Hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ tràn lan trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk, trong tháng 1/2024, các Đội Quản lý thị trường trực thuộc đã đồng loạt ra quân kiểm tra nhiều cơ sở trên toàn địa bàn, qua đó xử lý 74 vụ vi phạm quy định của pháp luật, với tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước hơn 600 triệu đồng. Đa phần trong số đó là các vụ vi phạm của các cơ sở kinh doanh về bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả mạo thương hiệu nổi tiếng…

Đặc biệt, theo ghi nhận của lực lượng chức năng, lúc cận tết Nguyên đán là thời điểm “vàng” để hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc xuất xứ tràn lan trên thị trường. Các cơ sở kinh doanh, gian thương giả mạo thương hiệu nổi tiếng, đánh lừa, móc túi người tiêu dùng lực lượng chức năng phải thường xuyên kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh các mặt hàng quần áo, mỹ phẩm, thực phẩm… trên địa bàn. Bởi lẽ, đây là những mặt hàng có nhu cầu mua sắm cao của người dân và rất dễ bị làm giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Các chủ kinh doanh thường dùng nhiều cách thức tinh vi để qua mắt lực lượng chức năng nhằm “móc túi” người tiêu dùng. Lực lượng quản lý thị trường phải rất vất vả để xử lý, đảm bảo an toàn về sức khỏe, quyền lợi của người dân.

Ngoài ra, đây cũng là thời điểm tình hình buôn lậu mặt hàng vàng có diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng, của tổ chức, cá nhân kinh doanh mặt hàng vàng.

Hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc xuất xứ tràn lan trên địa bàn tỉnh  Đắk Lắk. Ảnh: Lao động

Đơn vị đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý địa bàn, giám sát thị trường đối với mặt hàng này. Đặc biệt tập trung các nhóm hành vi buôn lậu, thao túng, đầu cơ, trục lợi, niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết… bảo đảm thị trường vàng trên địa bàn tỉnh hoạt động ổn định, minh bạch, an toàn, lành mạnh, hiệu quả, lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk thông tin thêm.

Cụ thể, vào ngày 8/12/2023, qua công tác nắm tình hình, tổ công tác của Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện, bắt quả tang đối tượng Võ Văn Thao sinh năm năm 1974, trú ở phường Thiện An, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk có hành vi điều khiển xe ô tô biển số 47C-199.46 vận chuyển 9.700 bao thuốc lá nhãn hiệu JET đang chuyển vào kho tại địa chỉ số 16 Nguyễn Thị Minh Khai, phường An Bình, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk.

Tiếp tục kiểm tra kho trên, lực lượng Công an phát hiện thêm 9.900 bao thuốc lá điếu nhãn hiệu JET đang cất giấu ở trong kho. Qua đấu tranh, đối tượng Thao khai nhận toàn bộ 19.600 bao thuốc lá này Thao nhận vận chuyển từ tỉnh Gia Lai về tại kho có địa chỉ trên của một người không rõ nhân thân lai lịch trong 2 ngày 7 và 8/12. Thao được người này hứa hẹn sẽ chia lợi nhuận sau khi bán được hàng. Được biết đối tượng Thao đã có 5 tiền án.

Ngày 5/2, Cục Quản lý thị trường thông tin qua cuộc kiểm tra đã xử lý 47 vụ vi phạm quy định pháp luật với tổng số tiền thu nộp vào ngân sách nhà nước là hơn 600 triệu đồng. Phần lớn các cơ sở kinh doanh đều là vi phạm vấn đề nguồn gốc, giả mạo thương hiệu nổi tiếng, không rõ giấy tờ…

Thực hiện đợt cao điểm phòng chống hàng giả, gian lận thương mại, hàng kém chất lượng dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh sẽ tiếp tục tập trung đấu tranh các loại tội phạm thường xảy ra nhiều như: buôn bán, sản xuất hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, nhằm vào các mặt hàng rượu bia, thuốc lá, bánh kẹo, nước giải khát và các mặt hàng đồ điện tử gia dụng, quần áo, may mặc… Đây là những công tác trọng tâm nhằm bảo đảm an ninh trật tự, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, chống thất thu thuế Nhà nước. Đồng thời bảo đảm nguồn hàng hóa, nhất là thực phẩm có xuất xứ rõ ràng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho người dân. 

An Dương (T/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích