Dự toán ngân sách 2023: Triển vọng và thách thức

Tại Tọa đàm “Dự toán Ngân sách nhà nước năm 2023 – Triển vọng và thách thức”, các chuyên gia tài chính cho rằng, Dự thảo đã thể hiện một số điểm tích cực trong dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2023. Tuy nhiên dự toán vẫn còn nhiều điểm cần xem xét điều chỉnh.

Phó giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia tài chính công Vũ Sỹ Cường – Học viện Tài chính phân tích: Dự báo số tăng thu quá thận trọng trong bối cảnh vĩ mô hiện nay, chỉ tăng 3,25 % so với ước thực hiện 2022, trong khi lạm phát của năm 2022 và 2023 đều dự kiến cao hơn 5%.

Tổng thu ngân sách nhà nước dự toán giai đoạn 2023-2025 chỉ tăng 10,3% so với thu ngân sách nhà nước 3 năm 2020-2022. Dự kiến tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước khoảng 15,7%GDP, tỷ lệ này thấp hơn nhiều trung bình giai đoạn 2016-2021 (trung bình 24,6 % tính theo GDP cũ và 18,5 % nếu tính theo GDP điều chỉnh).

Dự toán ngân sách 2023: Chưa sát với thực tế khi bối cảnh còn nhiều biến động
Sau nhiều năm lập dự toán, chi đầu tư vẫn là điểm yếu

“Tỷ lệ thu ngân sách trên tổng GDP giảm có thể là một tín hiệu đáng mừng cho sự giảm nhẹ gánh nặng thuế đối với người dân và doanh nghiệp, tuy nhiên, nếu chi ngân sách vẫn cao thì công tác cân đối ngân sách sẽ gặp khó khăn.

Thêm vào đó, thực tế gánh nặng thuế/phí đối với doanh nghiệp và người dân không có khuynh hướng giảm, chưa kể gánh nặng không chính thức, nên chúng tôi cho rằng các chỉ tiêu cần được xây dựng sát với thực tiễn và thực hành hiện nay nhằm tránh các rủi ro vì dự báo sai”, chuyên gia Vũ Sỹ Cường nói.

Ông Cường cũng cho rằng, sau nhiều năm lập dự toán, chi đầu tư vẫn là điểm yếu, do vậy việc thực hiện dự toán chi đầu tư công vẫn là một thách thức lớn. Các chuyên gia cũng cho rằng, Dự thảo chưa đề cập đến các phương án dự phòng trong trường hợp nguồn thu ngân sách nhà nước có biến động mạnh, chưa có kịch bản khác nhau cho kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 3 năm hoặc trung hạn.

Lý giải về dự toán thu ngân sách nhà nước “quá thận trọng”, ông Nguyễn Minh Tân – Phó Vụ trưởng, Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết: Dự toán thu ngân sách thường chia thành 2 khoản chính, đó là những khoản thu cốt lõi, thể hiện độ bền vững của ngân sách từ hoạt động sản xuất kinh doanh và những khoản thu bất thường.

Với khoản thu cốt lõi, qua theo dõi 10 năm thường có tăng trưởng 8-10%/năm từ hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, có những khoản thu bất thường còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố và các địa bàn.

Do đó, theo Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước, khi dự toán ngân sách phải loại ra những khoản thu bất thường và chỉ tính những khoản thu cốt lõi. Những khoản thu này bình quân hàng năm tăng trưởng khoảng 10% là rất tích cực trong bối cảnh nền kinh tế chịu nhiều biến động.

Phân tích rõ hơn về những khó khăn sắp phải đối diện, ông Nguyễn Minh Tân cho biết, 6 tháng đầu năm 2022 thu ngân sách đạt mức khả quan và có những tháng đạt trên 10% dự toán do các doanh nghiệp hoạt động khá tốt. Nhưng kể từ tháng 6 bắt đầu lộ rõ những khó khăn khi có tháng chỉ thu đạt 4% dự toán đề ra. Nguyên nhân do tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn về thị trường, nhiều doanh nghiệp khó khăn khi các quốc gia rơi vào suy thoái, hủy bỏ hợp đồng.

Ông Tân cho rằng, nếu đưa dự toán thu cao hơn, trong trường hợp không đạt thì lại loay hoay với bài toán cân đối ngân sách. Vì vậy, cần chủ động, linh hoạt nhưng cũng cần phải chắc chắn trong thu ngân sách để điều hành đạt hiệu quả hơn.

Cuối tháng 10 vừa qua, báo cáo công khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 do Chính phủ trình Quốc hội đã được Bộ Tài chính công khai lấy ý kiến. Theo đó, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2023 là 1.620,7 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước khoảng 15,7%GDP, trong đó từ thuế, phí khoảng 13,3% GDP.

Cụ thể, dự toán thu nội địa là 334,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 82,3% tổng thu cân đối ngân sách nhà nước, tăng khoảng 3,2% so với ước thực hiện năm 2022. Dự toán thu dầu thô 42 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,6% tổng thu cân đối ngân sách nhà nước, trên cơ sở sản lượng khai thác khoảng 8 triệu tấn (mỗi tấn tương đương khoảng 7,5 thùng), giá dầu dự toán khoảng 70 USD/thùng.

Dự toán thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu 239 nghìn tỷ đồng, chiếm 14,7% tổng thu cân đối ngân sách nhà nước. Trong đó, dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là 425 nghìn tỷ đồng; dự toán chi hoàn thuế giá trị gia tăng là 186 nghìn tỷ đồng. Dự toán thu viện trợ 5,5 nghìn tỷ đồng.

Với phương án nêu trên, dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2023 tăng khoảng 209 nghìn tỷ đồng so với dự toán năm 2022 và tăng 6,6 nghìn tỷ đồng so với ước thực hiện năm 2022.

Bảo Thoa

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích