Khu kinh tế Nghi Sơn: Điểm sáng cho nhà đầu tư

(Xây dựng) – Là một trong 8 khu kinh tế trọng điểm của cả nước, có diện tích hơn 100 nghìn ha và được chia làm 55 phân khu chức năng (gồm cảng biển, công nghiệp, đô thị và sinh thái), hệ thống giao thông thuận lợi, đặc biệt là chính sách ưu đãi, Khu kinh tế Nghi Sơn đang là điểm sáng cho các nhà đầu tư.

Khu kinh tế Nghi Sơn: Điểm sáng cho nhà đầu tư
Hệ thống giao thông kết nối đồng bộ, hiện đại, quỹ đất phát triển công nghiệp rộng lớn với các chính sách ưu đãi đang là lợi thế cho các nhà đầu tư khi đầu tư vào Khu kinh tế Nghi Sơn. (Ảnh: VPKKTNS)

Với phương châm “trải thảm đỏ” đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa, đặc biệt là đầu tư vào Khu kinh tế Nghi Sơn với nhiều chính sách ưu đãi như: Ưu đã về thuế thu nhập doanh nghiệp; ưu đãi về thuế xuất khẩu, nhập khẩu… Ngoài ra, những năm qua tỉnh Thanh Hóa đã huy động sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư kế cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ nhằm kết nối các vùng trong khu vực.

Trong 3 năm trở lại đây, tổng số nguồn vốn các dự án vào Khu kinh tế Nghi Sơn, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, UBND thị xã Nghi Sơn làm chủ đầu tư với tổng nguồn vốn bố trí khoảng 4.747 tỷ đồng. Với nguồn vốn này, nhiều dự án có tầm vóc và ý nghĩa kết nối đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, như: Dự án đường Đông Tây 4 đi cảng Nghi Sơn; Dự án cải dịch sông Tuần Cung, Dự án tuyến đường Hải Hòa – Bình Minh… Nhiều công trình hạ tầng thiết yếu, các dự án đầu tư trọng điểm cũng đang được đầu tư, như: Đường từ Quốc lộ 1A đến điểm đầu đường Đông Tây 4 đi cảng Nghi Sơn; đường Đông Tây 4 đi cảng Nghi Sơn – Khu kinh tế Nghi Sơn…

Với hạ tầng cảng biển, Ban Quản lý KKTNS và các Khu công nghiệp đã hỗ trợ nhà đầu tư khai thác cảng biển tập trung nguồn vốn đầu tư hoàn thiện, phát triển hệ thống cảng biển Nghi Sơn theo Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hiện đã có 14/21 khu vực cảng tổng hợp hoàn thành và đưa vào khai thác kinh doanh, có thể tiếp nhận tàu có trọng tải đến 70.000 DWT giảm tải; 7/21 bến cảng còn lại nhà đầu tư đang tiếp tục triển khai xây dựng theo quy hoạch. Tại khu vực cảng chuyên dụng đã có 11/20 bến đi vào hoạt động cùng với các dự án, gồm: 5 bến của dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn; 1 bến của dự án Nhà máy Xi măng Nghi Sơn; 5 bến của các dự án thuộc các nhà máy nhiệt điện. Ngoài ra, một số khu bến cho Tổng Công ty Đầu tư xây dựng và thương mại Anh Phát – CTCP, 2 bến cảng của Công ty CP Xi măng Công Thanh, 1 bến cảng do Công ty TNHH MTV Tân Thành 8 cũng đang được chủ đầu tư tích cực triển khai thực hiện.

Khu kinh tế Nghi Sơn: Điểm sáng cho nhà đầu tư
Cảng biển chuyên dùng với nhiều bến đi vào hoạt động tạo điều kiện thuận lợi cho luân chuyển hàng hóa. (Ảnh: VPKKTNS)

Đặc biệt, hướng tới xây dựng các khu cảng container chuyên dụng, tỉnh Thanh Hóa đang chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng để sớm tiến hành khởi công khu bến số 3, 4, 5 và 6 và khu phát triển logistics do Công ty TNHH Long Sơn làm chủ đầu tư; hỗ trợ Công ty CP Tập đoàn VAS Nghi Sơn hoàn thiện thủ tục triển khai xây dựng 4 bến cảng chuyên dụng và Liên danh nhà đầu tư Hokuetssu (Nhật Bản) và Lee&Man (Hồng Kông) nghiên cứu thực hiện đầu tư Dự án Tổ hợp giấy và năng lượng tại Khu kinh tế Nghi Sơn gắn với đầu tư cảng.

Ngoài ra, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp đang đề xuất với Trung ương và tỉnh Thanh Hóa nghiên cứu, đầu tư thêm một số tuyến đường kết nối như: tuyến đường Đông Tây 4 đi Cảng Nghi Sơn nối đường vành đai công nghiệp Tân Trường với giá trị đầu tư 6.603 tỷ đồng; đường Đông Tây 2 và đường Đông Tây, đoạn nối đường Bắc Nam 1B với đường Bắc Nam 4. Cùng với đó cải cách thủ tục hành chính cũng được đẩy mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư theo hướng phục vụ.

Đến nay, Khu kinh tế Nghi Sơn có 143 doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 35 nghìn lao động, trong đó hai dự án công nghiệp chủ lực, quy mô lớn là Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn và Trung tâm nhiệt điện Nghi Sơn có đóng góp quan trọng trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Với mục tiêu đầu tư phát triển Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu đa dạng của các nhà đâu tư. Đây có thể nói là điểm sáng cho các nhà đầu tư.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích