Khan hiếm giáo viên ứng tuyển các môn đặc thù tại TP.HCM

Tại buổi giám sát ở Trường tiểu học Hà Huy Giáp (quận 12), bà Nguyễn Hoàng Yến, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, trường hiện có 67 lớp với 3.369 học sinh, trung bình khoảng 50 học sinh/lớp. Vì tỷ lệ học sinh quá đông trong khi cơ sở vật chất hạn chế, cộng thêm số học sinh đầu cấp tăng hàng năm, việc đáp ứng dạy học 2 buổi/ngày cho 100% các lớp thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 là rất khó. Đến nay, trường chỉ có 22 lớp được học 2 buổi/ngày. Trong số này, có 14 lớp khối lớp 5 được học 2 buổi/ngày tại Trường THCS Tô Ngọc Vân (mượn tạm cơ sở).

TP.HCM: Đề xuất mở phố đêm chợ Lớn tại quận 6
Toàn cảnh buổi làm việc của Đoàn giám sát Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Theo bà Nguyễn Hoàng Yến, vấn đề khó khăn mà nhà trường đang gặp phải là tình trạng thiếu giáo viên các môn đặc thù như Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục và không tuyển dụng được do không có hồ sơ giáo viên đăng ký tuyển dụng những vị trí trên. Ngoài ra, việc giáo viên dạy 2 buổi/ngày để thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 mà không nhận được khoản hỗ trợ dạy học 2 buổi/ngày so với các khối lớp khác cũng đã ảnh hưởng đến tâm lý, đời sống của giáo viên.

Từ thực tiễn khó khăn, bà Nguyễn Hoàng Yến đề xuất TP.HCM sớm phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án xây dựng mới trường học trên địa bàn quận, phường và có chính sách hỗ trợ giáo viên dạy học 2 buổi/ngày thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

TP.HCM: Đề xuất mở phố đêm chợ Lớn tại quận 6
Trường tiểu học Hà Huy Giáp chỉ có 22/67 lớp được học 2 buổi/ngày.

Tại buổi giám sát ở Trường THCS Trần Quang Khải (quận 12), ông Đinh Văn Trịnh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhà trường gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Trong đó, khó khăn chung là hiện sĩ số học sinh quá đông, trường bị thiếu phòng học đa năng. Trường cũng không có phòng học nghệ thuật và một số phòng để giảng dạy bộ môn khoa học tự nhiên, tiếng Anh… Điều này đã ảnh hưởng đến việc dạy và học theo chương trình mới.

Hiện tượng thiếu giáo viên cục bộ vẫn tồn tại ở môn Công nghệ, Thể dục, Kỹ thuật nông nghiệp, Tin học. Do 5 năm tuyển không được giáo viên nên nhà trường phải phân giáo viên môn Sinh qua dạy. Tuy vậy, để không làm gián đoạn việc dạy học, nhà trường đã khắc phục bằng nhiều giải pháp như mời giáo viên thỉnh giảng, yêu cầu giáo viên bộ môn tăng tiết có hưởng phụ cấp.

Ông Trịnh cho biết, giáo viên hiện vẫn còn lúng túng, thiếu tự tin khi dạy chương trình mới ở các môn tích hợp. Mặc dù 100% giáo viên dạy môn lịch sử và địa lí, khoa học tự nhiên của trường đã được bồi dưỡng, có chứng chỉ nhưng vẫn mất nhiều thời gian để chuẩn bị, đầu tư cho môn học.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhìn nhận, dù khó khăn đến mấy, tập thể đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cần phải tiếp tục đặt niềm tin, tin tưởng tuyệt đối vào mục tiêu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Trên cơ sở khảo sát tình hình thực tiễn ở một số trường học, Đoàn giám sát sẽ có tổng hợp báo cáo Quốc hội, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các bộ ngành có liên quan.

“Quyết tâm thôi chưa đủ, chúng ta vẫn cần phải có giải pháp và giải pháp thì không của riêng ai mà của tất cả tập thể. Tính tự chủ của giáo viên, nhà trường là việc cần phải phát huy và đẩy mạnh hơn”, bà Hoa cho biết thêm.

Trong những ngày tới, đoàn sẽ tiếp tục khảo sát ở Trường tiểu học Bình Phước, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Cần Giờ (huyện Cần Giờ); Trường Tiểu học Lương Thế Vinh, Trường tiểu học, THCS và THPT Hermann Gmeiner (quận Gò Vấp); Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5) và Trường Tiểu học – THCS – THPT Hoàng Gia (quận 7).

Minh Tuấn

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích