Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Kạn: Phụ nữ có thế mạnh riêng giúp họ thành công

“Phụ nữ có những thế mạnh riêng như sự tỉ mỉ và khéo léo, giúp họ thành công trong cuộc sống và công việc. Trong mỗi người phụ nữ đều có nguồn động lực đặc biệt, tạo nên sức bền đáng kinh ngạc, nỗ lực vượt qua giới hạn vốn có của bản thân, đó là điều quan trọng để đạt được mục tiêu cao hơn trong công việc”.

Đó là chia sẻ của bà Hoàng Thị Thúy – Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Kạn khi trả lời phỏng vấn của PV Báo Xây dựng, nhân dịp kỷ niệm 93 năm thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.

Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Kạn: Phụ nữ có thế mạnh riêng giúp họ thành công
Bà Hoàng Thị Thúy

Sau gần 30 năm tách tỉnh, Bắc Kạn có nhiều thay đổi mạnh mẽ, trong đó có ngành Xây dựng. Bà có thể khái quát đôi chút về thành tựu này, cũng như những kết quả mà ngành Xây dựng Bắc Kạn đã đạt được?

– Từ khi tái thành lập tỉnh Bắc Kạn đến nay, hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh có 9 đô thị, gồm 1 thành phố, đô thị loại III; 7 thị trấn và 1 trung tâm xã là đô thị loại V, các đô thị đều có quy hoạch chung xây dựng được phê duyệt, là cơ sở để xây dựng và phát triển.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đến nay, 95 xã đều phê duyệt xong quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Từ một địa phương nghèo, khó khăn, đến nay, kiến trúc, cảnh quan đô thị, đường làng, ngõ xóm nhất là TP Bắc Kạn, có nhiều đổi thay tích cực. Các khu cơ quan hành chính, khu chức năng, giao thông nội thị, cấp điện, cấp thoát nước, thông tin liên lạc, vệ sinh môi trường… được chú trọng đầu tư xây dựng. Đặc biệt, sau khi TP Bắc Kạn được công nhận đạt đô thị loại III và trở thành thành phố thuộc tỉnh vào năm 2015, kinh tế – xã hội của tỉnh có bước đổi thay tích cực.

Một số điểm nhấn rõ nét trong kiến trúc xây dựng tại tỉnh Bắc Kạn là: Công trình Bệnh viện DDa khoa Bắc Kạn; Công trình nhà văn hóa tỉnh; Nhà thi đấu thể thao tỉnh; Nhà văn hóa huyện Pác Nặm, Trung tâm thương mại VincomPlaza Khu đô thị phía Nam thành phố, Khu dân cư mới Phặc Tràng…

Kết cấu hạ tầng, giao thông, điện, thông tin liên lạc, nước sạch, các cơ sở dịch vụ… được đẩy mạnh đầu tư như: Các trục đường nội thị TP Bắc Kạn, Dự án nâng cấp, cải tạo đường tỉnh 257 Bắc Kạn – Chợ Đồn; đường ĐT 258 (Chợ Đồn – Ba Bể); QL3B (Bắc Kạn – Na Rì); đường Bắc Kạn – hồ Ba Bể đang thi công xây dựng; Cao tốc Chợ Mới – Bắc Kạn (đã có chủ trương đầu tư xây dựng).

Hệ thống cấp nước cho TP Bắc Kạn, các thị trấn, trung tâm huyện lỵ đã được xây dựng, với tổng công suất 10.450 m3/ngđ. Hệ thống thoát nước vệ sinh của các đô thị như thị trấn Chợ Mới, thị trấn Chợ Rã được đầu tư cùng với việc xây dựng hệ thống cấp nước. Dự án cấp nước và vệ sinh thị xã Bắc Kạn (nay là TP Bắc Kạn), với tổng mức đầu tư 10.656.000 Euro, trong đó vốn ODA của Phần Lan là 8.196.000 Euro.

Quy hoạch phát triển VLXD tỉnh Bắc Kạn định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt. Theo đó, sẽ phát triển các loại vật liệu có thế mạnh như gạch không nung, cát, đá, sỏi và các loại các loại vật liệu khác… ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy định về sản xuất gạch thủ công, nhằm xóa bỏ lò gạch thủ công, gây ô nhiễm môi trường. Đến nay, trên địa bàn tỉnh chỉ có các đơn vị sản xuất vật liệu nhỏ lẻ, manh mún.

Phát triển quỹ nhà, tạo thuận lợi về cơ chế chính sách cho đầu tư phát triển nhà ở, phục vụ các đối tượng có nhu cầu là chương trình lớn của ngành Xây dựng để thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước. Hiện tại các dự án BĐS về nhà ở đang triển khai gồm: Khu dân cư Đức Xuân 4, Khu đô thị Bắc Sông Cầu, Khu dân cư Central Hill Bắc Kạn…

Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Kạn: Phụ nữ có thế mạnh riêng giúp họ thành công
Bắc Kạn là một trong những tỉnh có điều kiện phát triển khó khăn nhất của cả nước.

Với một ngành khá đặc thù, Giám đốc là nữ theo nhiều người đánh giá là có khó khăn nhất định. Theo bà, đó có thực sự là khó khăn hay thuận lợi?

– Tại Việt Nam nói chung quan điểm cho rằng nam giới phù hợp với các ngành kỹ thuật hơn phụ nữ, vẫn còn khá phổ biến trong cộng đồng. Điều đó không thể ngăn cản nữ giới theo đuổi đam mê và chứng minh năng lực của bản thân ở lĩnh vực này. Theo trải nghiệm của tôi, phụ nữ có thế mạnh riêng như sự tỉ mỉ và khéo léo, giúp họ thành công trong cuộc sống và công việc. Trong mỗi người phụ nữ đều có một nguồn động lực đặc biệt, tạo nên sức bền đáng kinh ngạc, nỗ lực vượt qua giới hạn vốn có của bản thân, đó là điều quan trọng để đạt được những mục tiêu cao hơn trong công việc.

Tuy nhiên, để có thể vượt qua những khó khăn, thử thách, tôi cho rằng niềm tin vào bản thân và tinh thần “thép” là điều mà bất cứ người phụ nữ nào cũng nên có khi muốn theo đuổi ngành đã chọn. Phụ nữ ngành kỹ thuật rất mạnh mẽ và cá tính, chỉ cần có đủ đam mê thì chắc chắn sẽ làm được điều mình mong muốn.

Theo bà, để Bắc Kạn tiến nhanh, tiến kịp nhiều địa phương khác, ngành Xây dựng tỉnh cần phải làm những gì trong thời gian tới?

– Để góp phần vào thành tựu phát triển của tỉnh Bắc Kạn tiến nhanh, tiến kịp nhiều địa phương khác, ngành Xây dựng tỉnh cần thực hiện tốt các loại quy hoạch xây dựng sau khi được phê duyệt, để hình thành nên các khu đô thị, khu chức năng có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường. Tham mưu, thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch… Đồng thời, tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về xây dựng; hoàn thiện luật pháp và cơ chế, chính sách, để xây dựng phong cách kiến trúc công trình ở Bắc Kạn tiên tiến hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc, phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương.

Đồng thời, đẩy mạnh đơn giản hóa, rút ngắn thời gian xử lý các thủ tục hành chính; cung cấp đầy đủ và kịp thời các thông tin về hoạt động xây dựng trên cổng thông tin điện tử hoặc các ứng dụng quản lý cơ sở dữ liệu ngành Xây dựng. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ về chất lượng dự án đầu tư, từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án, đến hoàn thiện, đưa công trình vào khai thác sử dụng, đảm bảo tuân thủ quy hoạch, chất lượng, an toàn và tiết kiệm chi phí đầu tư xây dựng.

Đẩy nhanh quá trình xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Xây dựng, bao gồm cơ sở dữ liệu về quy hoạch, nhà ở, dự án đầu tư xây dựng, giá xây dựng, vật liệu xây dựng… góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thực hiện các thủ tục giải phóng mặt bằng, tái định cư liên quan tới việc xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các công trình trọng điểm.

Khuyến khích đầu tư ngoài quốc doanh tham gia đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế – xã hội, đặc biệt là các công trình hạ tầng đô thị, giao thông, cấp nước, cấp điện và bưu chính viễn thông; tập trung nguồn vốn ngân sách Nhà nước cho các trường học, cơ sở y tế, nhà văn hóa… đảm bảo chất lượng và tiến độ. Tập trung đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, mở rộng hình thức Nhà nước và Nhân dân cùng làm, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; có cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP (nhất là địa bàn khu du lịch hồ Ba Bể và các khu di lịch sử ATK, Nà Tu…). Tranh thủ tối đa các nguồn vốn hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương, các thành phố lớn, các tập đoàn kinh tế và nguồn vốn ODA. Tập trung chỉ đạo và triển khai có hiệu quả nguồn vốn của Nhà nước hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Về phát triển vật liệu xây dựng, với nguồn tài nguyên sẵn có, Bắc Kạn khai thác sản xuất các sản phẩm vật liệu xây dựng đá, cát, sỏi theo quy hoạch khai thác và sử dụng khoáng sản đến năm 2030 để phục vụ xây dựng kết cấu hạ tầng của tỉnh. Xác định phát triển sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh một cách hiệu quả, bền vững; hạn chế tối đa ảnh hưởng tới môi trường trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng; đổi mới công nghệ, trang thiết bị hiện đại, ứng dụng công nghệ mới tiên tiến đi đôi với đảm bảo sản xuất vật liệu xây dựng có hiệu quả.

Trân trọng cảm ơn bà!

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích