Công trình vi phạm trên đất lúa nhiều năm không xử lý tại Sóc Sơn (Hà Nội): Cần xử lý trách nhiệm cán bộ buông lỏng quản lý

“Để xuất hiện và tồn tại kéo dài các công trình có quy mô hàng trăm mét vuông được xây dựng trên đất lúa tại thôn Lập Trí, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội) là không thể chấp nhận. Cán bộ lãnh đạo địa phương buông lỏng quản lý cần phải được xử lý trách nhiệm”, Luật sư Vi Văn Diện bày tỏ.

Các công trình có quy mô hàng trăm mét vuông được xây dựng trên đất lúa tại xã Minh Trí

Theo đó, Báo Đại biểu Nhân dân nhận được phản ánh tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại thôn Lập Trí, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội. Qua ghi nhận thực tế tại vị trí theo phản ánh xuất hiện 2 công trình quy mô lớn được xây dựng với diện tích hàng trăm mét vuông trên đất trồng lúa.

Theo ông Đinh Văn Bảo – Chủ tịch UBND xã Minh Trí cho biết, nguồn gốc đất tại 2 công trình nêu trên là đất nông nghiệp (đất trồng lúa), trong đó có một chút đất được người dân khai hoang trồng cây. Năm 2009 – 2012 xã Minh Trí thực hiện dồn điền đổi thửa điểm của huyện Sóc Sơn. Sau khi thực hiện xong việc dồn điền đổi thửa, chính quyền địa phương xã Minh Trí chia cho người dân bằng hình thức bốc thăm.

Khi nhận được phản ánh từ Báo Đại biểu Nhân dân, UBND xã Minh Trí đã tiến hành kiểm tra, ra soát 2 trường hợp xây dựng trái phép là hộ ông Nguyễn Văn Thường (SN 1960) vừa chăn nuôi bò vừa sang chiết sơn, hộ nhà ông Nguyễn Quang Mẫn (SN 1981) chăn nuôi lợn, bò. Thời điểm xây dựng được xác định khoảng thời gian từ năm 2012 – 2013.

Tính đến nay, 2 công trình sai phạm nêu trên đã được tồn tại khoảng thời gian là 10 năm, thế nhưng đến nay UBND xã Minh Trí chưa từng làm việc hay xử phạt đối với 2 công trình này, vị lãnh đạo cho biết thêm.

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp luật, luật sư Vi Văn Diện – Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiên Minh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Căn cứ theo khoản 3 Điều 12 Luật Đất đai 2013 hành vi sử dụng đất trái mục đích sử dụng của đất là hành vi bị nghiêm cấm. Đất trồng lúa chỉ được sử dụng cho mục đích trồng lúa, nếu chưa chuyển mục đích sử dụng đất mà cố tình xây nhà trên đất đó là trái quy định của pháp luật.

Công trình vi phạm trên đất lúa nhiều năm không xử lý tại Sóc Sơn (Hà Nội): Cần xử lý trách nhiệm cán bộ buông lỏng quản lý
Các thùng phi được để la liệt ngoài trời có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường trồng lúa xung quanh.

Việc sử dụng đất trồng lúa vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép sẽ bị xử phạt theo quy định tại khoản 3, 4, 5 Điều 9 Nghị định 91/2019/NĐ-CP:

“3. Chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,01 ha;

b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,01 ha đến dưới 0,02 ha;

c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,02 ha đến dưới 0,05 ha;

d) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,05 ha đến dưới 0,1 ha;

đ) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,1 ha đến dưới 0,5 ha;

e) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5 ha đến dưới 01 ha;

g) Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 01 ha đến dưới 03 ha

h) Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 03 ha trở lên.

4. Chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị thì hình thức và mức xử phạt bằng hai (02) lần mức phạt quy định tại khoản 3 Điều này.

Đồng thời, chính quyền địa phương cần thực hiện các quy trình thủ tục yêu cầu tháo dỡ các công trình vi phạm, trả lại hiện trạng ban đầu. Người vi phạm không chấp hành cần phải thực hiện cưỡng chế để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

“Cùng với việc xử lý sai phạm, Huyện uỷ – UBND huyện Sóc Sơn cần làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân cán bộ buông lỏng quản lý để xảy ra sai phạm kéo dài trong vụ việc trên”, luật sư Diện bày tỏ quan điểm.

Để làm rõ trách nhiệm cá nhân và các tập thể liên quan sai phạm trong sử dụng đất lúa tại thôn Lập Trí, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, PV Báo Đại biểu Nhân dân đã liên hệ đặt lịch làm việc với UBND huyện Sóc Sơn. Tuy nhiên, đã gần 1 tháng trôi qua, đến thời điểm hiện tại, Báo Đại biểu Nhân dân vẫn chưa nhận được hồi âm từ địa phương này.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích