“Gương sáng Pháp luật” sẽ được tôn vinh nhân Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11

Đề án Bình chọn, tôn vinh cá nhân tiêu biểu trong xây dựng và thực hiện pháp luật (Gương sáng Pháp luật) được Bộ Tư pháp phê duyệt năm 2021, giao cho Báo Pháp luật Việt Nam chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện. Nhân Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11) năm 2021, Ban Tổ chức đã tiến hành lựa chọn, tôn vinh 50 cá nhân tiêu biểu trong cả nước (lần 1).

Tiếp nối thành công và ý nghĩa của Chương trình, năm nay, Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục phát động Chương trình Bình chọn, tôn vinh các cá nhân tiêu biểu trong xây dựng và thực hiện pháp luật (lần 2).

Đến nay, đã có 150 nhân vật được lựa chọn và đăng tải trên các ấn phẩm của Báo Pháp luật Việt Nam. Các nhân vật đa dạng về lĩnh vực công tác, tuổi tác, vị trí, đại diện cho 63 tỉnh, thành và các bộ, ngành. Các Gương sáng Pháp luật đại diện cho các lĩnh vực, Bộ, ngành, địa phương được bình chọn sẽ được vinh danh nhân dịp Ngày Pháp luật Việt Nam năm nay.

Theo đánh giá của Hội đồng bình chọn, trong số các gương sáng được phản ánh năm nay, có rất nhiều tấm gương điển hình, truyền cảm hứng như Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (nguyên Tư lệnh Quân khu 4, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân) tham gia hoạt động cách mạng từ tháng 4/1945 đến năm 1997 thì về hưu nhưng hơn 20 năm nay, hầu như năm nào ông cũng về lại chiến trường xưa thắp hương cho đồng đội và tìm kiếm, xác minh thông tin về các liệt sĩ trong chiến trường Tây Nguyên.

Ông không chỉ giúp các gia đình liệt sĩ tìm kiếm thông tin mà còn là “kho” tư liệu quý, là “bảo tàng sống” về chiến trường Tây Nguyên. Ông cũng chính là tác giả của “nguyên tắc hòa giải” trong Bộ luật Dân sự năm 1995 khi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội…

“Gương sáng Pháp luật” sẽ được tôn vinh nhân Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11
Hội đồng bình chọn thảo luận, bình chọn các tấm gương tiêu biểu

Một vị tướng khác cũng nhận được nhiều biểu dương của độc giả Báo Pháp luật Việt Nam là Thiếu tướng, PGS.TS Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp (V03), Bộ Công an. Ông là người có nhiều đóng góp vào thành công của 2 dự án trọng điểm là: Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (ngày 11/3/2020) và Dự án Sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân (ngày 3/9/2020).

Khi những công việc quan trọng của 2 dự án đã qua giai đoạn “nước rút”, theo yêu cầu nhiệm vụ, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên được điều động về giữ chức vụ Cục trưởng V03, làm nhiệm vụ đứng đầu cơ quan chủ trì, tham mưu lãnh đạo Bộ Công an xây dựng nhiều dự án luật nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về an ninh, trật tự.

Một nhận vật nữ rất điển hình là Thượng tá Đỗ Thị Hằng Nga. Ngày 30/10/2017, chị được Bộ Quốc phòng trao quyết định của Chủ tịch nước sang Nam Sudan làm nhiệm vụ ở Phái bộ Gìn giữ hòa bình, Liên Hợp quốc. Chị là sĩ quan thứ 20 của Việt Nam nhận nhiệm vụ này, nhưng là nữ sĩ quan Việt Nam đầu tiên.

Theo quyết định, Thượng tá Đỗ Thị Hằng Nga có nhiệm kỳ 12 tháng thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình, Liên Hợp quốc với vai trò sĩ quan tham mưu giám sát các hoạt động quân sự. Tháng 5/2022, Thượng tá Đỗ Thị Hằng Nga lại lên đường nhận nhiệm vụ mới tại Nam Sudan.

Với những cống hiến trong công tác, chị đã nhận được Bằng khen Thủ tướng Chính phủ năm 2019; Bằng khen Bộ Quốc phòng năm 2019; Bằng khen Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam giai đoạn 2015 – 2020; Bằng khen Ban Tuyên giáo Trung ương năm 2022 và nhiều lần được Liên Hợp quốc tặng thưởng Huy chương…

Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng đã thảo luận, bình chọn và đóng góp nhiều ý kiến quý báu để tiếp tục hoàn thiện hơn nữa trong công tác triển khai Chương trình.

Ông Vũ Văn Tiến, Trưởng Ban Tuyên giáo (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) đánh giá rất cao tầm vóc, ý nghĩa quan trọng của Chương trình. Bên cạnh đó, ông đề nghị khâu tuyển chọn các tấm gương cần có tính bao quát rộng hơn; tăng cường những cá nhân là đồng bào các dân tộc thiểu số, giới luật sư… Đồng thời, có hình thức tổ chức Chương trình tạo được sự lan tỏa sâu rộng, truyền cảm hứng hơn nữa, mở rộng thêm số lượng thành viên Hội đồng để nâng cao chất lượng đánh giá, bình chọn.

Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh đề xuất Chương trình bình chọn nên có sự cân đối giữa các tỉnh, thành, các lĩnh vực công tác cũng như ưu tiên hơn cho các tấm gương đại diện cho thế hệ trẻ, hoạt động trong các lĩnh vực khó và mới, như công nghệ thông tin, biên giới, hải đảo… nhằm lan tỏa tinh thần tiên phong đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Bà Phan Minh Thủy, Trưởng phòng, Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề nghị bổ sung thêm các gương sáng là các hòa giải viên (qua cuộc thi Hòa giải viên giỏi mà Bộ Tư pháp đang tổ chức), bởi đây là những tấm gương góp phần lan tỏa, tuyên truyền pháp luật đến người dân rất hiệu quả…

Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) Lê Vệ Quốc, Phó Chủ tịch Hội đồng cũng đề xuất Hội đồng cân nhắc để bảo đảm vinh danh các gương sáng mang tính đại diện, toàn diện hơn nữa khi tham gia vào đời sống pháp luật của nước ta, trong đó ưu tiên hướng về cơ sở. Ngoài ra, ông Quốc kiến nghị nghiên cứu bổ sung hình thức livestream trên các nền tảng mạng xã hội để thu hút đông đảo người dân theo dõi, góp ý kiến.

Trân trọng cám ơn các ý kiến của thành viên Hội đồng, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam Vũ Hoài Nam – Trưởng ban tổ chức Chương trình cho biết, Ban Tổ chức, Hội đồng bình chọn sẽ bình chọn, tôn vinh theo các tiêu chí đã đề ra. Cùng với bình chọn, vinh danh những tấm gương, Báo Pháp luật Việt Nam sẽ phát hành kỷ yếu các tấm gương đã được đăng tải trên Báo, nhằm lan tỏa những việc làm tốt, có ý nghĩa trong xã hội…

Lễ tôn vinh Gương sáng Pháp luật năm 2023 sẽ được tổ chức tại Hà Nội nhân Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11, góp phần lan tỏa và khơi dậy tinh thần, nâng cao ý thức tôn trọng và làm theo Hiến pháp, pháp luật của cán bộ, nhân dân.

H.L

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích