Bộ Xây dựng: ‘Có cá nhân mua cả một quả đồi rồi tách bán 2.000 lô đất mà không lập dự án’

Bộ Xây dựng: 'Có cá nhân mua cả một quả đồi rồi tách bán 2.000 lô đất mà không lập dự án'
Những đồi chè tại Lâm Đồng bị chuyển thành “dự án bất động sản”. Ảnh: CAND

Như VietnamFinance đã đề cập trong nhiều bài viết trước, dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản hiện đang được Bộ Tư pháp thẩm định.

Sau gần 6 năm thực hiện, Nghị định số 76/2015/NĐ-CP đã tạo hành lang pháp lý giúp các địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước về thị trường bất động sản nói chung và hoạt động kinh doanh bất động sản nói riêng, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh bất động sản, góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản của Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đã đạt được thì cũng đã xuất hiện một số tồn tại, vướng mắc đòi hỏi phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế nội dung của Nghị định số 76/2015/NĐ-CP cho phù hợp với tình hình thực tiễn cũng như bảo đảm sự thống nhất với các quy định có liên quan vừa được Quốc hội, Chính phủ ban hành.

Hiện nay, số lượng, cơ cấu các chủ thể tham gia thị trường bất động sản đã phong phú và đa dạng, chuyên nghiệp hơn 10 năm trước đây. Không chỉ là các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có quy mô nhỏ tham gia đầu tư kinh doanh bất động sản mà đã xuất hiện các doanh nghiệp tư nhân có tiềm lực vốn lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia.

Đến nay, đã có hàng chục ngàn doanh nghiệp, tập đoàn lớn tham gia vào đầu tư kinh doanh bất động sản (đến năm 2019, cả nước có khoảng 100.000 doanh nghiệp xây dựng và 15.000 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản). Trong năm 2020, số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thành lập mới lên tới 6.694 doanh nghiệp. Ngoài các chủ thể là các tổ chức, cá nhân trong nước, còn có sự tham gia ngày càng nhiều của các tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Bộ Xây dựng cho biết theo khoản 2 điều 10 của Nghị định số 76/2015/NĐ-CP quy định về các trường hợp kinh doanh bất động sản nhỏ lẻ, không thường xuyên không phải thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Trong đó có một số nội dung quy định chưa rõ ràng khi áp dụng, như việc xác định trường hợp nào là bán, cho thuê, cho thuê mua nhà, công trình xây dựng thuộc sở hữu của mình với trường hợp mua, nhận chuyển nhượng nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua.

Hay trường hợp nào là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua mà không phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về nhà ở.

Đặc biệt, quá trình theo dõi, rà soát tình hình thị trường bất động sản trong những năm gần đây, Bộ Xây dựng chỉ ra thị trường bất động sản thời gian qua có nhiều hiện tượng tổ chức, cá nhân không thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nhưng đã mua bán các bất động sản có giá trị rất lớn, mua đi bán lại nhiều bất động sản, nhiều lần nhằm làm tăng giá bất động sản để đầu cơ kiếm lợi.

Một số trường hợp mua gom đất rồi phân lô đất để chuyển nhượng mà không thực hiện thủ tục đầu tư dự án bất động sản.

Điển hình, Bộ Xây dựng cho biết có hiện tượng tại tỉnh Lâm Đồng, một cá nhân mua cả một quả đồi rồi tự ý thay đổi hiện trạng đất, làm đường giao thông, phân lô bán nền đất lên đến trên 2.000 lô đất trên diện tích gần 36ha nhưng không lập dự án đầu tư, không làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, cho phép…

“Các hoạt động này đã gây bất ổn, làm méo mó thị trường bất động sản, làm phát sinh các rủi ro cho các tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh bất động sản, nhà nước bị thất thu thuế”, Bộ Xây dựng nhấn mạnh.

Đáng chú ý, thị trường bất động sản cũng xuất hiện hiện tượng cá nhân mua số lượng rất lớn bất động sản rồi bán lại sang tay kiếm lợi; cá nhân tham gia đấu giá quyền sử dụng đất do nhà nước tổ chức đấu giá đất để đấu giá mua số lượng rất lớn các lô đất nhưng không nộp tiền đúng quy định mà tổ chức mua bán sang tay kiếm lợi ngay sau khi trúng đấu giá.

Bộ Xây dựng dẫn ví dụ trường hợp xảy ra tại tỉnh Thái Bình, có cá nhân thường xuyên tham gia đấu giá đất để mua hàng trăm lô đất thông qua các cuộc đấu giá đất, nhưng lại chậm, nợ nộp tiền đất và ngay sau đó tổ chức bán sang tay các lô đất vừa trúng đấu giá. Có những trường hợp dẫn đến vi phạm pháp luật hình sự phải xử lý.

Ngoài ra, còn một số bất cập trong việc xác định trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản nhỏ lẻ, không thường xuyên, chủ yếu là trong việc xác định kinh doanh bất động sản thuộc sở hữu của mình với các trường hợp mua, nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua; xác định hoạt động của hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản do đầu tư dự án bất động sản để kinh doanh nhưng dự án có tổng mức đầu tư dưới 20 tỷ đồng; doanh nghiệp thực hiện hoạt động kinh doanh bất động sản nhưng không có nghành nghề kinh doanh bất động sản…

Chính vì vậy, Bộ Xây dựng cho rằng cần thiết phải sửa đổi, thay thế các điều khoản của Nghị định 76/2015/NĐ-CP mà có liên quan tới xác định tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản quy mô nhỏ, không thường xuyên để đảm bảo tính chặt chẽ của quy định pháp luật, phản ánh kịp thời yêu cầu thực tiễn của thị trường bất động sản, yêu cầu đối với công tác quản lý nhà nước đối với thị trường bất động sản.

Cơ quan này đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về các trường hợp kinh doanh, giao dịch bất động sản quy mô nhỏ như sau: đầu tư xây dựng nhà ở, công trình xây dựng để kinh doanh trên diện tích đất đến 1.000m2 tại khu vực đô thị và đến 3.000m2 tại khu vực nông thôn; bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu của mình có quy mô diện tích dưới 2.000m2 sàn xây dựng; bán, cho thuê, cho thuê mua công trình xây dựng thuộc sở hữu của mình có quy mô diện tích dưới 5.000m2 sàn xây dựng.

Copy Link

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích