Kiến trúc độc đáo của chùa La Hán – điểm đến tại Sóc Trăng

Kiến trúc độc đáo của chùa La Hán – điểm đến tại Sóc Trăng

Chùa La Hán – ngôi chùa của đồng bào dân tộc Hoa ở miền Tây hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp cổ kính, bề thế và lối kiến trúc độc đáo với những nét đường chạm trổ tinh xảo.

Chùa La Hán tọa lạc tại khóm Cầu Đen, phường 8, thành phố Sóc Trăng do cộng đồng người Hoa sinh sống tại tỉnh này xây dựng.

Ông Thái Tuấn, thành viên Ban Trị sự chùa La Hán cho biết: Chùa La Hán được xây dựng từ năm 1952 do các bô lão người Hoa thờ những vị thần thánh để khấn vái cầu nguyện. Diện tích lúc đó của chùa là 1.000 m2.

Ban đầu, chùa chỉ là một gian nhà tranh đơn sơ với vách ván để thờ phụng các chư Phật, trong đó nổi bật nhất là hình ảnh của 18 vị La Hán. Cũng vì vậy chùa thường được người dân địa phương gọi theo các tượng Phật nên mới có tên chùa La Hán. Lúc bấy giờ, đây là chốn tu tập của Phật tử và là địa điểm để bà con quanh xóm cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, làm ăn thuận lợi.

Đến năm 1956 chùa bị một cơn bão lớn tàn phá nặng nề. Người dân địa phương sau đó đã góp công sức để xây dựng lại ngôi chùa bằng gỗ và gạch ngói. Từ đó cho đến năm 1990, chùa được xây dựng thêm chánh điện thờ Phật Thích Ca và đền thờ Bà Thiên Hậu với diện tích mở rộng thêm 2.000 m2. Năm 2012, Ban Trị sự chùa đã vận động mở rộng khuôn viên chùa lên đến 7.000 m2.

3859-z4133394973350_96562741b378acdd896b7bb29e2e2b78-1437

Chùa La Hán được xây thành 2 tầng: Tầng trên thờ phụng Phật Thích Ca, Thập Bát La Hán, Thái Thượng Lão Quân và chư Bồ Tát; tầng dưới thờ phụng Thiên Hậu Nương Nương, Bạch hầu Công, Ôn Thần và chư Tiên Cô, Tiên Hữu. Phía sân trước của chùa thờ Phước Đức Lão Ông, tượng Phật Bà Quan Âm, cùng cảnh vật như: ao sen, núi Phổ Đà, đèn bát bửu, các tượng tạc rồng bay phượng múa, đôi ngọc kỳ lân và còn có hồ rùa với ngôi đình.

Khối kiến trúc chùa là một tòa nhà hai tầng với mái “trùng thiềm điệp ốc” vươn lên cao. Mặt tiền chùa treo 3 bảng hoành. Bảng trên cùng đề “Tung quán tứ phương” tức là vươn lên theo chiều dọc để quan sát bốn phương; bảng thứ 2 ở tầng trên đề “Vĩnh Thiền tự” tức là chùa Vĩnh Thiền; bảng ở tầng trệt đề “La Hán đàn” tức là nơi cao của các vị La Hán.

z4186619742697_d7c4de993376577633bff70df52f630b-1436

Gian thờ tự chính của chùa là gian trước của tầng trên. Ở vị trí trang trọng nhất là “Đại Hùng bửu điện” thờ Phật Thích Ca và 18 vị La Hán đứng chầu 2 bên. Đại Hùng bửu điện là gian thờ chính và quan trọng nhất của một ngôi chùa Phật giáo Bắc tông nhưng ở chùa La Hán, ngoài Phật Thích Ca và các vị La Hán, còn có tượng thờ Huê Quang Đại đế (một vị thần tiên của Đạo giáo) với kích thước nhỏ được đặt ngay trước tượng Phật Thích Ca.

Phối thờ ở gian phía trước còn có các vị: Lý Đạo Minh Thiên tôn (tức Lý Thiết Quải – một vị trong bát tiên sống dưới thời Hán) và Tống Thiền Tổ sư (một vị đại danh tăng người gốc Triều Châu sống cuối thời Minh đầu thời Thanh).

Theo truyền thuyết, Tống Thiền Tổ sư tu theo Phật giáo nhưng lại mộng được Lý Đạo Minh (vị tiên Đạo giáo) điểm hóa, qua đó tham thiền mà đắc đạo. Khánh thờ Tống Thiền Tổ sư treo bức hoành đề “Vĩnh thiền vạn cổ” (tham thiền mãi muôn đời)…

Không chỉ thu hút du khách bởi hệ thống thờ tự, chùa La Hán còn khiến du khách trầm trồ bởi nhiều công trình nghệ thuật độc đáo “có một không hai”. Cụ thể, trong khuôn viên chùa, phía bên trái là một con chim phượng hoàng (phụng) được tạo hình bằng cách ghép những tảng đá tự nhiên và đá màu, phần đuôi được ghép bởi đá màu xòe ra tạo thành một hốc đá thờ Bồ tát Quán Thế Âm. Bên trên khắc 3 chữ “Phổ Đà sơn” tức là một trong bốn ngọn núi linh thiêng của Phật giáo Trung Hoa.

Bên phải là một con rồng (long) khổng lồ được tạo hình bằng xi măng cốt thép nhưng được cẩn đá miểng rất độc đáo và tinh xảo. Kế bên là Bát Tiên đình, đây là một nhà hóng mát có tám cạnh trông như những “thập lý đình” mà người Trung Hoa xưa dựng nên để khách bộ hành ghé đến nghỉ chân….

z4204406287827_5262e32bf617ad472614e27e55d2ee16-1436

Trong khuôn viên chùa còn có một công trình kiến trúc mô phỏng Vạn Lý Trường Thành đã tô điểm cho khuôn viên thêm phần xinh đẹp và hoành tráng cùng với những hồ nước trồng nhiều hoa sen…

Ông Thái Tuấn cho biết thêm, vào mỗi dịp lễ lớn của nhà Phật, Ban Trị sự chùa La Hán đều tổ chức cúng kiến vô cùng trang trọng.

Đặc biệt vào dịp Tết Nguyên Tiêu, chùa thường tổ chức lễ hội rước đèn, bửu tháp, bánh phước với ý nghĩa mang điều tốt lành đến cho mọi nhà và động viên tinh thần làm việc hăng hái trong năm.

Vào ngày lễ Vu Lan (tháng 7 âm lịch), nhà chùa cũng tổ chức phát muối ăn và gạo trắng cho những hộ gia đình nghèo khó ở địa phương.

Bên cạnh đó, Ban Trị sự chùa La Hán thường xuyên mua gạo giúp người dân khó khăn, tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ quỹ vì người nghèo, quỹ khuyến học,…

Bạn cũng có thể thích