Chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế biển: Cần linh hoạt và nhanh chóng

(TN&MT) – Để Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn, Việt Nam đã có nhiều quyết sách quan trọng để thúc đẩy việc phát triển bền vững kinh tế biển. Tuy nhiên, đứng trước sự biến động không ngừng của xã hội và ảnh hưởng sâu sắc của đại dịch Covid-19 tới nền kinh tế nói chung, kinh tế biển nói riêng, rất cần nhanh chóng chuyển dịch cơ cấu kinh tế biển sang những ngành, lĩnh vực mới hơn, năng động và bền vững hơn.

Đứt gãy sâu sắc nhiều ngành kinh tế biển

Nghị quyết 36/NQ-TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2045 đã xác định 6 mũi nhọn ưu tiên phải thành công, tạo thành khâu đột phá cho ngành kinh tế biển. Tuy nhiên, đứng trước sự tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid-19, một số ngành kinh tế được xác định là mũi nhọn như du lịch và dịch vụ du lịch, dầu khí, khai thác và nuôi trồng thủy, hải sản… đang sụt giảm doanh thu nghiêm trọng, không xác định thời điểm  phục hồi. Đây thực chất là những ngành kinh tế dựa vào tự nhiên, do đó dễ bị tổn thương trước diễn biến dịch bệnh.

 

Dịch Covid-19 kéo dài cũng làm gián đoạn hoạt động thương mại thủy sản toàn cầu cũng như thay đổi xu hướng tiêu thụ sản phẩm thủy sản. Theo đó, các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam cũng biến động theo xu hướng thị trường, dẫn đến xuất khẩu tôm chân trắng, tôm biển, cá biển, cua, ghẹ và nhuyễn thể hai mảnh vỏ tăng, trong khi xuất khẩu cá tra lại giảm sâu; cá ngừ, mực, bạch tuộc giảm  mạnh và khó tiêu thụ trong nước.

Khai thác và kinh doanh dầu khí cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi giá dầu châu Á đã ở mức thấp liên tiếp trong các tháng đầu năm và vẫn trên đà giảm hơn 5% đến thời điểm hiện nay do biến thể Delta của virus gây dịch Covid-19.

Trong nước,  tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, lây lan nhanh, mạnh trên diện rộng cùng việc thực hiện giãn cách xã hội ở nhiều tỉnh, thành phố theo Chỉ thị số 16/CT-TTg  cũng ảnh hưởng, tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; trong đó có PVN và các đơn vị thành viên khiến việc tiêu thụ các sản phẩm dầu khí như dầu thô, khí, điện, xăng dầu, phân bón đều giảm mạnh. Theo dự báo, trong những tháng còn lại của năm 2021, nhu cầu dầu thô của khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Đông Nam Á đều giảm sút do dịch Covid-19, thị trường tiêu thụ các sản phẩm dầu khí tiếp tục gặp nhiều khó khăn.

Cơ hội cho những ngành kinh tế mới

Theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Nguyên Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, đại dịch Covid-19 đã làm chúng ta phải thay đổi cách nhìn nhận đối với các nền kinh tế biển. Ví dụ như những địa phương ven biển lấy du lịch biển làm nền tảng, mũi nhọn để phát triển kinh tế sẽ chịu thiệt hại nặng nề nhất. Những nguồn lực vật chất, hạ tầng cơ sở của ngành du lịch như khu nghỉ dưỡng, khách sạn, phương tiện giao thông, dịch vụ chịu ảnh hưởng theo, dẫn tới nhiều doanh nghiệp phá sản.

Từ đó, ông đề xuất biện pháp chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế biển một cách kịp thời linh hoạt, cụ thể, phải nhanh chóng có cơ chế để đầu tư vào năng lượng biển tái tạo, năng lượng gió ngoài khơi, đầu tư cho những ngành nghề mới như nuôi thủy sản xa bờ, phát triển nghề cá giải trí.

Thay vì đánh cá có thể nuôi cá, tổ chức du lịch ra khơi ngắm cá và câu cá giải trí, lặn ngắm san hô. Đây là những ngành nghề tạo giá trị kinh tế cao và ít gây tổn hại đến tự nhiên. Mô hình nuôi biển ngoài khơi và dịch vụ du lịch giải trí ngắm cảnh đáy biển khá phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên, tại Việt Nam, còn ít doanh nghiệp tham gia bởi đầu tư ban đầu lớn và chưa có cơ chế cụ thể khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển.

 

Mặt khác, về phát triển đô thị biển tại 28 tỉnh ven biển. Bài toán quy hoạch hiện nay không chỉ là xây nhà, mở rộng diện tích mà phải làm kinh tế, tạo một hệ sinh thái nhân sinh. Ông lấy ví dụ những đô thị ven biển như Quy Nhơn, Nha Trang, Vũng Tàu, Đà Nẵng đã thay đổi rất nhiều, trở thành những đô thị ven biển văn minh, đáng sống.

Đồng thời, muốn chuyển dịch kinh tế biển từ “nâu” sang “xanh” các địa phương còn phải biết tận dụng lợi thế của mình và biết chuyển những điểm yếu thành cơ hội để phát triển và kết nối vùng, không nên chỉ dựa vào khai thác tự nhiên. Ví dụ như một trong những lợi thế của miền Trung về phát triển cảng và hàng hải là có các vũng, vịnh ven bờ khá sâu, ít sa bồi, gần tuyến hàng hải quốc tế. Tuy nhiên, vùng này cũng có yếu thế là chân hàng (nguồn hàng) khan hiếm,… Để chuyển yếu thế thành lợi thế, cần phát triển chuỗi đô thị ven biển thông qua việc nâng cấp và mở rộng quy mô của những đô thị ven biển có sẵn (Thanh Hóa, Vinh, Hà Tĩnh, Đồng Hới, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Tam kỳ, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết và Vũng Tàu) và thiết lập các đô thị mới trong tương lai dựa trên việc xây dựng các khu kinh tế ven biển gắn với cảng biển nước sâu (Nghi Sơn, Vũng Áng, Chân Mây, Chu Lai – Dung Quất, Nhơn Hội, Vân Phong,…). Sự hình thành “chuỗi đô thị ven biển” sẽ gia tăng khả năng thu hút và tích tụ dân số, tạo ra cầu và cung (nhu cầu nội vùng), kéo theo việc tăng nguồn hàng “xuất ngay tại chỗ”.

Bên cạnh việc tạo ra liên kết vùng trong phát triển, những đô thị ven biển “mới” sẽ dần xuất hiện theo thời gian, giống như thành phố Hải Phòng hơn 286 năm về trước. Khi đó, một miền Trung nắng nhiều hơn mưa, nhìn liền phía Tây là dãy Trường Sơn sừng sững, nhìn xuống chân là cát nóng bỏng (dãy cồn đụn cát kéo dài hơn 500 km), nhìn về phía Đông là rủi ro từ biển cả,… sẽ trở thành một miền Trung thịnh vượng, bứt phá từ lợi thế của biển

Đó là những  gợi ý để thấy kinh tế đô thị sẽ phát triển tốt cùng kinh tế biển. Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cũng bày tỏ mong muốn, sau Phú Quốc, sẽ có thêm Côn Đảo, Phú Quý, Cát Bà sẽ trở thành đô thị “đô thị đảo” thật sự, là điểm cầu thu hút đầu tư, kết nối bờ và biển, biển và đảo, kết nối biển Việt Nam với đại dương thế giới.

Theo Báo cáo của Hiệp hội du lịch Việt Nam, có đến 90% doanh nghiệp không hoạt động, 10% doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ làm dịch vụ đại lý tour phần lớn cho 100% lao động nghỉ việc, 60 – 90% nhân sự doanh nghiệp lữ hành đang nghỉ không lương.

Bạn cũng có thể thích