DIC Group đề xuất tháo gỡ khó khăn trong triển khai dự án bất động sản

(Xây dựng) – Mới đây, Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng (DIC Group) có văn bản báo cáo và kiến nghị Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án bất động sản của DIC Group nói riêng và toàn thị trường nói chung để thúc đẩy thị trường bất động phát triển lành mạnh, bền vững.

DIC Group đề xuất tháo gỡ khó khăn trong triển khai dự án bất động sản
Trụ sở văn phòng mới DIC Group tại Vũng Tàu.

Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng (DIC Group) tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Bộ Xây dựng, thực hiện cổ phần hóa từ năm 2008. Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản đã trên 30 năm, tuy nhiên, hiện công ty đang ở giai đoạn khó khăn nhất trong suốt quá trình hình thành và phát triển. Vì vậy, DIC Group có báo cáo và đề xuất Tổ công tác của Thủ tướng tháo gỡ nhiều nội dung vướng mắc về pháp lý.

Ví dụ điển hình là tại khu đất 31ha và khu đất 14,4ha của DIC Group thuộc Dự án Khu đô thị du lịch sinh thái Đại Phước, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai (quy mô 464ha). Các khu đất này DIC Group đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoàn thành nghĩa vụ tài chính, có hạ tầng kết nối, đủ điều kiện để góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Nội dung này đã được Tổng cục Quản lý Đất đai khẳng định tại Văn bản số 96/TCQLĐĐ-CĐKĐĐ ngày 18/01/2021.

Theo hướng dẫn của Tổng cục Quản lý Đất đai từ ngày 18/01/2021, DIC Group đã nộp hồ sơ xin góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào Công ty TNHH Đại Phước Thiên An và Công ty TNHH Đại Phước Thiên Minh.

Ngày 07/10/2022, UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản 10655/UBND-KTN trình Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương cho phép góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào doanh nghiệp để thực hiện Dự án cấp 2 theo quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500.

Như vậy, hồ sơ nêu trên đã được lập từ cuối năm 2020, được UBND tỉnh Đồng Nai thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ từ tháng 11/2021, tuy nhiên Chính phủ đã trả lại hỗ sơ và UBND tỉnh Đồng Nai tiếp tục rà soát, báo cáo vào tháng 10/2022 nhưng đến nay vẫn chưa trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết. Hiện đã 4 tháng trôi qua nhưng hồ sơ vẫn chưa được giải quyết.

Trong khi đó, DIC Group đã đàm phán với đối tác để hợp tác đầu tư, tạo nguồn thu nhằm hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh đề ra. Theo đó, đối tác đã chờ từ năm 2021 đến nay đã gần 2 năm nhưng vẫn chưa có câu trả lời chắc chắn về thời điểm được Thủ tướng Chính phủ cho phép, làm cho doanh nghiệp bị động về tài chính, rất khó khăn trong việc điều hành sản xuất kinh doanh ở thời điểm hiện nay còn đối tác thì rất nản lòng.

Đây là ví dụ điển hình tại rất nhiều doanh nghiệp bất động sản: doanh nghiệp có đất, đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, nhưng không thể chuyển nhượng, không có nguồn thu, bị mất cân đối tài chính…

Đối với trường hợp của DIC nêu trên, DIC kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương cho phép DIC Group góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào doanh nghiệp để thực hiện Dự án cấp 2 theo quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, để doanh nghiệp giữ uy tín với đối tác, có dòng tiền để triển khai công tác sản xuất kinh doanh, chi trả thu nhập cho người lao động cũng như trả các khoản vay và lãi vay đến hạn.

Đồng thời, đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét ủy quyền và giao nhiệm vụ cho tỉnh Đồng Nai được quyết định các công việc tương tự sau khi thẩm định hồ sơ theo quy định.

Ngoài ra, để rút ngắn thời gian thực hiện một số thủ tục pháp lý như giãn tiến độ dự án mà việc chậm tiến độ do nguyên nhân khách quan mang lại, thủ tục chuyển nhượng một phần dự án khu đô thị mà quy mô sử dụng đất dưới 300ha (quy mô này tương ứng với thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của tỉnh), doanh nghiệp cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao/ủy quyền cho các cấp chính quyền địa phương thực hiện các thủ tục pháp lý này theo quy định.

Kiến nghị thứ ba của DIC là bổ sung giải pháp tín dụng trong giai đoạn khó khăn. Theo quy định của pháp luật cũng như thực trạng triển khai dự án đều hướng đến phương án doanh nghiệp tự thỏa thuận với người dân hoặc ứng trước tiền bồi thường, hỗ trợ cho người dân để thực hiện công tác bồi thường, GPMB. Trong khi, chi phí bồi thường GPMB rất lớn trong tổng mức đầu tư dự án. Vì vậy, DIC Group cũng đề xuất Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu cho phép các tổ chức tín dụng được giải ngân nguồn vốn tín dụng để phục vụ công tác bồi thường GPMB cho các doanh nghiệp đã có đầy đủ pháp lý về đầu tư, đồng thời doanh nghiệp phải đảm bảo tỷ lệ vốn đối ứng theo quy định.

DIC Group cũng đề xuất giảm bớt các điều kiện pháp lý để huy động vốn, mở bán đối với các sản phẩm bất động sản.

Theo DIC, quy định của pháp luật về điều kiện huy động vốn và mở bán đối với sản phẩm bất động sản tại thời điểm này là rất khó cho doanh nghiệp với việc quy định quá chặt chẽ, quá nhiều hồ sơ thủ tục phải triển khai cũng như yêu cầu xây dựng hoàn chỉnh các công trình hạ tầng xã hội, thương mại dịch vụ…

Để ra được sản phẩm thì doanh nghiệp phải bỏ ra quá nhiều chi phí cho việc GPMB, nộp tiền sử dụng đất, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đầu tư cả công trình kiến trúc trên đất đối với trường hợp bán nhà ở hình thành trong tương lai; trong khi tùy từng khu vực dự án, tùy từng địa phương thì việc đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các hạng mục này ở thời điểm đưa sản phẩm vào kinh doanh là chưa cần thiết, gây lãng phí nguồn lực đầu tư.

Bên cạnh đó theo quy định pháp luật kinh doanh bất động sản, hiện nay việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc đầu tư đồng ý bằng văn bản. Như vậy đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, doanh nghiệp hiện phải làm quá nhiều hồ sơ thủ tục với thời gian kéo dài do chờ các Bộ, sở, ban, ngành có ý kiến thống nhất

Do đó, DIC Group đề xuất Chính phủ xem xét, rà soát các điều kiện huy động vốn và mở bán đối với sản phẩm bất động sản theo hướng tinh giản các điều kiện, thủ tục, quy định/hoặc cho doanh nghiệp được cam kết về lộ trình đầu tư xây dựng các công trình kiến trúc về xã hội, dịch vụ thương phù hợp với điều kiện tại từng địa phương.

Trong báo cáo đến Tổ công tác của Thủ tướng, DIC Group cũng đề xuất một vài giải pháp khác liên quan đến: giãn thời gian nộp tiền sử dụng đất, thuê đất; nới room tín dụng; triển khai quy hoạch xây dựng; số hóa công tác quản lý đầu tư công, công tác đấu thầu…

Từ thực tiễn và các vấn đề đang gặp phải của doanh nghiệp, DIC Group đóng góp ý kiến về các giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động thuận lợi, vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, đảm bảo cuộc sống ổn định cho người lao động và đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích