Hạ nhiệt giá xăng dầu, hai bộ cần sớm chốt giải pháp

Giảm nốt Thuế Bảo vệ môi trường (BVMT), tạm dừng trích nộp Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng dầu trong nước, rút ngắn thời gian điều hành, tăng nguồn dự trữ xăng dầu quốc gia về lâu dài đồng thời giám sát chặt việc đảm bảo nguồn cung của các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối…. là những giải pháp được các chuyên gia và doanh nghiệp đưa ra.

ha nhiet gia xang dau hai bo can som chot giai phap
Giảm thêm thuế và đảm bảo dự trữ xăng dầu đúng quy định sẽ giúp bình ổn giá xăng dầu trong nước. Ảnh: Như Ý

Sớm giảm nốt Thuế BVMT

Trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu đầu mối lớn thẳng thắn cho rằng, đã đến lúc Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cần thể hiện trách nhiệm một cách rõ ràng và sòng phẳng với người dân trong việc hạn chế những tác động của giá xăng dầu đến nền kinh tế và người dân, doanh nghiệp.

Theo vị này, ngày 31/3/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 18, áp dụng từ ngày 1/4 đến hết ngày 31/12/2022, giảm 50% Thuế BVMT đối với xăng (trừ ethanol), dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn và giảm 70% mức thuế đối với dầu hỏa đã góp phần trực tiếp làm giảm giá bán lẻ 2.200 đồng/lít đối với xăng; 1.100 đồng/lít đối với dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn; 1.100 đồng/kg đối với mỡ nhờn; 770 đồng/lít đối với dầu hỏa.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng mạnh. Vì vậy, doanh nghiệp xăng dầu trong nước lỗ rất lớn.

ha nhiet gia xang dau hai bo can som chot giai phap
Giá xăng dầu tăng đang tác động rất xấu đến người nghèo, tạo áp lực lớn đến lạm phát. Ảnh: Như Ý

“Nếu Bộ Tài chính và Công Thương tiếp tục đề xuất giảm nốt Thuế BVMT với xăng dầu, thậm chí cả giảm thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ giúp áp lực tăng giá trong nước giảm rất nhiều. Đây cũng là biện pháp hỗ trợ trực tiếp tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp lúc này.

Theo tính toán của Bộ Tài chính với việc giảm thuế bảo vệ môi trường, số thu thuế đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ giảm xấp xỉ 12.000 tỷ đồng và thu ngân sách Nhà nước từ 1/4 đến hết năm 2022 sẽ giảm khoảng 23.954 tỷ đồng. Số tiền này nhìn thì to nhưng sẽ ít hơn rất nhiều nếu so với phần tiền ngân sách thu được từ thuế nhập khẩu khi giá xăng dầu liên tục tăng từ đầu năm đến nay. Vấn đề lúc này là Bộ Tài chính có đề xuất giảm thuế để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp hay không mà thôi”, vị này khẳng định.

Cũng theo vị lãnh đạo doanh nghiệp này, Bộ Tài chính thường nói giảm thuế sẽ ảnh hưởng thu ngân sách, nhưng thực tế, bản thân báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, khi đã giảm thuế Bảo vệ môi trường, thu nội địa 4 tháng đầu năm 2022 vẫn tăng 13% nhờ phát sinh khoản thu từ năm trước của cá nhân, tổ chức như thu cổ tức được chia của ngân hàng, thu từ xuất dầu thô.

Coi trọng đảm bảo nguồn dự trữ đúng luật

Theo các chuyên gia, việc rút ngắn thời gian điều hành thay vì quy định cứng 10 ngày điều chỉnh một lần như hiện nay, đồng thời các cơ quan quản lý như Bộ Công Thương và Bộ Tài chính phải sớm có chiến lược tạo dự trữ xăng dầu quốc gia về lâu dài… cũng là giải pháp tốt để bình ổn giá xăng dầu trong nước trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới liên tục tăng mạnh từ đầu năm.

Theo TS Lê Đăng Doanh, hiện xăng dầu đóng góp 3,52% GDP và chi tiêu cho xăng dầu chiếm 1,5% trong tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình nên việc giữ giá ổn định trong bối cảnh giá xăng dầu chịu biến động rất lớn trên thế giới là đặc biệt quan trọng.

“Việt Nam cần có chiến lược lâu dài, đặc biệt cần tạo dự trữ chiến lược xăng dầu quốc gia để bảo đảm sự an toàn về năng lượng và cho hoạt động của kinh tế. Trường hợp khi có biến động mạnh giá thế giới, bên cạnh giảm nốt các loại thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt, cơ quan quản lý cần rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu, thậm chí xuống còn 2 ngày điều chỉnh một lần thay vì 10 ngày mới điều chỉnh một lần như hiện nay”, TS Lê Đăng Doanh đề xuất.

PGS TS Ngô Trí Long cho rằng, theo Nghị định 83 trước đây, và hiện theo Nghị định 95, lúc nào các đầu mối xăng dầu cũng phải có dự trữ về lưu thông ít nhất là 20 ngày. Với một quốc gia như Việt Nam mà việc dự trữ xăng dầu, như Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cung cấp tại Quốc hội, chỉ dự trữ từ 5-7 ngày với lượng tiêu thụ mỗi tháng từ 1,8 – 1,9 triệu m3 như hiện nay là đáng lo ngại. Việc quốc gia chưa có hệ thống kho dự trữ riêng mà giao việc dự trữ này cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đầu mối là bất hợp lý.

Chưa kể các số liệu về xăng dầu dự trữ quốc gia và xăng dầu dự trữ tại doanh nghiệp hiện nay thế nào, có sự đánh tráo dự trữ quốc gia và xăng dầu lưu thông trên thị trường hay không cũng là điều các cơ quan quản lý cần làm rõ.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích