Đơn giản hóa hồ sơ khai thác sử dụng nước của các công trình thủy lợi đã vận hành

(TN&MT) – Thực tế, tại nhiều địa phương, trong đó có Tuyên Quang hiện chưa thực hiện cấp phép khai thác, sử dụng nước mặt cho sản xuất nông nghiệp đối với các công trình thủy lợi có quy mô từ 0,1m3/giây trở lên theo quy định tại Nghị định số 201/2013/NĐ-CP do việc cấp phép phức tạp, gặp nhiều vướng mắc.

Chính vì vậy, cử tri tỉnh Tuyên Quang đề nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu Chính phủ xem xét bỏ thủ tục cấp phép khai thác sử dụng nước mặt phục vụ sản xuất đối với hệ thống công trình thủy lợi đã được đầu tư đưa vào khai thác sử dụng; chỉ thực hiện cấp phép đối với các công trình xây dựng mới hoặc xem xét điều chỉnh các thủ tục cấp phép theo hướng đơn giản, dễ áp dụng, phù hợp với năng lực của cán bộ giao quản lý khai thác công trình thủy lợi tại địa phương.

Về vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết:

Tại Nghị định số 201/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên nước và Thông tư số 27/2014/TT-BTNMT quy định việc đăng ký khai thác nước dưới đất, mẫu hồ sơ cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép tài nguyên nước đã quy định cụ thể các nội dung, yêu cầu về thông tin, số liệu đối với từng loại đề án, báo cáo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác sử dụng nước mặt. Đồng thời, quy định việc lập đề án, báo cáo thuộc trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép.

cong-trinh-thuy-loi.jpg
Ảnh minh họa

Trường hợp tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép đủ điều kiện năng lực theo quy định tại Nghị định 60/2016/NĐ-CP quy định một số điều kiện đầu tư và kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường và Nghị định 136/2018/NĐ-CP về việc sửa đổi một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư và kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường thì có thể tự lập đề án, báo cáo.

Trên thực tế, đã có nhiều đơn vị quản lý vận hành công trình thủy lợi có các cán bộ đáp ứng đủ các điều kiện năng lực lập Đề án, Báo cáo khai thác sử dụng nước theo quy định nêu trên (điển hình là hệ thống thủy lợi Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng).

Bên cạnh đó, các nội dung yêu cầu phân tích, đánh giá về chế độ dòng chảy, chất lượng nguồn nước mặt trong đề án/báo cáo khai thác sử dụng nước được quy định chung cho tất cả công trình khai thác nước mặt.

Do vậy, đối với các công trình thủy lợi, tùy từng quy mô, phạm vi tác động ảnh hưởng, trong quá trình thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xem xét các yêu cầu cụ thể để phù hợp với tình hình thực tế tại từng công trình.

Ngoài ra, Bộ cũng đã hướng dẫn các đơn vị trong quá trình lập đề án/báo cáo tại các công trình thủy lợi đã vận hành nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị có văn bản gửi về Bộ để được hướng dẫn cụ thể.

Tại Nghị định số 201/2013/NĐ-CP chưa quy định cụ thể các yêu cầu chi tiết về nội dung các thành phần hồ sơ của đề án/báo cáo xin cấp phép cho từng loại hình và quy mô công trình. Đối với nội dung này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã rà soát, nghiên cứu và sẽ sửa đổi, bổ sung Nghị định nêu trên trong năm 2022, trong đó sẽ kiến nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng đơn giản hoá thành phần hồ sơ, yêu cầu trong nội dung đề án, báo cáo khai thác sử dụng nước đối với các công trình thủy lợi đã vận hành.

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng trình Chính phủ đề nghị xây dựng dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp năm 2023, trong đó Bộ sẽ xem xét kiến nghị của tỉnh Tuyên Quang vấn đề cấp giấy phép đối với hệ thống công trình thủy lợi đã được đầu tư và vận hành trước đó trong quá trình sửa đổi Luật Tài nguyên nước

Bạn cũng có thể thích