Cần 1.341ha đất giải phóng mặt bằng phục vụ dự án đường vành đai 4 – Vùng Thủ đô

Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội vừa tổ chức hội nghị cam kết tiến độ và ký giao ước thi đua trong công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư luôn là điểm mấu chốt trong việc triển khai các dự án đầu tư. Đặc biệt, với dự án có khối lượng lớn và nhiều điểm đặc thù như Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô, công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư vô cùng quan trọng. Đây là chìa khóa quyết định cho sự thành công của dự án.

Trưởng ban Chỉ đạo cho biết, qua tính toán diện tích đất cần giải phóng mặt bằng là 1.341ha. Trong đó, Hà Nội phải thu hồi khoảng 741ha tại địa bàn 7 quận, huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Oai, Thường Tín. Tỉnh Bắc Ninh thu hồi khoảng 326ha tại địa bàn của 4 huyện, thành phố: Thuận Thành, Gia Bình, Quế Võ, TP. Bắc Ninh. Tỉnh Hưng Yên thu hồi khoảng 274ha tại địa bàn 4 huyện: Văn Lâm, Văn Giang, Yên Mỹ, Khoái Châu.

Trước khối lượng công việc thực tế, lãnh đạo 3 địa phương: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên đã thống nhất, việc xây dựng cơ chế chính sách áp dụng thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bổ sung danh mục kế hoạch sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xong trong tháng 10/2022.

Ngoài ra việc tổ chức lập, phê duyệt, cắm mốc giải phóng mặt bằng, bàn giao ranh giới giải phóng mặt bằng cơ bản hoàn thành trong tháng 10/2022, và hoàn thành toàn bộ chậm nhất trong tháng 11/2022. Phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, ban hành Quyết định thu hồi đất và giải phóng mặt bằng, tái định cư xong toàn dự án đầu tư hoàn thành tháng 12/2023.

Về bàn giao mặt bằng, lãnh đạo 3 địa phương thống nhất: Tháng 6/2023, phấn đấu bàn giao 70% mặt bằng để khởi công công trình. Tháng 12/2023, cơ bản bàn giao mặt bằng đối với toàn tuyến của dự án. Phấn đấu khởi công công trình vào tháng 6/2023; hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2027.

Nêu ý kiến, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn xác định đây là một dự án trọng điểm quốc gia, vì vậy tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo, do trực tiếp Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban. 4 huyện, thành phố có dự án đi qua cũng thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh tin tưởng, với lộ trình cùng quyết tâm cao được 3 địa phương cam kết, công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư dự án sẽ hoàn thành đúng kế hoạch.

Tương tự, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa khẳng định quyết tâm triển khai công tác giải phóng mặt bằng đúng tiến độ, để đến ngày 30/6 sẽ bàn giao 70% mặt bằng, khởi công dự án; cơ bản hoàn thành dự án vào cuối năm 2026, đưa vào khai thác từ năm 2027.

Được biết, vành đai 4 – Vùng Thủ đô là tuyến đường vành đai liên vùng quan trọng, kết nối giao thông giữa Hà Nội và các tỉnh thuộc vùng Thủ đô. Chủ trương đầu tư của dự án được Quốc hội thông qua với tổng tiến độ từ khâu chuẩn bị đầu tư đến tiến độ thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026, đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2027. Sơ bộ mức đầu tư của dự án là 85.813 tỷ đồng.

Việc triển khai, thực hiện dự án sẽ áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt. Cụ thể về nguồn vốn đầu tư, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 là 14.250 tỷ đồng đã bố trí cho Bộ Giao thông Vận tải giao về các địa phương để thực hiện dự án. Trong đó, TP. Hà Nội là 8.400 tỷ đồng; tỉnh Hưng Yên 3.740 tỷ đồng và tỉnh Bắc Ninh 2.110 tỷ đồng. Cho phép sử dụng phần vốn nhà nước tham gia tối đa 66% sơ bộ tổng mức đầu tư dự án. UBND TP. Hà Nội được giao trách nhiệm là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện dự án./.

Nguồn: Realtimes.vn
Bạn cũng có thể thích