Đẩy nhanh các dự án “chống ngập” mùa mưa bão

Nhiều điểm ngập úng

Chỉ với trận mưa có lưu lượng từ 50 – 70mm/giờ, một số tuyến phố trung tâm phố Hà Nội đã bị ngập nặng như: Nguyễn Khuyến, Hoa Bằng, ngã tư Phan Bội Châu – Lý Thường Kiệt, ngã năm Đường Thành – Bát Đàn – Nhà Hỏa, Cao Bá Quát, Thụy Khuê (đoạn dốc La Pho), Minh Khai (đoạn chân cầu Vĩnh Tuy), Nguyễn Chính, Đại lộ Thăng Long, phố Ngọc Lâm, đường Hoàng Như Tiếp. Ngoài ra, 1 điểm Nguyễn Chính đã được đầu tư cải tạo thoát nước năm 2022, cần theo dõi đánh giá trong mùa mưa năm nay.

Đẩy nhanh các dự án “chống ngập” mùa mưa bão
Cần sớm hoàn thành các dự án thoát nước theo đúng quy hoạch để giải quyết tình trạng úng ngập mỗi khi mưa lớn.

Còn với các trận mưa có cường độ cao, tập trung trong thời gian ngắn, lượng mưa đến 100mm/giờ trở lên, gây quá tải cho hệ thống thoát nước, dự kiến trên địa bàn thành phố xuất hiện thêm 19 điểm/khu vực úng ngập cục bộ, gồm: Phố Tông Đản, Đinh Tiên Hoàng, Phùng Hưng, ngã ba Cầu Giấy – Dịch Vọng, phố Mạc Thị Bưởi, Quan Nhân, Cự Lộc, Nguyễn Trãi, Phan Văn Trường, Dương Đình Nghệ, Trần Bình, Kẻ Vẽ, Ecohome3, Khu đô thị Resco, phố Đỗ Đức Dục, đường Nguyễn Xiển, Cổ Linh – Đàm Quang Trung, Quốc lộ 3 đoạn qua xã Mai Lâm (huyện Đông Anh) và đường 23B đoạn qua thôn Cổ Điển (huyện Đông Anh).

Trên thực tế, đấy mới chỉ là những điểm thống kê của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội dựa trên phân bố của hệ thống thoát nước, còn tại các địa điểm này ngoài hệ thống chính như tại các ngõ, ngách, khu dân cư… thì số lượng là không kiểm soát được.

Điều đáng nói là để có được kết quả như trên là nhờ một sự nỗ lực không nhỏ của hàng nghìn công nhân thoát nước Thủ đô không quản ngại nắng mưa, ngày đêm để duy trì, nạo vét, khơi thông dòng chảy đảm bảo hệ thống thoát nước được vận hành thông suốt. Nói một cách đơn giản hơn, sự quá tải của hệ thống thoát nước đáng ra còn xảy ra nghiêm trọng hơn nếu không có sự nỗ lực của những con người này.

Trước việc có một số điểm ngập úng lớn, Sở Xây dựng Hà Nội lý giải nguyên nhân là do một số khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh, dẫn đến hạ tầng kỹ thuật chưa được xây dựng đồng bộ theo quy hoạch; các dự án hạ tầng kỹ thuật, giao thông đang triển khai có ảnh hưởng lớn đến hoạt động của hệ thống thoát nước… Bên cạnh đó, ý thức của một bộ phân người dân, cơ sở kinh doanh chưa tốt vẫn xả rác, xả chất cặn bã hóa học như dầu luyn, mỡ ra hệ thống thoát nước, không qua xử lý, vô hình trung tạo một lớp cặn, màng tại cửa cống, hố ga khiến việc tiêu thoát nước kém, dẫn đến ngập úng khi mưa lớn.

Một nguyên nhân khác nữa cũng cần được nhắc đến, đó là sự buông lỏng quản lý trong trật tự xây dựng ở nhiều địa bàn đã khiến một số đường thoát nước vốn dĩ cục bộ, nhỏ bé nay đã bị vùi lấp hẳn. Việc làm này đã dẫn đến tình trạng nhiều ngõ phố, khu dân cư gần như không có đường thoát nước sinh hoạt lẫn nước mưa mà điển hình trong số này là Khu dân cư ngõ 49 đường Nguyễn Khoái, phường Bạch Đằng…

Đợi chờ các dự án đảm bảo đúng tiến độ

Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 725/QĐ-TTg, ngày 10/5/2013 phê duyệt Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến 2030, tầm nhìn 2050, nguồn kinh phí thực hiện các dự án trong quy hoạch tính đến năm 2030 là 116.500 tỷ đồng (theo thời giá 2012). Trong đó, giai đoạn đến 2020 dự kiến khoảng 53.350 tỷ đồng, gồm đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước mưa chiếm khoảng 21.550 tỷ đồng, hệ thống thu gom xử lý nước thải cải thiện môi trường khoảng 31.800 tỷ đồng.

Đến nay các địa phương đã hoàn thiện xây dựng theo quy hoạch trong phạm vi 77,5km2 của lưu vực sông Tô Lịch, thuộc địa bàn 8 quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Tây Hồ. Còn lại 62km2 khu vực Long Biên, 47km2 khu vực hữu Nhuệ, 58km2 khu vực tả Nhuệ gồm Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai và một phần quận Tây Hồ, huyện Thanh Trì về cơ bản chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ theo quy hoạch.

Cụ thể, trạm bơm Liên Mạc (công suất 170m3/giây), trạm bơm Gia Thượng và Cự Khối (tổng công suất 65m3/giây) chưa được xây dựng. Trạm bơm Yên Nghĩa công suất 120m3/giây chưa thể hoạt động hết công suất do hệ thống kênh dẫn nước La Khê vẫn đang thi công dang dở khiến dòng chảy về trạm bơm bị hạn chế. Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá công suất 270.000m3/ ngày cùng hệ thống thu gom nước thải cũng chưa hoàn thiện. Tương tự, khu vực Long Biên chưa được đầu tư hoàn chỉnh. Do vậy phụ thuộc rất nhiều vào khả năng tiêu thoát của sông Cầu Bây và hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải, trước đây vốn chỉ dành cho tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Với hạ tầng quy hoạch thoát nước chắp vá như vậy tình trạng hễ mưa là ngập cũng trở nên dễ hiểu hơn.

Được biết, nhằm nâng cao năng lực của hệ thống thoát nước, giảm thiểu tình trạng ngập úng, Hà Nội đã có kế hoạch thực hiện một số dự án như: Hệ thống thoát nước mưa lưu vực Tả sông Nhuệ; Hệ thống thu gom nước thải (lưu vực S1) về Nhà máy nước xử lý nước thải Yên Sở; Hệ thống thoát nước mưa lưu vực Tả sông Nhuệ; Trạm bơm Gia Thượng, hồ điều hòa và xây dựng tuyến mương Thượng Thanh, quận Long Biên; Hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Tây sông Nhuệ; Hệ thống thoát nước quận Hà Đông thuộc lưu vực Hữu Nhuệ; Dự án cải thiện thoát nước và quản lý nước thải tại quận Long Biên và huyện Gia Lâm… với tổng mức đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng.

Tuấn Dũng

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích