với nhau rằng chất lượng của môi trường mới quyết định đến tăng trưởng kinh tế chứ không phải là ngược lại”.

Báo cáo hiện trạng môi trường Quốc gia năm 2019 cho biết, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên toàn quốc năm 2019 đã tăng 46% so với năm 2010. Sự đa dạng về thành phần CTRSH, đặc biệt trong những năm gần đây, lượng chất thải khó phân hủy như các đồ dùng nhựa, túi ni lông gia tăng chóng mặt, khiến cho việc xử lý CTRSH trở nên càng ngày càng khó khăn. Trong khi thực tế, ý thức bảo vệ môi trường của người dân chưa cao và thiếu những mô hình, giải pháp, công nghệ hiệu quả trong quản lý, xử lý.

Nước sau khi được xử lý từ hệ thống 

Cuộc thi GreenTech do Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức đã góp phần thắp lửa cho những sáng kiến, giải pháp, mô hình khả thi trong việc giải quyết vấn đề CTRSH ra đời, nâng cao ý thức của các cá nhân, tập thể và cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường sống. Trên hết, đây là những sáng kiến thiết thực, có thể nhân rộng và tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ.

Bày tỏ mong muốn có thể nhân rộng hơn nữa những giải pháp công nghệ xử lý CTRSH sau cuộc thi GreenTech, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường chia sẻ: “Chúng tôi rất mong chúng ta có thể tổ chức thêm nhiều hoạt động khác như các triển lãm hay diễn đàn về công nghệ định kỳ hàng năm để các ý tưởng sáng tạo được thể hiện mình với sự tham gia rộng rãi của nhiều đối tượng, làm sao để những giải pháp này đem lại hiệu quả thực tiễn trong đời sống, sản xuất kinh doanh và mang lại lợi ích thiết thực cho bảo vệ môi trường trong thời gian tới”.

Bạn cũng có thể thích